TPHCM muốn huy động 500.000 tỷ xây hạ tầng, đường sá, nhưng đã hết đất đặt trạm thu phí |
Viết bởi An An |
Thứ sáu, 08/07/2016, 14:04 GMT+7 |
Theo tính toán của HFIC, TPHCM cần khoảng 44 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2015 – 2030, nhưng thành phố này đã không còn chỗ đặt trạm thu phí nếu huy động theo hình thức BOT. Ảnh minh họa. Tại hội thảo Các giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng TPHCM trong giai đoạn 2016- 2030, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) tính toán: TPHCM cần khoảng 1 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, trong khi các hình thức đầu tư BOT (*) đang gặp khó khăn do không còn chỗ đặt trạm thu phí, còn hình thức BT (**) thì không còn quỹ đất để đổi cho nhà đầu tư. Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng 1%, tốc độ tăng đầu tư cơ sở hạ tầng tối thiểu phải 2%. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn, TPHCM đã đưa ra tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản trong 5 năm tới dự kiến là 55.630 tỷ đồng, chỉ tăng 3,32%. Đây là một sự bất cập giữa yêu cầu thoái vốn ngân sách cho đầu tư với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nên xin cơ chế tự chủ để không phải cò kè bớt một thêm hai với ngân sách trung ương Để chủ động trong thực hiện kế hoạch tài chính, mới đây, TPHCM đã xin được giữ nguyên tỷ lệ 23% số thu ngân sách trong vòng 10 năm kể từ năm 2017. Tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giảm dần qua từng thời kỳ: trước đó giai đoạn 2001 – 2006 thành phố được hưởng 29% số thu ngân sách, giai đoạn 2007 – 2010 được hưởng 26% và sang giai đoạn 2011 – 2015 giảm còn 23%. Tỷ lệ này ở Hà Nội hiện là 43%. Việc đề xuất trung ương nâng tỷ lệ phân bổ ngân sách cho TPHCM lên cao hơn là rất khó, trong khi tổng đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn ngân sách cho TPHCM trong 5 năm tới chỉ đạt 85.630 tỷ đồng. “TPHCM cần xin cơ chế tự chủ để tạo nguồn thu chứ không phải đi xin cò kè bớt một thêm hai về vấn đề trung ương mỗi năm thêm bao nhiêu, bớt bao nhiêu”, TS Trần Du Lịch đề xuất. Một giải pháp nữa được các chuyên gia hiến kế là huy động tiền trong dân. PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia TP HCM) - cho biết tổng lượng tiền bao gồm vàng, ngoại tệ và tiết kiệm cá nhân của người dân ở TPHCM rất lớn, ước tính khoảng 50 tỷ USD. Do đó, cần phải tìm cách dẫn nguồn tiền này vào đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng. Với hình thức PPP (hợp tác công tư) trong đầu tư hạ tầng, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng TPHCM không nên quá kỳ vọng, và cần cẩn trọng với mô hình này, vì khu vực Châu Mỹ Latin đã phải trả những bài học hết sức đắt giá. (*) BOT là một dạng đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao. Đây là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định bằng các trạm thu phí. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho nước sở tại. (**) BT là một dạng đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức xây dựng – chuyển giao. Khi thi công một dự án hạ tầng, nhà đầu tư được giao đất để thực hiện dự án khác, và nộp vào ngân sách số tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất của dự án và tổng vốn đầu tư xây dựng công trình BT. Theo Tri Thức Trẻ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|