Lãi suất USD trong nước 0%, vì sao ngân hàng vẫn đi vay nước ngoài hàng trăm triệu USD? |
Viết bởi An An |
Thứ hai, 21/03/2016, 09:21 GMT+7 |
NHNN cần nhanh chóng xem xét, điều chỉnh lại chính sách chống đô la hóa của mình theo hướng hợp lý hơn, bằng những biện pháp hữu hiệu hơn những chính sách và biện pháp như hiện tại. Mới đây, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Đức Thúy đã chỉ ra 2 vấn đề liên quan đến chính sách hạ lãi suất tiền gửi USD về 0% hồi cuối năm 2015 của NHNN. Một là huy động ngoại tệ vẫn nhiều hơn cho vay. Điều này chứng tỏ găm giữ ngoại tệ trong dân đang tăng lên, việc đưa lãi suất USD về 0% cũng không làm giảm nhu cầu tích trữ ngoại tệ của thị trường. Chứng minh cho nhận định này, ông Thúy cho biết trong năm 2014, vốn huy động ngoại tệ chỉ tăng ở mức 4,7% so với năm trước, nhưng trong năm 2015, con số này đã tăng lên 14,3%, mức tăng gấp 3 lần. Trong khi đó, vốn huy động VNĐ có chiều hướng giảm tốc khi chỉ tăng 16,3% so với năm 2014, trong khi năm trước đó, con số này là 19,3%. Hai là, trong khi vốn huy động USD tăng, người dân và doanh nghiệp lại có xu hướng dịch chuyển tiền gửi ngoại tệ từ có kỳ hạn sang không kỳ hạn. Rõ ràng, cùng một mức lãi suất bằng 0, việc gửi không kỳ hạn linh động hơn rất nhiều cho người găm giữ ngoại tệ. Việc này gây ra vấn đề các ngân hàng không phải lúc nào cũng huy động đủ vốn ngoại tệ để cho vay. Hai nhận định trên của ông Thúy được đánh giá là rất xác đáng, chỉ rõ mặt trái và sự kém hiệu quả của chính sách lãi suất tiền gửi USD trên của NHNN. Mặt khác, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy đưa ra thắc mắc: “Tại sao trong bối cảnh lãi suất USD huy động trong dân là 0%, một ngân hàng Việt Nam lại phải đi vay ngoại tệ từ bên ngoài”. Cụ thể là ông Thúy đề cập đến việc một ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam mới đây phải vay 200 triệu USD từ Đài Loan. Trong câu hỏi đã có câu trả lời! Thực ra, câu trả lời cho thắc mắc trên của ông Thúy đã có phần lớn ở ngay trong hai nhận định trên của ông. Thứ nhất, do tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân đã tăng lên, sẽ càng có ít người dân muốn bán USD nắm giữ thành tiền đồng để gửi vào hệ thống ngân hàng hưởng lãi, dù lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi USD (đã xuống còn 0% từ cuối năm 2015), trong khi tỷ giá tiền đồng thì được trấn an là sẽ không có biến động mạnh nữa, nhất là kể từ khi NHNN đưa ra cơ chế tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày. Thứ hai, nếu người dân có gửi USD vào hệ thống ngân hàng thì họ chỉ gửi không kỳ hạn, có nghĩa là họ có thể rút ra bất cứ lúc nào mà không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện nào có hại cho họ. Từ hai điều trên có thể thấy rằng do tác động bất lợi gây ra bởi chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% của NHNN nên hệ thống ngân hàng Việt Nam đã không nhận được một lượng USD cần thiết từ nguồn tiền gửi của dân cư (và cả doanh nghiệp) để đáp ứng nhu cầu cho vay hoặc kinh doanh trong nước. Quan trọng không kém, lượng tiền gửi USD của dân cư và doanh nghiệp trong nước nếu có thì đã bị rút ngắn thời hạn, hầu hết thành không kỳ hạn, thay vì có kỳ hạn như trước khi NHNN ra chính sách hạ lãi suất tiền gửi USD về 0%. Trong bối cảnh nguồn cung USD ở trong nước bị sụt giảm còn kỳ hạn gửi thì bị cắt ngắn, có rủi ro bị rút ra bất cứ lúc nào, các ngân hàng rất khó có thể cân đối được số lượng và kỳ hạn giữa vốn huy động và vốn cho vay. Nên thường khi có nhu cầu về USD các ngân hàng thương mại (và doanh nghiệp) buộc phải tìm đến nguồn cung thương mại từ bên ngoài, và điều này giải thích tại sao có ngân hàng phải sang Đài Loan vay 200 triệu USD như nói ở trên. Chưa hết, như báo chí đã đưa tin, nhiều ngân hàng hiện nay vẫn “đi đêm” với khách hàng có lượng tiền gửi USD đáng kể, thông qua "chào mời" trả lãi suất cho khoản tiền gửi của họ mà không thể hiện trên sổ sách để khó bị phát hiện bởi lực lượng thanh tra của NHNN. Khi các ngân hàng vẫn phải trả lãi cho nguồn USD huy động trong nước thì đương nhiên ở đầu ra, ví dụ là thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, các ngân hàng này cũng phải tính lãi suất cho vay (cao hơn) khi họ cho vay các ngân hàng khác. Tương tự như vậy với các doanh nghiệp khi phải đi vay USD từ ngân hàng thương mại trong nước. Do đó, đôi khi vay từ nước ngoài lại rẻ hơn và/hoặc vay được nhiều hơn nếu so với chỉ trông chờ vào nguồn cung USD hữu hạn trong nước vốn đã bị thắt chặt thêm và làm biến dạng kỳ hạn một cách không thể lên kế hoạch sử dụng được bởi chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0% của NHNN. Cũng qua những phân tích về những tồn tại và bất hợp lý như trên, NHNN cần nhanh chóng xem xét, điều chỉnh lại chính sách chống đô la hóa của mình theo hướng hợp lý hơn, bằng những biện pháp hữu hiệu hơn những chính sách và biện pháp như hiện tại. Link nguồn: http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/lai-suat-usd-trong-nuoc-0-vi-sao-ngan-hang-van-di-vay-nuoc-ngoai-hang-tram-trieu-usd-20160319111905457.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|