top-banner-2

Thứ năm, 22/02/2018, 20:48 GMT+7

Các nhà đầu tư cá nhân có nên dán mắt vào bảng giá?

Viết bởi Nam Anh   
Thứ năm, 22/02/2018, 20:48 GMT+7

Thị trường chứng khoán thế giới đang trong giai đoạn tăng trưởng bùng nổ với hàng loạt chỉ số đại diện các thị trường chứng khoán lớn nhỏ đều ở mức cao kỷ kỷ lục lịch sử.

choi-chung-khoan-vhdn

Chứng khoán lên khiến cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp hưởng lợi

Kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008  đến nay, S&P 500 – bao gồm 500 công ty niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ có vốn hóa thị trường lớn được công bố bởi Standard & Poor’s Dow Jones Indices – đã tăng hơn 4 lần. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA) cũng đạt mức tăng tương tự.

Trải rộng trên khắp thị trường chứng khoán thế giới, từ những nước phát triển như Nhật Bản, Châu Âu hay những thị trường đang phát triển như Trung Quốc cũng đều chứng kiến những mức tăng trưởng ấn tượng.

Thị trường khởi sắc bền vững được thúc đẩy bởi sự tăng giá của nhiều công ty niêm yết lớn và uy tín (bluechips), khiến cho các quỹ đầu tư chuyên nghiệp được hưởng lợi bởi có chiến lược đầu tư bài bản và lý trí. Các chỉ số tăng trưởng mạnh mang lại lợi nhuận cho những ETFs và các nhà đầu tư chỉ số.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn tiếp tục thua lỗ

Tuy nhiên, một thị trường lên giá dài hạn như vậy vẫn chứng kiến một số lượng lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ thua lỗ và lần lượt rời khỏi thị trường hoặc buộc phải ủy thác vốn cho các quỹ hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều bất cập là nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm phần lớn giá trị và số lượng giao dịch hàng ngày ở nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường chứng khoán đang phát triển. Ở Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới hơn 76% giá trị giao dịch hàng ngày trong 6 tháng đầu năm 2017, theo thống kê của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) .

Một phần nguyên nhân khiến đa số nhà đầu tư cá nhân thua lỗ trong uptrend có thể đến từ việc giao dịch quá nhiều nhằm kiếm lời ngắn hạn, đặc biệt giao dịch mua bán cổ phiếu bị tác động mạnh từ dao động của giá thị trường. Điều này dẫn tới tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực, bị thị trường chi phối và đánh mất lý trí khi đưa ra quyết định mua bán, rụt rè khi thị trường lên và cố chấp khi thị trường xuống, và kết quả phải trả giá bằng phần lớn số tiền đầu tư của mình.

Nhà đầu tư cá nhân cần hiểu rằng, trong thị trường tăng trưởng bền vững, đa số cổ phiếu có hoạt động kinh doanh mang lại những khoản lợi nhuận dù khiêm tốn đều có thể mang lại những sự tăng trưởng cao bất ngờ kể từ mức đáy sau khủng hoảng. Nếu còn chưa chắc chắn về lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư cá nhân thậm chí chỉ cần bám theo chỉ số cũng sẽ nhận được thành quả xứng đáng.

Kim chỉ nam của Benjamin Graham về kiểm soát tâm lý đầu tư

Nếu vẫn muốn tự giao dịch để trải nghiệm thị trường đồng thời kiếm lời từ các khoản đầu tư do chính mình thực hiện, nhà đầu tư cá nhân buộc phải kiểm soát được tâm lý để đảm bảo các giao dịch được thực hiện hoàn toàn lý trí và theo một chiến lược đã định trước, không để dao động giá ngẫu nhiên trên thị trường chi phối.

Chương 8 trong cuốn sách nổi tiếng Nhà đầu tư thông minh của Benjamin Graham được xem như kim chỉ nam về vấn đề kiểm soát tâm lý của nhà đầu tư trước những dao động thị trường (market fluctuations). Trong đó có đoạn "nhà đầu tư thực sự rất hiếm khi bắt buộc phải bán cổ phiếu mình nắm giữ, và trong hầu hết tình huống anh ta hoàn toàn không cần quan tâm tới giá giao dịch hiện tại. Nhà đầu tư chỉ cần quan tâm đến giá cả và chỉ hành động trong chừng mực phù hợp với chiến lược của anh ta, không hơn không kém. Do đó, nhà đầu tư nào mà để mình bị bấn loạn hoặc lo lắng thái quá vì những lần giảm giá một cách vô lý của những cổ phiếu mình nắm giữ, thì anh ta đang biến lợi thế cơ bản của mình thành bất lợi cơ bản một cách tai hại. Đối với anh ta, sẽ tốt hơn nếu những cổ phiếu mà anh ta nắm giữ không hề được báo giá, vì lúc đó anh ấy sẽ thoát được sự đau khổ tâm lý gây ra bởi những đánh giá sai lầm của thị trường về giá cổ phiếu."

Những câu hỏi mà nhà đầu tư cần trả lời

Nếu chưa hiểu được hàm ý của Benjamin Graham trong những từ ngữ trên, nhà đầu tư cá nhân hãy tạm khoan nghĩ về các cổ phiếu của mình, mà hãy nghĩ tới những tài sản có giá trị khác mà mình đang sở hữu, chẳng hạn như ngôi nhà đang ở. Nếu nhà đầu tư  vừa xem bảng giá danh mục cổ phiếu lúc 1h30ph chiều nhưng vẫn thấy thực sự cần thiết phải cập nhật nó vào lúc 2h45ph chiều, thì hãy tự mình trả lời các câu hỏi sau.

"Tôi có cần gọi điện cho môi giới nhà đất để hỏi giá thị trường của ngôi nhà của mình vào lúc 1h30ph chiều không? Tôi có gọi lại vào lúc 2h45ph chiều nữa không?"

"Nếu có, thì liệu giá (và giá trị) ngôi nhà có thay đổi không? Nếu giá thay đổi thì tôi có chạy ngay để bán nhà mình đi không?"

"Việc tôi kiểm tra hay không kiểm tra thường xuyên giá của ngôi nhà, hoặc giao dịch mua bán ngôi nhà liên tục, tôi có thể tác động tới việc giá trị của nó tăng lên sau một thời gian hay không?"

Câu trả lời duy nhất có thể cho những câu hỏi trên tất nhiên là không. Và các nhà đầu tư cá nhân cũng nên xem danh mục đầu tư của mình như vậy. Trong uptrend dài hạn, những dao động giá xuất hiện nhiều vô kể. Nếu sau một thời gian giao dịch liên tục, nhà đầu tư cá nhân cảm thấy thất bại trong việc nắm bắt các dao động lên xuống ngắn hạn, thậm chí thua lỗ khi cố gắng lợi dụng chúng, hãy phớt lờ chúng.

Dù sao, với những người còn đầu tư trong nhiều năm, giá cổ phiếu giảm là tin tốt, chứ không phải tin xấu, vì giá giảm giúp họ có thể mua nhiều hơn với số tiền ít hơn. Giá cổ phiếu giảm càng nhiều và càng lâu, và nhà đầu tư càng mua vào đều đặn hơn nữa khi giá giảm, thì cuối cùng họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, nếu giữ vững cổ phiếu và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Nếu không thể lựa chọn được cổ phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư cá nhân có thể mua cả chỉ số.

Trong lịch sử, mỗi chu kỳ thị trường chứng khoán thường kéo dài 8 – 10 năm, và suy thoái trong khoảng thời gian ngắn, thường là 2 – 6 quý, trước khi tiếp tục tăng trở lại mạnh mẽ hơn.

Ngài Thị Trường là khái niệm mà Benjamin Graham sáng tạo ra để mô tả các dao động giá. Mỗi sáng, Ngài Thị Trường bước tới cửa nhà đầu tư và thông báo mức giá mà hôm đó Ngài lựa chọn cho mỗi loại cổ phiếu. Lúc hưng phấn, Ngài đưa giá cao hơn nhiều so với giá trị thực sự của cổ phiếu. Ngược lại, lúc trầm cảm, Ngài có thể loạn lên để vứt cổ phiếu đi với mức giá thấp đáng kể so với giá trị thực.

Việc duy nhất mà các nhà đầu tư lý trí cần làm đó là tập quen với tính khí thất thường này của Ngài Thị Trường, và chắc chắn rằng giao dịch cổ phiếu của mình được thưc hiện một cách độc lập với những lời xúi giục của Ngài Thị Trường.

Theo Quang Huân - ttvn.vn - 22/02/2018

Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/cac-nha-dau-tu-ca-nhan-co-nen-dan-mat-vao-bang-gia-42018222164158979.htm

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Các nhà đầu tư cá nhân có nên dán mắt vào bảng giá?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc