Bản chất của việc tăng trưởng GDP thấp trong quý 1/2017 là gì? |
Viết bởi An An |
Thứ tư, 05/04/2017, 09:41 GMT+7 |
“Nhìn về bản chất thì đây là việc giảm chủ động, tạo môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, đặc biệt là cân đối về tài chính ngân sách, lạm phát trong tầm kiểm soát”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đào Quang Thu nói. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng lý giải tăng trưởng GDP quý 1.2017 chỉ đạt 5,1% - ảnh VGP Thủ tướng lo lắng vì tăng trưởng thấp Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2017, Thủ tướng cho biết, bên cạnh những điểm sáng của nền kinh tế như kinh tế vĩ mô ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9%; xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỉ USD; vốn FDI tăng mạnh, đăng ký tăng 77,6%; số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), môi trường đầu tư được cải thiện… thì một điều hết sức lo lắng là GDP tăng trưởng thấp, chỉ đạt 5,1%. “Trong khi nông nghiệp, dịch vụ tăng khá thì khu vực công nghiệp, xây dựng tăng thấp. Xuất khẩu nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,7%. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, quý I.2017 chỉ đạt 12,4% dự toán (cùng kỳ 2016 là 16%). Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tương đương 32% GDP, “như vậy mục tiêu huy động vốn xã hội của chúng ta đặt ra rất quyết liệt nhưng trong quý 1 cũng chưa cao, cần tìm ra nguyên nhân này”, Thủ tướng nói. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, bản chất kinh tế của việc tăng trưởng quý 1/2017 là hoàn toàn ổn định, bởi việc con số thấp chủ yếu là do khai khoáng, đặc biệt do khai thác dầu khí giảm và việc giảm này là theo kế hoạch chủ động giảm. Năm ngoái khai thác hơn 15 triệu tấn dầu nhưng năm nay theo kế hoạch chỉ khai thác 12,28 triệu tấn thôi, riêng quý 1/2017 giảm 600.000 tấn so với cùng kỳ. “Nhìn về bản chất thì đây là việc giảm chủ động, tạo môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, đặc biệt là cân đối về tài chính ngân sách, lạm phát trong tầm kiểm soát”, ông Thu nói. Thứ trưởng Đào Quang Thu cũng cho biết, niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh rất tốt, doanh nghiệp thành lập mới cũng như doanh nghiệp quay trở lại tăng rất nhiều so với cùng kỳ, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, tại cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê, ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết: “Chúng tôi cũng khảo sát 20 nước phát triển, đang phát triển thì thấy có 11 nước có mức tăng trưởng quý I.2017 cao hơn cùng kỳ năm trước. Nhưng có 9 nước có mức tăng trưởng bằng hoặc thấp hơn, trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ,... Tăng trưởng quý I của Việt Nam tăng trưởng chậm hơn hấp nằm trong xu hướng chung của thế giới”. Hướng đi nào cho giai đoạn tới? Về giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ thống nhất cho rằng dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong nhiều lĩnh vực; cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng 6,7% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế như Nghị quyết của Quốc hội. Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đó, chúng ta đặt vấn đề phải tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, thì mới bảo đảm các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của người dân”. “Phải là quyết tâm chính trị, cần có giải pháp căn cơ, cụ thể hơn để thực hiện”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng đặt vấn đề: “Có thể tăng vốn đầu tư xã hội thêm 3 điểm phần trăm lên 35% GDP có được không. Làm sao để nước ngoài không thôn tính các ngành quan trọng của Việt Nam. Làm sao phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường đạt kết quả tốt nhất. Làm sao công nghiệp khai thác được đẩy mạnh, cơ chế nào?” Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, ổn đinh kinh tế vĩ mô phải tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Quan điểm là vẫn thực hiện tăng trưởng như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra nhưng phải là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng về sản xuất còn khai khoáng thì vừa làm, vừa phải giữ nguồn tài sản quốc gia chứ không vì để đạt tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng cần phải đẩy mạnh phát triển các mảng khác như phát triển sản xuất công nghiệp, công nghiệp phụ trợ; quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, cắt giảm giấy phép con; tập trung giải ngân vốn đầu tư… Bộ trưởng cũng cho biết Chính phủ sẽ quyết liệt xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém. Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ lập ban tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó vấn đề minh bạch vẫn bảo đảm quyền lợi người gửi tiền nhưng phải xử lý công bằng, minh bạch nợ xấu, lãi suất ngân hàng đang quản lý và ổn định lãi suất. Đây là vấn đề Chính phủ đang đưa ra. Theo đó, Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục tập trung dành ưu tiên cao cho công tác xây dựng thể chế. Tinh thần là tập trung tháo gỡ vướng mắc cho phát triển bằng thể chế, những vướng mắc thể chế được coi là “vòng kim cô” với sự phát triển, không thể vì những ràng buộc lạc hậu trong nền kinh tế thị trường mà kìm hãm sự phát triển. Trong tháng 4, các bộ phải trình Chính phủ xem xét hết các nghị định phải ban hành, tinh thần là không để nợ đọng văn bản. Theo Motthegioi.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|