top-banner-2

Thứ năm, 23/02/2017, 16:37 GMT+7

Giấy phép xuất khẩu gạo gây khó doanh nghiệp

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 23/02/2017, 16:37 GMT+7

Đủ điều kiện nhưng một doanh nghiệp không xin giấy phép xuất khẩu gạo vì ngán ngại chi phí được tiết lộ là không dưới 20.000 USD.

Chiều 22-2, tại TP HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Nông nghiệp và Tổ chức Oxfam đã tổ chức tọa đàm về định hướng sửa đổi Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo sau khi ngành này tiếp tục được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Khổ với thủ tục hành chính

Đại diện Công ty TNHH ADC (TP HCM) nhận xét những điều kiện quy định trong Nghị định 109 có thể phù hợp trong thời kỳ trước nhưng nay thì không. Vị đại diện này kể câu chuyện của chính doanh nghiệp (DN) là xây dựng được vùng nguyên liệu 35.000 ha với 16.000 nông dân, có hệ thống xay xát, sơ chế quy mô lớn nhưng vẫn không xin giấy phép xuất khẩu. Lý do là mỗi lần xin là mất “mấy chục ngàn đô”, rất lãng phí nên DN xuất gạo qua một DN đã có giấy phép bởi khi giấy phép hết hạn, xin gia hạn là lại tốn tiền. Mỗi lần xuất khẩu, DN lại khổ với thủ tục hành chính, phải tuyển thêm người để lo các loại báo cáo.

1-xuat-khau-gao

Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) được đối tác nước ngoài hỏi mua gạo nhưng từ chối vì không có giấy phép xuất khẩu. Trong ảnh: Ra mắt cửa hàng gạo Cỏ May tại TP HCM

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), chủ trì tọa đàm hỏi về chi phí xin giấy phép và được vị đại diện này khẳng định “không dưới 20.000 USD”.

Đại diện Công ty TNHH ADC kiến nghị với thị trường tập trung nên tạo cơ chế cho DN đấu thầu thay cho việc cấm DN tham gia, sau đó nhận “phân bổ” lại từ các DN lớn. Điều này dẫn đến hợp đồng giá tốt thì những người có trách nhiệm chia hết cho các DN sân sau, còn hợp đồng lỗ thì DN bên ngoài phải nhận để đủ chỉ tiêu xuất khẩu 10.000 tấn/năm nhằm duy trì giấy phép.

Đối với vùng nguyên liệu, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An, đề nghị chỉ nên quy định chung, không quy định diện tích cụ thể để DN chủ động ứng phó với thị trường. “Hiện nay, đối tác yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất được nguồn gốc gạo nên DN phải đáp ứng, không cần quy định cứng, làm khó DN. Hiện tại, nếp xuất sang Đài Loan, khi không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, họ mới trả tiền. Do đó, muốn xuất được hàng, DN phải quy hoạch vùng nguyên liệu, quản lý việc cách ly thuốc bảo vệ thực vật để tránh thiệt hại do bị hủy hoặc trả hàng” - bà Liên phân tích.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho rằng bài học của ngành thủy sản là để thị trường điều tiết. Trước đây, nhà nhập khẩu chỉ kiểm tra nhà máy, nay mở rộng thêm vùng nguyên liệu. Không chỉ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nhà nhập khẩu còn quan tâm đến trách nhiệm xã hội, môi trường… Vì vậy, DN phải tuân theo nếu muốn bán được hàng. Đối với các điều kiện về cơ sở vật chất, DN có thể thuê ngoài, thể hiện tính chuyên môn hóa để DN tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh.

PGS-TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nhận định việc nhà nước quản lý chặt ngành gạo nhằm mục tiêu an ninh lương thực. Tuy vậy, an ninh lương thực không có nghĩa là tự túc lương thực mà có thể dùng quỹ an ninh quốc gia. Với Việt Nam, chỉ 3 tháng là có gạo mới, trải vụ khắp từ Bắc tới Nam nên không lo thiếu lương thực. Do đó, cần sớm bỏ các điều kiện để xóa chuyện “20.000 USD” xin giấy phép như DN phản ánh.

Cần chuyển từ lượng sang chất

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Nghị định 109 ra đời trong bối cảnh thế giới thiếu lương thực, khác với hiện nay là cung đã vượt cầu nên cần thay đổi. Nếu không, ngành gạo sẽ tiếp tục chạy theo số lượng, giá bán thấp. Việc sửa đổi nên hướng theo mục tiêu tạo điều kiện cho DN tiếp cận thị trường, khuyến khích sự sáng tạo, tuy sản lượng ít nhưng giá trị gia tăng cao mới hướng được nền sản xuất từ lượng sang chất.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo việc bãi bỏ hoàn toàn các điều kiện kinh doanh có thể khiến ngành gạo rơi vào hỗn loạn do ai cũng có thể tham gia và tranh nhau hạ giá. PGS-TS Trần Tiến Khai, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, lưu ý tự do là tốt cho cạnh tranh nhưng cần quan tâm đến bài học của cá tra, tôm, thanh long,... khi giá xuất khẩu ngày càng giảm.

Trong khi đó, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ, lại cho rằng không có nghiên cứu đáng tin cậy để đổ cho DN nhỏ trong việc phá giá, DN lớn phá giá mới ảnh hưởng đến thị trường. Do đó, nên tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng, DN nào vi phạm thì phạt, không phân biệt lớn nhỏ.

Phải cân nhắc

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Thanh Tùng, đại diện Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận trước giờ, quan điểm điều hành chính sách gạo là mua hết lúa hàng hóa cho nông dân, gần đây mới nghĩ đến việc giảm sản lượng, tăng chất lượng, xây dựng thương hiệu. Nếu bỏ hết điều kiện, cho thương nhân xuất khẩu gạo tự do sẽ khó hình dung hậu quả.

Mỗi năm có khoảng 7,5 triệu tấn gạo hàng hóa, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay là nỗ lực lo cho đời sống của 2,2 triệu hộ nông dân ở ĐBSCL hơn là chuyện kinh doanh của DN. Về vùng nguyên liệu, các DN đều thống nhất phải xây dựng nhưng không đưa vào quy định có thể sẽ dẫn đến hệ lụy là những vùng nguyên liệu mà các DN đã dày công xây dựng có thể bị “tấn công” bởi các DN khác bằng cách mua lúa cao hơn 100 đồng/kg. Do đó, phải cân nhắc.

Theo Ngọc Ánh - nld.com.vn - 22/2/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Giấy phép xuất khẩu gạo gây khó doanh nghiệp

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc