Làn sóng những người trẻ tài ba 9x khởi nghiệp với chuỗi cà phê, nhà hàng |
Viết bởi An An |
Thứ ba, 19/04/2016, 16:44 GMT+7 |
F&B không phải chỉ là sân chơi lớn của những Golden Gate, Red Sun, KFC hay Burger King. Những thương hiệu chuỗi của những "ông bà chủ" trẻ đã và đang vươn lên, từng bước chinh phục thị trường thú vị nhưng đầy khó khăn này. Gemini Coffee - Thị trường khốc liệt: người vào kẻ ra như cơm bữa Ngành F&B (nhà hàng/cafe/bar-pub) tại Việt Nam hiện nay đang được đánh giá là bước đầu trong một thời kỳ phát triển bùng nổ. Nhiều nền ẩm thực đa dạng, nhiều hình thức kinh doanh độc đáo, nhiều chiêu bài marketing rất sáng tạo... đã và đang xuất hiện hàng ngày. Nếu chiếu theo mô hình 5 lực lượng của Michael Porter, đây là ngành có rào cản đầu vào (entry barrier) tương đối thấp, sức ép cạnh tranh nội bộ ngành (internal rivalry) rất cao, quyền lực của người tiêu dùng (buyer power) lớn, sức ép từ nhà cung ứng (supplier power) bình thường và hàng hóa thay thế (substitute) không có. Với đặc thù như vậy, ngành F&B chào đón người mới đến nhiều và nhanh như chia tay người đi, guồng quay là liên tục và chỉ những tay chơi "cứng cựa" nhất mới trụ lại lâu bền. Mô hình phát triển chuỗi và nhượng quyền thương hiệu đang được áp dụng rất phổ biến trong ngành này. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nguồn thông tin cho thấy các ông lớn trong ngành như Golden Gate, Red Sun hay Burger King cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì hệ thống của mình. Có quá nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ và dường như mỗi thương hiệu đều gặp phải một số vấn đề khác nhau. Trong khi đó, thị trường hiện đang chứng kiến những chuỗi quy mô nhỏ hơn, được vận hảnh bởi một lứa các bạn trẻ táo bạo, dám nghĩ dám làm và đang nhen lên những ngọn lửa tươi mới trong ngành F&B tại Việt Nam. Những gương mặt 8x và 9x Thế hệ 8x được coi là thế hệ hiện đại đầu tiên của Việt Nam khi được tiếp thu làn sóng văn hóa phương Tây sớm, có nhiều công cụ trong tay và bắt đầu thể hiện những tuyên ngôn mạnh mẽ về bản thân. Trong ngành kinh doanh ẩm thực cũng vậy, nhiều cá nhân đã không chỉ hài lòng với một quán cafe nho nhỏ hay một tiệm ăn nhanh bình dân cho sinh viên. Họ dám "liều" hơn, mở ra những thương hiệu không chỉ vì mục đích tài chính mà còn để khẳng định mình. Những tên tuổi nổi tiếng có thể kể ra như: Urban Station Coffee của Đinh Nhật Nam, The Coffe House của Nguyễn Hải Ninh, The KAfe Group của Đào Chi Anh hay Dunkin & Donuts của Bùi Quang Minh. The KAfe Group Tiếp bước, một làn sóng 9x với cá tính mạnh hơn, thừa hưởng kinh nghiệm từ lứa 8x đi trước đã và đang dần tạo nên dấu ấn. Tính riêng thị trường miền Bắc hiện đang có chuỗi Gemini Coffee với 9 quán và tham vọng nở ra mạnh mẽ hơn nữa ngay trong năm nay; chuỗi Bánh mì của Master Chef Minh Nhật hiện cũng đã chạm tới con số 10 cửa hàng; trong số này, ấn tượng nhất phải kể đến chuỗi Food Center của chàng CEO sinh năm 92 - Thái Sơn, với gần 14 điểm bán trải dọc khắp Việt Nam. Các thương hiệu F&B lớn trên thị trường thường có thế mạnh về mặt bằng, vốn và kinh nghiệm quản lý, nhưng đi đôi là chi phí vận hành cao. Bên cạnh đó, phân khúc khách hàng thường ở mức trung cao cấp và nhóm khách hàng này thường đòi hỏi cao cả về chất lượng món ăn lẫn chất lượng dịch vụ, dẫn tới việc duy trì chất lượng ổn định tổng thể toàn chuỗi là rất khó khăn. Trong khi đó, các thương hiệu của thế hệ 9x lại nhỏ gọn, giảm thiểu chi phí vận hành và đánh mạnh vào marketing online. Ví dụ, Bánh Mì Minh Nhật đi theo hướng đồ ăn nhanh nên diện tích các kiot bán hàng không cần lớn nhưng lại đang chiếm rất nhiều vị trí đắc địa như trên đường Thanh Niên, phố Hàng Khay, ngã tư Trung Hòa - Trần Duy Hưng (thuận lợi tại các địa điểm du lịch hay khu văn phòng) v...v... với màu đỏ biển bảng đặc trưng. Mặt bằng của Gemini tuy không quá ấn tượng nhưng có thể hiện sự khéo léo và thông minh riêng. Với định hướng "Xanh và Sạch", 3/9 điểm bán của Gemini đều đặt sát những hồ mát mẻ tại Hà Nội; có những tòa nhà 5 tầng, Gemini chỉ lấy 2 tầng dưới nhưng vẫn được cho sơn màu xanh thương hiệu cho toàn bộ ngôi nhà, giúp khách hàng nhận diện thương hiệu khi đi đường rất tốt... Food Center thì lại tận dụng triệt để các không gian vỉa hè xung quanh các điểm thuê, gần các khu vực tập trung nhiều bạn trẻ để thể hiện đúng phong cách "ẩm thực đường phố Thái Lan" của mình. Không gian quán tuy nhỏ hẹp nhưng vẫn bài trí khéo léo để khoe ra những bức ảnh thức ăn hấp dẫn và kích thích vị giác. Phong cách vừa quán vừa vỉa hè, vừa hiện đại vừa bình dân đang tạo nên nét rất độc đáo của thương hiệu này. Tuy vậy, khi đi ra các tỉnh ngoài Hà Nội, chi phí thuê mặt bằng không còn là gánh nặng quá lớn thì Food Center lại chăm chút rất kỹ không gian nội thất bên trong: sạch sẽ, hiện đại và thân thiện, đơn cử như Food Center ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng. Cửa hàng Food Center Về phân khúc khách hàng thì gần như các thương hiệu trẻ đều nhắm đến tầng lớp trẻ, bình dân và phổ thông, đơn giản vì đó là lứa tuổi của họ - phân khúc họ am tường nhất về phong cách và hành vi tiêu dùng. Khác với phân khúc trung cao cấp, nhóm này thường ưa thích những địa điểm "tiện và vui" cũng như không quá khắt khe về chất lượng. Do vậy, các hoạt động Marketing trẻ trung, thú vị luôn được chú trọng, đặc biệt là mảng online tỏ ra rất hiệu quả trong cả việc dẫn khách tới cũng như phủ thương hiệu. Chi phí vận hành thấp hơn khi số lượng nhân viên ở mỗi điểm bán đều được tinh giản tối đa và họ đều ứng dụng các giải pháp công nghệ và phần mềm cho việc quản lý bán hàng, kế toán hay đặt đồ online. Bên cạnh đó, đội ngũ 9x trong ngành F&B phần lớn là quen biết nhau và việc họ chia sẻ kinh nghiệm chung qua các hội thảo nhỏ với cộng đồng cũng thường xuyên diễn ra. Nhiều ý tưởng độc đáo về việc kết hợp bán chéo sản phẩm giữa các chuỗi đã thai nghén và có thể sẽ được giới thiệu trong thời gian không xa. "Sau khi đã thất bại với 3 công ty startup trước đây, tôi vẫn đam mê cảm giác được bắt đầu cái gì đó mới và con đường lần này là F&B. May mắn thay, tôi được kết hợp với một người anh cùng chí hướng để vun đắp và xây dựng đứa con tinh thần Gemini này. Tôi nhận ra một yếu tố quan trọng để một Startup có thể tồn tại bền vững : Tạo ra các giá trị THẬT!" - Tiến Thành, CEO và đồng sở hữu chuỗi Gemini Coffee kiêm cố vấn marketing chuỗi Food Center. Ngoài các chuỗi ra còn phải kể đến những 9x ham mê ngành F&B nhưng trong mảng đầu bếp chuyên nghiệp, ví dụ như Quang Dũng, chàng du học sinh từ Anh Quốc về, bỏ việc ngân hàng để mở một nhà hàng khu phố cổ - Gastro Food & Beer Pub, giới thiệu ẩm thực xứ sở sương mù đang gây được sự chú ý cả trong lẫn ngoài nước. Ngược lại với thế mạnh của các thương hiệu F&B lớn, các chuỗi của 9x này cũng thường gặp vấn đề về vốn và thiếu kinh nghiệm quản lý khi mở rộng quy mô cũng như tiến hành franchise. Một vấn đề khác là sản phẩm lõi của những thương hiệu này không quá khó để bắt chước nên việc tạo ra bản sắc riêng để phục vụ việc nhượng quyền thương hiệu hay kêu gọi vốn đầu tư sẽ là một bài toán cần suy tính kỹ. Tuy vậy, với những gương mặt trẻ nổi bật cùng sự quyết tâm và đam mê của họ, thị trường F&B Việt Nam sắp tới chắc chắn sẽ là một cuộc chiến thú vị giữa các chuỗi F&B nội với các thương hiệu ngoại nhập. Link nguồn: http://cafebiz.vn/dang-co-mot-lan-song-nhung-nguoi-tre-tai-ba-the-he-9x-chon-khoi-nghiep-voi-chuoi-ca-phe-nha-hang-20160419152545043.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|