top-banner-2

Thứ tư, 25/03/2015, 08:58 GMT+7

Khi đại gia 'bỏ phố' quay 'về vườn'

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ tư, 25/03/2015, 08:58 GMT+7

Sức hấp dẫn khó cưỡng đã khiến hàng loạt đại gia quay về với nông nghiệp, thúc đẩy cuộc “cách mạng xanh” ở Việt Nam vào đà tăng tốc nhanh chưa từng có.

Không cần chờ đến lúc “hết gạo chạy rông” mới “nhất nông nhì sĩ”. Chất nông dân và tình yêu ruộng đồng từ ngàn xưa tới bây giờ vẫn không ngừng chảy trong huyết quản mỗi người con nước Việt, bất kể đó là dân nghèo, công chức, trí thức hay doanh nhân. Cũng từ xuất phát điểm sâu xa ấy mà mới đây hàng loạt đại gia các ngành khác lại quay về với nông nghiệp, thúc đẩy cuộc “cách mạng xanh” ở Việt Nam vào đà tăng tốc nhanh chưa từng có…

Không ít chuyên gia nông nghiệp cả đời cống hiến miệt mài, thu nhập vẫn thấp hơn nông dân sản xuất giỏi. Không ít người vừa hứa hẹn đầu tư lập tức được lót đường, rải thảm chào đón với những cơ chế ưu đãi chưa từng có. Đã qua thời “nhất sĩ nhì nông”, hay kiểu liên kết thời thượng giữa “các nhà” đang rơi đúng thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”?

Thực nghiệm dưới thung lũng Organik

Chủ vườn trông chẳng khác gì một nông dân thực thụ. Ngày nào ông cũng cần mẫn lao động, trực tiếp chăm sóc rau hoa ở trang trại hẻo lánh, cách trung tâm Đà Lạt gần 16 km. Ông tận tình hướng dẫn miễn phí cho nông dân, sinh viên, nghiên cứu sinh, cán bộ khuyến nông tới đây thực tập, hoặc miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm về kỹ thuật ngủ đông đóng gói các giống rau mới.

Thỉnh thoảng ông đi xa, giúp tỉnh thành nào đó thiết lập nền tảng nông nghiệp công nghệ cao, hoặc dùng tiền bán rau dự hội thảo quốc tế, giới thiệu về rau hoa chất lượng cao của Việt Nam với bạn bè thế giới.

Hàng loạt đại gia quay về với nông nghiệp

Đó là ông Nguyễn Bá Hùng, giám đốc Cty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt, người Việt đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sinh học chuyên ngành Di truyền tại Viện Nông nghiệp Quốc gia Pháp năm 1994. Sau đó, ông hồi hương giúp nông dân áp dụng công nghệ hữu cơ vào sản xuất rau hoa cao cấp từ đó đến nay.

Dốc vốn liếng đầu tư hàng chục tỷ đồng vào thung lũng Organik rộng 5 ha, mỗi năm, nguồn thu nhập từ hàng trăm tấn rau cao cấp đóng gói ăn liền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Rau Đà Lạt”. Từ đây, ông ưu tiên việc chuyển giao kiến thức về di truyền, chọn lọc giống cho nông dân. Mơ ước của ông là vườn Organik được hỗ trợ mở rộng, cách ly mọi nguồn ô nhiễm từ bên ngoài tràn vào, tiếp nhận nhiều hơn nữa lượng sinh viên đến thực tập. Giản dị vậy, nhưng sao mà khó…

Dẫu sao, “tiến sĩ rau sạch” cũng đã tạo dựng được một cơ ngơi đủ để độc lập làm việc và cống hiến, trong khi còn biết bao nhiêu nhà khoa học khác cũng miệt mài ngày đêm trên đồng ruộng, tạo ra các bộ giống cây trồng cao sản mới. Ví dụ, cà phê, tiêu, năng suất cao nhất thế giới, nhưng thu nhập không so nổi với những nhà nông cần cù ứng dụng kết quả nghiên cứu của họ!

Đà Lạt, nhiều người biết anh Mai Văn Khẩn. Hai mươi năm trước tay trắng từ Thanh Hóa vào cưới vợ làng hoa Thái Phiên, tập trồng và kinh doanh rau. Từ các đặc sản rau sạch độc đáo trồng trong nhà kính xứ lạnh như súp lơ xanh, củ cải đỏ, su hào tím, xà lách lô lô, bắp sú bao tử đạt tiêu chuẩn VietGAP, anh trở thành chủ nhiệm Hợp tác xã, mỗi ngày cung ứng trên 1,5 tấn rau, củ vào siêu thị, thu nhập trên dưới 3 tỷ đồng/năm.

Đắk Lắk, nhiều người biết “tỷ phú Mười Bơ”- cách gọi quen thuộc anh Trịnh Xuân Mười, cậu thiếu niên nghèo đói từ Diễn Châu - Nghệ An đi lậu vé tàu lên Tây Nguyên làm thuê, buôn trái cây, sau hai mươi năm, nay trở thành nhà tạo giống bơ nổi tiếng, sở hữu cả chục giống bơ ngon, hiếm quý.

Nhà nông tỷ phú cỡ như anh Khẩn hay Mười Bơ giờ chưa phải quá nhiều, nhưng cũng không còn là “của hiếm”. Từ Bắc vào Nam có tới mấy chục “vua” gắn liền tên với loại cây con nào đó như nho, bơ, vải, nhãn, mít, chuối, heo rừng, chồn hương… Nông dân ngày ra đồng, tới trang trại, đêm về lướt net tra cứu thông tin, mở web chào hàng, lái ô tô bạc tỷ điệu nghệ, du lịch khắp Á, Âu thăm thú học hỏi không còn là chuyện lạ nữa!

Tuy nhiên, phải tới lúc các đại gia lừng lẫy thương trường quay về làm nông, thì cuộc chơi mới trở nên ngoạn mục hơn bao giờ hết!

Top 3 tỷ phú đô la khoác áo nhà nông

alt

Ông Đức tự tay kiểm tra cách lấy mủ cao su

Việc đại gia gỗ và bất động sản Đoàn Nguyên Đức ào ạt đầu tư vào cả trăm nghìn héc-ta đất để trồng cao su, bắp lai, mía, dầu cọ với quy mô “liên quốc gia”, trải rộng từ nội địa sang Lào, Campuchia, Myanmar khiến công chúng sững sờ. Xưa nay Bầu Đức nổi tiếng mạnh mẽ táo bạo, miệng nói tay làm, hiếm khi quyết đoán sai.

Và quả nhiên, chẳng bao lâu sau đó, những con số lãi khủng từ mảng đầu tư vào nông nghiệp của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã cho thấy Bầu Đức đủ sức dẫn dắt cuộc chơi. Chỉ với đề nghị “tạm nhập tái xuất” 8 vạn tấn đường ông sản xuất tại Lào trong 2 năm 2014-2015, đã khiến Hiệp hội Mía đường Việt Nam rúng động!

Rồi chỉ sau 7 tháng nuôi bò, hợp tác với Vissan, trong buổi công bố ra mắt sản phẩm thịt bò tơ Australia chiều ngày 4/2/2015, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức lại hào hứng tuyên bố “Nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh”! Siêu lãi cỡ nào, khó đoán! Điều dễ thấy là các bà nội trợ khoái mua thịt bò của Bầu Đức nuôi: ngon, sạch, lại rẻ hơn giá thị trường 8 nghìn đồng/ký.

Không rõ có phải là tác động dây chuyền mà chỉ vài ngày sau đó, trong cuộc gặp gỡ báo chí đầu năm Ất Mùi, tỷ phú đôla số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup tiết lộ ông cũng sẽ… làm nông, bằng cách ứng dụng công nghệ của Isarel để sản xuất rau quả sạch giá rẻ cho người Việt, bắt đầu từ đất Quảng Ninh.

Rồi tới lượt ông Trần Đình Long đại gia giàu nhất ngành Thép, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, công suất 300.000 tấn/năm. Đại gia thép này dự kiến cho ra thị trường lô hàng đầu tiên  giữa năm 2015, giải quyết một phần nghịch lý mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu tới hơn 3 tỷ USD thức ăn chăn nuôi, ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI độc chiếm thị trường.

Với uy tín của 3 tỷ phú hàng đầu này, cái cách họ đặt chân vào nông nghiệp đã tạo nhiều niềm tin tích cực, hơn là lo lắng! Theo chân họ, hàng chục đại gia trước đây chuyên đầu tư vào các ngành xây dựng, giao thông, chế biến xuất khẩu gỗ cũng tích cực liên hệ với chính quyền các tỉnh có diện tích rừng nghèo và đất lâm nghiệp lớn để xin đất, thuê đất làm các dự án lớn về trồng trọt, chăn nuôi.

Trước đây, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa “5 nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học, nhà băng (ngân hàng) và nhà nông. Trong đó, Nhà nước chuyên lo cơ chế chính sách, nhà doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu, Nhà khoa học tạo giống tốt và công nghệ giúp hạ giá thành, Nhà băng cho vay vốn đầu tư thâm canh. Cả 4 Nhà này phải tích cực giúp đỡ, tháo gỡ vướng mắc cho nhà nông thì nông nghiệp mới phát triển, các bên cùng có lợi.

Ngày 23/3, 30 doanh nghiệp Nhật Bản và 60 doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội thảo hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lâm Đồng. Hội thảo do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức tại thành phố Đà Lạt. Nhật Bản sẽ hỗ trợ Lâm Đồng về nhiều mặt để hướng đến mục tiêu trở thành vùng nông nghiệp giá trị cao hàng đầu Đông Nam Á. Một khu công nghiệp nông nghiệp rộng cả trăm héc ta sẽ được hình thành để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp.

Kim Anh (TP)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Khi đại gia 'bỏ phố' quay 'về vườn'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc