Những lý do mài mòn sự thành công của doanh nhân |
Viết bởi Bích Ngọc |
Thứ bảy, 06/12/2014, 17:06 GMT+7 |
Các doanh nhân thành công thường là những người luôn kết hợp hoàn hảo giữa kỹ năng phân tích và lập luận với tinh thần lạc quan, sáng tạo, và kỹ năng giải quyết vấn đề, ứng xử đời thường. Tuy nhiên họ lại gặp phải những hạn chế trong tư duy như người khác.
1. “Tôi không phải chuyên gia” Không phải ai sinh ra cũng đã là chuyên gia trong lĩnh vực nào đó. Khả năng chuyên biệt trong ngành nghề gì cũng phải là sự tích lũy theo thời gian. Bạn phải tự biến mình thành một chuyên gia. Khi xem xét một dự án hay một việc kinh doanh, đừng tự hỏi mình có phải một chuyên gia không. Hãy hỏi xem bạn có thích vấn đề đó không. Khi thích điều gì, bạn sẽ dồn tâm huyết cho nó, bạn sẽ tìm mọi cách để có được những thông tin về nó. Với hầu hết lĩnh vực ngành nghề, chỉ cần 2 năm chuyên chú học hỏi, bạn sẽ trở thành một chuyên gia hàng đầu. Nếu bạn thích việc gì, bạn sẽ muốn dành thời gian cho nó mỗi ngày. Do đó, hãy chuyển ý nghĩ “mình không phải chuyên gia” thành câu hỏi: “Tôi cần tìm ở đâu những điều muốn biết?”. Và hãy nhớ, học hành là một hành trình không nghỉ. 2. “Đã có người làm việc này rồi” Trên thực tế có rất ít ý tưởng thực sự mới. Điều này là chuyện rất bình thường trong thương trường, và sẽ luôn có những đối thủ cạnh tranh có mặt trên thị trường để đo lường những ý tưởng kinh doanh của bạn. Việc là người đầu tiên trên thương trường đã là tốt, nhưng giống như nhà đồng sáng lập PayPal - Peter Thiel đã nói, sẽ tốt hơn nếu bạn là người cuối cùng còn trụ lại được với sản phẩm của mình. Đưa một ý tưởng vào cuộc sống và sau đó triển khai kế hoạch của mình tốt hơn những người khác sẽ tốt hơn nhiều việc khẳng định một ý tưởng là độc quyền của mình. Hãy tự thách thức bản thân với câu hỏi: “Tôi có thể làm gì để việc này tốt hơn nữa?”. 3. “Tôi không quen những người phù hợp” Rõ ràng những mối quan hệ trọng yếu rất cần cho công việc kinh doanh. Nhưng không ít người chấp nhận xem sự hạn chế trong quan hệ của họ là lý do để bào chữa thất bại. Hãy tận dụng trước hết những mối quan hệ bạn có, và sau đó xem đây là điểm xuất phát để mở rộng quan hệ. Hãy biến suy nghĩ thụ động kiểu “tôi không quen biết ai” thành “tôi cần phải biết ai và làm thế nào để quen họ?”. Chỉ với cách đó, bạn sẽ thoát khỏi những trì trệ trong thói quen làm việc của mình. Hãy xem những mối quen biết sẵn có là xuất phát điểm để mở rộng quan hệ 4. “Cần có tiền để kiếm tiền” Nhiều người cho rằng những người khác thành công vì họ được học trường tốt hơn và có những kỹ năng xuất chúng bẩm sinh. Lại có người khẳng định, thành công người khác có được là nhờ họ có tiền và tài nguyên phong phú hơn. Rất dễ để biện minh cho những thất bại trong kinh doanh là vì thiếu tiền. Tuy nhiên, ở nhiều ngành nghề, hạn chế tài chính lại có thể là điều may. Vì thiếu tiền mà bạn sẽ phải thận trọng hơn trong các hoạt động kinh doanh và liên tục đổi mới suy nghĩ, mài sắc độ tập trung. Bạn có thể sẽ thành công vượt trội nhờ sự chi tiêu và lên kế hoạch kinh doanh thông minh. Bạn không cần phải có tiền để kiếm tiền. Bạn chỉ cần có đủ số tiền để tạo ra sản phẩm đầu tiên, sản phẩm đó thậm chí đôi khi còn miễn phí. Do đó, thay vì nghĩ “tôi không có tiền”, hãy nghĩ tới việc “Với quy mô kinh doanh nhỏ, mình phải làm gì để làm mọi việc tốt hơn?”. 5. “Tôi lúc nào cũng…” Khi điều hành một doanh nghiệp, ranh giới giữa đời sống cá nhân và công việc làm ăn thường khá mờ. Những tính cách riêng của bạn có thể ảnh hưởng tới thành công hay thất bại trong kinh doanh. Khi bạn nghĩ về mình, bạn hay nghĩ về thực tại đang diễn ra. Nhưng khi nghĩ về doanh nghiệp, bạn nên nghĩ về tương lai nó có thể đạt tới. Khi bạn tự nhủ “mình lúc nào cũng…” (giống kiểu “mình lúc nào cũng bối rối khi phải nói trước đông người), thì có nghĩa bạn đang đóng đinh cho mình một kiểu tính cách tiêu cực. Việc của bạn là phải tự mở rộng định nghĩa về bản thân. Để phát triển doanh nghiệp, bạn phải phát triển bản thân mình trước. Hãy luôn nỗ lực để tạo ra những thay đổi tích cực cho bản thân. Hãy tự nhủ “Tôi sẽ không còn (tệ) như trước nữa”. Làm chủ cách tư duy của mình chính là bước đầu tiến tới thành công trong bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào. Đó là mục tiêu luôn di động mà có lẽ không bao giờ bạn chạm tới. Nhưng hãy cố nhắm tới nó và biến những ý nghĩ tiêu cực này thành những động lực giúp bạn tiến lên phía trước. Theo Doanhnhansaigon Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|