Ai nói startup thì không thể đi bán phở hay bán cà phê? Hãy đọc bài viết này |
Viết bởi An An |
Thứ hai, 07/11/2016, 15:24 GMT+7 |
Các startup thành công nhất là các startup trong lĩnh vực công nghệ, bởi khả năng toàn cầu hoá một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều cách khác nhau để startup có thể kinh doanh thành công. Tại buổi toạ đàm "Startup - Đường nào tới thành công", ông Trương Gia Bình Chủ tịch Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ về khởi nghiệp. Theo ông Trương Gia Bình, khởi nghiệp và lập nghiệp là 2 khái niệm khác nhau và đang bị nhiều người nhầm lẫn. Khởi nghiệp hay lập nghiệp đều có thể trở thành những doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình cho rằng, nói đến khởi nghiệp là nói đến những đỉnh cao khoa học, công nghệ, nói đến những điều chưa từng làm, ví dụ như hãng taxi lớn nhất thế giới không hề có một chiếc taxi nào. Trong khi đó, lập nghiệp là kinh doanh dựa trên những sản phẩm, dịch vụ đã tồn tại trên thị trường. Đúng là các doanh nghiệp startup đỉnh cao, thành công nhất trên thế giới hầu hết đều làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công, và chưa hẳn phải làm những gì thế giới chưa từng làm mới gọi là startup như lời Chủ tịch FPT. Trên thực tế, cách hiểu về startup rộng hơn rất nhiều ( bài viết: Startup là gì? ) và bởi vậy mà có rất nhiều những cách kinh doanh khác nhau cho startup. 1. Các sản phẩm phi công nghệ Các sản phẩm công nghệ thường đem lại thành công to lớn hơn so với các sản phẩm phi công nghệ trong thế giới internet mở, bởi nó có thể vươn ra toàn cầu một cách nhanh chóng, như Facebook, Google, Uber... Tuy nhiên, cũng có rất nhiều các sản phẩm khác có thể thành công, như ghế trong nhà vệ sinh , hay mô hình co-working space ... Đối với các sản phẩm phi công nghệ, yếu tố sáng tạo, ý tưởng là quan trọng bậc nhất. Sự sáng tạo ở đây nên được hiểu một cách rộng rãi. Ngay cả những sáng chế tiên tiến nhất cũng luôn được xây dựng dựa trên các công nghệ cũ. Nhiều công ty startup không sáng chế ở khía cạnh sản phẩm, mà sử dụng các sáng chế khác: điều chỉnh những công nghệ hiện tại cho mục đích mới, đặt ra một mô hình kinh doanh mới để mở ra các giá trị trước đây chưa được tìm ra, hoặc thậm chí mang sản phẩm hay dịch vụ đến một địa điểm mới hoặc nhóm khách hàng trước đây chưa được phục vụ. Tuy nhiên, sáng tạo cũng đồng nghĩa với mạo hiểm và sẽ đi kèm rất nhiều rủi ro. 2. Startup Copycat Startup hoàn toàn có thể là mô hình sao chép ở những nơi đã thành công và đem tới những địa điểm mới mà khách hàng ở đó chưa được phục vụ. Đây được gọi là các startup Copycat và là một dạng startup được rất nhiều người trẻ tại Việt Nam áp dụng. Nếu bạn đã từng truy cập vào trang Yelp.com, bạn sẽ nhìn thấy giao diện lẫn nội dung của Yelp giống y hệt với một startup về đánh giá địa điểm khá nổi tiếng tại Việt Nam: Foody.vn. Yelp là công ty Mỹ được thành lập năm 2004, và tất nhiên, người sao chép ở đây là Foody. Bản thân CEO Foody, Đặng Hoàng Minh cũng từng chia sẻ mong muốn trở thành một "Yelp của Việt Nam". Haravan , một startup chuyên xây dựng website bán lẻ phục vụ kinh doanh phát triển rất tốt trong vòng gần 1 năm trở lại đây. Mô hình của Haravan rất mới tại Việt Nam, nhưng lại không mới trên thế giới. Bản thân Haravan không ngần ngại chia sẻ, mô hình của startup này được sao chép từ Shopify – một mô hình đã thành công ở nước ngoài. Có một danh sách rất dài về startup kiểu Copycat ở Việt Nam từng được thống kê trên trang Văn hóa doanh nhân. Và dường như, các startup Copycat lại dễ chiếm cảm tình từ các nhà đầu tư hơn, so với các startup mới toanh. CEO Lozi, ông Nguyễn Hoàng Trung từng chia sẻ, rất nhiều nhà đầu tư khi trao đổi đã đặt câu hỏi rằng: "Thế cuối cùng thì mô hình của anh giống với mô hình nào trên thế giới không"? Nguyên nhân là do các quỹ đầu tư cũng luôn muốn hạn chế rủi ro, việc đầu tư vào một mô hình đã được kiểm định trên thế giới sẽ là sự lựa chọn an toàn hơn rất nhiều. 3. Startup thay đổi cách thức kinh doanh Với khái niệm rất "mở" của startup, việc bán phở hay cà phê cũng hoàn toàn có thể là những startup, tuy nhiên, cách thức kinh doanh phải thực sự mới. Phở 24, cà phê Trung Nguyên hay The KAfe chính là một trong những ví dụ rõ nhất. Điểm quan trọng để startup không còn ở sản phẩm, mà là mô hình kinh doanh, cách thức hoạt động được đổi mới, thị trường chưa từng có. Năm 2011, Phở 24 đã được Công ty Việt Thái Quốc tế (VTI) mua lại 100% từ sáng lập Lý Quý Trung, sau đó VTI bán 50% cổ phần với giá 25 triệu USD cho Tập đoàn Jollibee của Philippines. Năm 2015, The KAfe Group của Đào Chi Anh đã gọi vốn thành công 5,5 triệu USD cho chuỗi cửa hàng mang phong cách hiện đại, mới mẻ của mình. Mới đây, The KAfe đã hoàn toàn thuộc về nhà đầu tư nước ngoài với số vốn điều lệ tăng thêm 10 triệu USD. Với những thành công trong việc đổi mới mô hình kinh doanh những sản phẩm "cũ", các thương hiệu như Phở 24 hay The KAfe đều trở nên cực kì hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|