top-banner-2

Thứ bảy, 26/03/2016, 08:50 GMT+7

Nhiều ý tưởng đột phá cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia

Viết bởi An An   
Thứ bảy, 26/03/2016, 08:50 GMT+7

Đây là nhận xét của TS.Nguyễn Minh Phong – Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận – Báo Nhân dân khi nói về Đề án “ Chủ trương, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh trạnh quốc gia” của Ban Kinh tế Trung ương.

 

2-Nguyen-minh-phong

TS.Nguyễn Minh Phong – Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận – Báo Nhân dân

–  Với tư cách là chuyên gia phản biện Đề án “ Chủ trương, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh trạnh quốc gia”, xin ông cho biết những đánh giá, nhận xét cơ bản của mình về Đề án này?

Những ai được đọc Đề án này, dù đọc lướt hay đọc kỹ, dù là nhà quản lý, doanh nghiệp hay làm công tác nghiên cứu, đều không quá khó để có thể thống nhất đi đến khẳng định mạnh mẽ rằng: Cả về hình thức và nội dung, dù không phải là lần đầu tiên, nhưng Đề án được thực hiện bởi đội ngũ các chuyên gia nghiêm túc, chuyên nghiệp, trách nhiệm cao và đây thực sự là một công trình lớn, một sản phẩm tổng hợp chuyên đề hàng đầu của Việt Nam, vừa có tính đề tài khoa học, vừa có tính đề án triển khai thực tế cao về chủ đề môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đề án đã tiếp cận các vấn đề nghiên cứu một cách toàn diện, nhưng tập trung và thiết thực; sử dụng dung lượng thông tin lớn, đa dạng, đậm đặc, có hệ thống, cập nhật, nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy. Các nội dung được cấu trúc thành 3 phần cân bằng và theo logich truyền thống, có kết nối hợp lý và chặt chẽ, được trình bầy rõ ràng, minh bạch, cẩn thận, kỹ càng. Những luận điểm và minh chứng, trích dẫn, kết luận trong Đề án vừa có sự kế thừa khoa học, vừa có sự đánh giá độc lập, khách quan riêng và đặc biệt, chứa đựng nhiều đề xuất mới, có hàm lượng phân tích và luận giải khoa học cao, có giá trị khái quát hóa, góp phần củng cố nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn, gợi mở định hướng chỉ đạo và tổ chức triển khai các hoạt động thực tiễn cần thiết, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng cao, toàn diện, đầy đủ hơn.

Đề án đã phác họa bức tranh toàn cảnh và có cận cảnh sâu trên nền những bộ chỉ số thông dụng, chuẩn tắc, phổ quát trên thế giới và cả tính đặc thù riêng có của quốc gia, theo những lát cắt riêng chỉ số thành phần, cũng như hệ thống chính sách về thực trạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam trong so sánh với thế giới. Trong quá trình này, một Kết luận mà Đề án đưa ra là hết sức đáng chú ý và có sức thuyết phục khi cho rằng: Trong khi tham chiếu, cần chú ý tới thực chất trên thực tế, chứ không nên tuyệt đối hóa và lệ thuộc một chiều, thụ động vào một bộ chỉ số đo lường nào, do những sai số ngẫu nhiên và cả chủ ý cố tình khi thực hiện và công bố kết quả đánh giá môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh quốc gia.

Điểm đặc sắc và sáng tạo mang tính mẫu mực của Đề án là việc đạt được mục tiêu và hiệu quả kép trong phuong pháp nghiên cứu, đó là sự phân tích những nội dung các bộ chỉ số và tiêu chí thành phần vừa cho phép nhận diện đúng, vừa gợi mở và mặc định trước những định hướng giải pháp khắc phục những hạn chế trong môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Người đọc chia sẻ và tâm đắc với hầu hết những nhận định được nêu ra trong Đề án về các điểm mạnh, điểm yếu, bất cập, và cả những nguyên nhân, cùng với các đề xuất các giải pháp trực tiếp và gián tiếp giúp cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam cả hiện tại và tương lai. Những giải pháp và đề xuát này, khi được tiếp nhận và hiện thực hóa, ít hoặc nhiều, trước mắt và lâu dài, chắc chắn sẽ tạo sức bật mới tích cực hơn cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

– Đây là một Đề án nghiêm túc, cách làm sáng tạo, chứa đựng nhiều ý tưởng lớn và đúng như ông nhận xét. Tuy nhiên vẫn còn những điểm cần bổ sung thêm, ông có thể nói rõ hơn theo quan điểm của ông?

Theo tôi, trước hết cần bổ sung thêm một số quan điểm, một số nội dung và  phân vai  trong  Đề xuất triển khai.Ví dụ, về quan điểm, ngoài quan điểm thứ nhất và đơn nhất như trình bầy trong Đề án chỉ tập trung nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, cần bổ sung thêm một số quan điểm mới, ví dụ: Quan điểm thứ hai, cần tăng cường phối hợp, chỉ đạo thống nhất và triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và  nhất quán các nỗ lực vâ hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; Quan điểm thứ ba, kết hợp yếu tố quốc tế với tính đặc thù quốc gia trong cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, theo đó áp dụng ngay các bộ tiêu chuẩn thông dụng phổ biến nhất trên thế giới, kết hợp với hoàn thiện theo các mức độ phù hợp với cam kêt hội nhập trong các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký, cũng như hướng đích tới các  tiêu chí cao nhất không thua kém các nước có nền kinh tế phát triển nhờ môi trường kinh doanh tốt nhất và năng lực cạnh tranh cao nhất khu vực và thế giới.v.v…

Về nội dung, làm rõ thêm về năng lực cạnh tranh xét theo các tiêu chí công nghệ, vốn, quản trị, thị phần, chất lượng và giá cả, năng lực đổi mới sản phẩm và phản ứng thị trường của doanh nghiệp. Đồng thời, bổ sung những đánh giá sâu hơn và giải pháp cụ thể, toàn diện hơn liên quan tới cơ chế phân cấp quản lý, kiểm soát quyền lực, kiểm soát lợi ích liên kết nhóm, lối tư duy nhiệm kỳ; tình trạng độc quyền, lũng đoạn thị trường; cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia, chất lượng quy hoạch, cán bộ, trách nhiệm cá nhân; các quyền tiếp cận thông tin, tự do và văn hóa kinh doanh, giám sát, phản biện xã hội và phản ứng chính sách của nhà nước.

Theo tôi về đề xuất triển khai cần bổ sung vai trò, trách nhiệm của Quốc hội và cơ quan lập pháp, tư pháp trong hoàn thiện cơ sở pháp lý, cũng như nhiệm vụ của các đơn vị, cơ quan đầu mối liên quan trực tiếp đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, cuối phần 3 Đề án, nên bổ sung danh mục một số chương trình hành động quốc gia nhằm cụ thể hóa và tăng tính hành động tập trung của một Đề án triển khai thực tế, như: Chương trình về hoàn thiện các bộ chỉ số của Việt Nam; Chương trình về phát triển thể chế và kiện toàn bộ máy chỉ đạo quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; Đặc biệt, trong đó, cần xem xét hợp nhất về tổ chức các Hội đồng cạnh tranh, Cục cạnh tranh, Ban chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế, Ban chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và cơ chế hải quan một cửa quốc gia (NSW), Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh v.v… mà chúng hiện đang tồn tại và hoạt động rời rạc, khá biệt lập nhau, dưới sự chỉ đạo của 3 Phó Thủ tướng, khác nhau, thành duy nhất một Hội đồng (hoặc Ban chỉ đạo) Quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, chỉ do 1 Phó Thủ tướng phụ trách trực tiếp, nhằm tiết kiệm chi phí, tránh chồng lấn hoặc kẽ hở trong phối hợp, chỉ đạo thống nhất và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên mọi cấp độ và lĩnh vực…

– Việc cải thiện môi trường kinh doanh có sự gắn kết chặt chẽ đa chiều với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thông điệp mà ông tâm đắc  nhất  và toát ra từ trong Đề án là gì, thưa ông ?

Thông điệp nổi bật toát ra từ Đề án và đang được thực tế kiểm định cho thấy thế giới đang chứng kiến những xu hướng mới và vai trò ngày càng tăng về sự phát triển khoa học công nghệ; về sự phối hợp hài hoà bàn tay Nhà nước và bàn tay Thị truờng trong một mô hình Nhà nước kiểu mới; về coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, đa dạng hoá và phối hợp sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế trong quản lý phát triển, ngăn ngừa và vượt qua khủng hoảng; thúc đẩy tái  cấu trúc toàn diện và hội nhập; tăng cường dự báo, thông tin, bảo vệ và giữ vững lòng tin của người dân và người tiêu dùng vào chính sách quốc gia và trên thị trường, nhất là thị trường tài chính.

Đặc biệt, việc cải thiện môi trường kinh doanh có sự gắn kết chặt chẽ đa chiều với nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là một quá trình mở, liên tục, nhất quán và được đẩy  nhanh hơn trong những điều kiện nhất định. Cùng với quá trình Đổi mới, Việt Nam đã xác lập quyết tâm, đã hành động khá tích cực và đã thu được một số thành công đáng khích lệ, được cộng đồng doanh nghiệp và quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, để tạo sức bật về cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, Việt Nam còn nhiều việc phải làm, nhất là cần tập trung vào một số nội dung mấu chốt, nổi bật là ổn định bền vững kinh tế vĩ mô; nâng cao năng suất lao động và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đối mới sáng tạo nổi bật là ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp;

Đồng thời, tăng cường thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh, hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính công, tăng cường công khai minh bạch và phòng, chống tham nhũng; Tăng cường tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước, kết nối và năng lực hội nhập quốc tế; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia; nâng cao chất lượng quy hoạch, thiết kế, quản lý đầu tư công và kiểm soát nợ công; tăng năng lực chống tham nhũng, kiểm soát lợi ích nhóm và lối tư duy nhiệm kỳ; hoàn thiện cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia, dân chủ hóa xã hội và công tác cán bộ; tuân thủ các quy luật và quy trình kinh tế; phát triển hệ thống thông tin và quyền tiếp cận thông tin; coi trọng sự phản biện và giám sát xã hội, trách nhiệm giải trình và trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu…

Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng với sự hội tủ đủ cả 3 chiều rộng về nội dung, sâu về khoa học và dài về thời gian, Đề án có chỗ đứng riêng trong vô số các công trình nghiên cứu khoa học và đề án hành động cấp quốc gia. Các cấp, ngành và tổ chức đều cần và hy vọng sẽ tìm được những thông tin hữu ích, giúp thay đổi nhận thức và điều chỉnh hành động thực tế, để tạo xung lực mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững, vì  một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh

– Xin cảm ơn ông !

Link nguồn: http://enternews.vn/de-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-nang-luc-canh-canh-quoc-gia-nhieu-y-tuong-dot-pha.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nhiều ý tưởng đột phá cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc