top-banner-2

Thứ ba, 28/10/2014, 09:36 GMT+7

Lương hưu tính theo cách nào để đảm bảo công bằng đóng - hưởng?

Viết bởi Văn Tuyết   
Thứ ba, 28/10/2014, 09:36 GMT+7

Khu vực doanh nghiệp người lao động đã tính bình quân cả cuộc đời, còn khu vực công vẫn đang tính bình quân 8 năm, 10 năm cuối.

bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

Quốc hội đang thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, đặc biệt là vấn đề lương hưu.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, chúng tôi phỏng vấn bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về nội dung này.

PV: Thưa bà, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cách tính lương hưu để đóng bảo hiểm xã hội. Vậy ở góc độ là cơ quan giám sát việc thực hiện các vấn đề xã hội theo quan điểm của bà thì nên tính như thế nào để đảm bảo công bằng giữa các khu vực kinh tế khác nhau?

Bà Trương Thị Mai: Hiện phải tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng, tức là anh đóng cho cả cuộc đời làm việc và phần đóng đó anh sẽ được hưởng trong lúc không còn lao động nữa để giải quyết rủi ro và có thêm một khoản lương hưu để sống lúc về già.

Việc sửa Luật lần này quan trọng nhất là sửa nguyên tắc đóng hưởng. Trước năm 1995 là hưởng bảo hiểm theo mức đóng bình quân 5 năm cuối, rồi đến 6 năm cuối và 8 năm cuối, 10 năm cuối. Cách tính này không đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, bởi vì đóng cả cuộc đời nhưng hưởng lương chỉ 10 năm cuối cùng, 8 năm cuối cùng... Trong khi khu vực doanh nghiệp người lao động đã hưởng bình quân cả cuộc đời rồi còn khu vực công vẫn đang là 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm cuối.

Do vậy, không đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng và vì vậy đụng tới khả năng an toàn của quỹ vì khi đóng ít, tuổi nghỉ hưu lại thấp, thời gian đóng ngắn, mức đóng thấp mà lúc hưởng thì dài do tuổi thọ cao lên. Hưởng mức lương bình quân của 10 năm cuối cùng rất cao. Đó là 10 năm đạt được lương cao nhất cuộc đời của con người.

Lúc này cần phải sửa lại và có lộ trình 10 năm cuối, 15 năm cuối và 20 năm cuối và cuối cùng là bình quân cả cuộc đời. Cách tính này mới giống khu vực tư, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Còn khu vực công lấy 10 năm cuối cùng là không theo nguyên tắc đóng hưởng.

Đơn cử trường hợp của tôi, 10 năm cuối cùng sẽ hưởng lương Bộ trưởng trong khi mức lương đầu tiên phải đóng là 55 đồng khi tôi bắt đầu làm giáo viên mà khi được hưởng thì lại hưởng 10 năm cuối cùng cao nhất của cuộc đời. Như vậy sẽ ăn vào quỹ và làm cho quỹ không an toàn. Điểm thứ hai nữa là không bình đẳng với khu vực tư, khu vực này đóng cả cuộc đời và không có 10 năm cuối cùng, như vậy thì hai khu vực sẽ vênh nhau và không có sự bình đẳng. Cả khu vực công và tư đều đóng 22% vào để khi cuối cùng hưởng lương hưu trong khi khu vực tư thì thấp còn công thì cao.

PV: Vậy để đảm bảo an toàn quỹ, tại sao chúng ta không áp dụng cách tính mới càng sớm càng tốt như theo đề nghị của Chính phủ, thưa bà?

Bà Trương Thị Mai: Đáng lẽ phải tính bình quân ngay như phương án của Chính phủ là bắt đầu từ 2018. Nhưng quan điểm của Ủy ban các vấn đề xã hội, nếu giảm ngay sẽ bị sốc, vì vậy cần có lộ trình và đi thêm 2 nhịp nữa. Theo đó, bắt đầu từ 2025 nếu người bắt đầu đóng vào 1/1/2015 mới bắt đầu đi vào lương hưu bình quân cả cuộc đời và người đầu tiên xuất hiện sớm nhất là năm 2045. Chúng ta mất 30 năm để điều chỉnh chính sách đóng-hưởng chứ không phải đi cực nhanh.

PV: Vậy cách tính hiện nay có gây thiệt thòi cho người làm việc ở khu vực tư, thưa bà?

Bà Trương Thị Mai: Hiện người ta vẫn chỉ nhìn vào lương của khu vực công. Nhưng nếu nhìn vào chính sách vĩ mô quốc gia thì không thể như vậy được mà cần nhìn cho toàn bộ người lao động. Hiện đang có sự mâu thuẫn, độ vênh giữa khu vực tư và công. Tại sao khu vực tư họ đã thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng trong khi khu vực công lại lừng khừng? Do vậy cần phải bình đẳng giữa 2 khu vực này nhằm phù hợp với thế giới là nguyên tắc đóng hưởng. Còn nếu thế hệ này muốn hưởng lợi 10 năm cuối cùng thì thế hệ sau bị ảnh hưởng ngay tức khắc do quỹ mất cân bằng, trong khi ngân sách nhà nước không thể tham gia vào quỹ này.

Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho 1 số đối tượng như khu vực không chính thức, cán bộ không chuyên trách khối xã phường ở mức độ rất thấp thôi. Bảo hiểm xã hội là bảo hiểm cả cuộc đời còn bảo hiểm y tế là bảo hiểm ngắn hạn.

PV: Khó khăn đáng quan tâm nhất hiện nay của bảo hiểm xã hội là gì, thưa bà?

Bà Trương Thị Mai: Điều đáng quan tâm nhất là việc tham gia bảo hiểm xã hội của đối tượng hưu trí và tử tuất còn thấp. Điều đó cho thấy mạng lưới an sinh hiện còn mỏng vì tỷ lệ lao động chính thức hiện chỉ có 20% còn lại phi chính thức, bao gồm lao động tự do và nông dân. Do vậy, luật cần đưa ra chính sách làm sao có thể mở rộng được mạng lưới an sinh xã hội.

Một đất nước mà chính sách hưu trí chỉ có 20% tham gia, nghĩa là 80% còn lại khi về già họ sẽ không có chính sách an sinh xã hội. Việc sửa luật lần này cần hướng tới mục tiêu quan trọng là mở rộng đối tượng và tăng chất lượng an sinh xã hội lên.

PV: Mục tiêu đặt ra có vẻ quá lớn, theo bà liệu chúng ta có đạt được không?

Bà Trương Thị Mai: Việc đạt hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Đầu tiên là phải có chính sách khuyến khích đối với khu vực phi chính thức để nông dân và lực lượng lao động tự do tham gia. Nhà nước có thể hỗ trợ cho họ một phần nhỏ là cơ chế khuyến khích để cho họ tham gia.

Tuy vậy, theo dự báo nếu có cơ chế khuyến khích như luật này quy định thì cũng chỉ tăng được từ 10-15%. Quan trọng nhất là tái cơ cấu nền kinh tế, tăng doanh nghiệp lên để tăng lao động chính thức cao hơn số lượng 20% như hiện nay. Số còn lại thì cần cơ chế khuyến khích để họ tham gia. Như vậy nền kinh tế phải phát triển, có tăng trưởng kinh tế, mở mang làm ăn để doanh nghiệp đầu tư, thu hút lao động và tăng mức đóng bảo hiểm xã hội.

PV: Nếu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thì ngân sách sẽ phải gánh thêm một khoản nữa, như vậy có đủ cân đối không, thưa bà?

Bà Trương Thị Mai: Nếu mở rộng thì ngân sách phải chi thêm hơn 100 tỷ đồng/năm, bây giờ phải xin ý kiến của Quốc hội nghiêng về phương án nào. Vài trăm tỷ không phải quá lớn với ngân sách quốc gia. Còn bảo hiểm tự nguyện mới lớn và phải cân nhắc lại lộ trình. Sau này số lượng người 85 tuổi tăng lên, mỗi năm ngân sách phải bỏ ra hơn 3.000 tỷ.

Nếu không lo cho họ bây giờ, sau này họ tham gia vào đội hình người cao tuổi không có thu nhập thì sẽ thêm gánh nặng. Còn nếu động viên họ đóng bảo hiểm từ bây giờ thì chỉ cần hỗ trợ một ít thôi thì về già sẽ không phải đóng cho nhóm này nữa.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo VOV


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lương hưu tính theo cách nào để đảm bảo công bằng đóng - hưởng?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc