top-banner-2

Thứ ba, 05/01/2016, 13:47 GMT+7

Cơ chế điều hành tỷ giá mới: NHNN bán USD phái sinh cho NHTM

Viết bởi An An   
Thứ ba, 05/01/2016, 13:47 GMT+7

Cùng với tỷ giá trung tâm, trong cơ chế điều hành tỷ giá mới áp dụng từ đầu năm 2016, NHNN cũng thực hiện bán USD qua thị trường kỳ hạn cho các ngân hàng thương mại.

1-co-che-dieu-hanh-ty-gia-van-hoa-doanh-nhan

Từ ngày 4/1/2015, Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế tỷ giá. Cơ chế mới này có các điểm đáng chú ý như sau:

Về tỷ giá trung tâm:

Hàng ngày NHNN sẽ công bố tỷ giá trung tâm lúc 7h sáng. Các ngân hàng thương mại sẽ dựa trên cơ sở tỷ giá này để điều chỉnh giá mua bán cho phù hợp, trong biên độ cho phép của NHNN là +/-3%.

Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu 3 cấu phần:

+ Diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng

+  Diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam gồm: USD, Bath Thái Lan, EUR, Nhân dân tệ, đôla Singapore, đồng yen Nhật, đồng won Hàn Quốc, đồng tiền của Đài Loan;

+ Các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Theo NHNN, cơ chế tỷ giá mới biến động, linh hoạt hơn giúp cho cung cầu ngoại tệ thông suốt hơn vì  linh hoạt tăng giảm hằng ngày, biến động đỡ mạnh hơn so với trước đây

NHNN bán USD phái sinh cho ngân hàng thương mại

Cùng với tỷ giá trung tâm, cơ chế điều hành tỷ giá mới của NHNN còn bổ sung thêm công cụ phái sinh, tức là áp dụng kỳ hạn trong quan hệ ngoại hối giữa NHNN và TCTD. Trước đây, NHNN chỉ áp dụng hình thức bán ngoại tệ giao ngay cho ngân hàng thương mại.

 

Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại mua kỳ hạn 3 tháng để cân bằng trạng thái ngoại tệ với giá bán cao hơn giá của ngày 31/12/2015 là 1%. Điều này có nghĩa họ kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng thêm 1% vào cuối quý 1.

Ngày 4/1/2016, tỷ giá kỳ hạn 360 ngày tại một số ngân hàng lớn được xác định trong khoảng 23.780 - 23.841 VND. Tính toán một cách tương đối, tỷ giá cuối năm nay đang được một bộ phận chính trên thị trường kỳ vọng sẽ tăng trong khoảng 5-5,7%.

Cụ thể, nếu NHTM muốn mua ngoại tệ, NHNN sẽ bán cho một hợp đồng phái sinh với giá bán cao hơn nhất định, ví dụ 1% trong 3 tháng. Thông qua hợp đồng này, NHNN gửi thông điệp về giới hạn biến động tỷ giá tới NHTM. Các NHTM sẽ chủ động thực hiện giao dịch với đối tác và được hủy ngang giữa chừng để chủ động mua ngoại tệ trên thị trường khi giá trên thị trường tốt hơn giá bán của NHNN.

Trong quan hệ với doanh nghiệp, các TCTD cũng phải áp dụng giao dịch kỳ hạn với ngoại tệ  theo quy định tại Thông tư số 15 có hiệu lực từ ngày 5/10/2015.

Cụ thể, chỉ các trường hợp phải thanh toán trong vòng 2 ngày làm việc thì mới được mua USD giao dịch giao ngay. Còn các giao dịch kỳ hạn 3 ngày đến 365 ngày phải thông qua giao dịch kỳ hạn với ngày thanh toán là ngày cuối cùng của kỳ hạn giao dịch. Có nghĩa là nếu thời điểm khách hàng cần ngoại tệ để thanh toán trong phạm vi 2 ngày làm việc thì được mua - bán theo giao dịch giao ngay, từ ngày thứ 3 trở lên ngân hàng chỉ được bán ngoại tệ kỳ hạn.

Chuyên gia nói gì?

TS. Võ Trí Thành cho rằng, cơ chế tỷ giá mới là cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn bởi sau khi hội nhập chúng ta cần một cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt để đảm bảo cạnh tranh.

Bên cạnh điều hành để tránh các cú sốc lớn thì NHNN sẽ có những giải pháp đồng bộ để đảm bảo về cơ bản không biến động quá lớn. Để làm được điều này, NHNN sẽ phải gắn với thị trường ngoại tệ mà ở đó các NHTM tham gia và NHNN là 1 bên nhằm đưa ra tín hiệu cho thị trường ngoại hối và có một cơ chế giám sát để các NHTM có phản ứng không đi quá xa so với định hướng của NHNN.

NHTM cũng cần phát triển công cụ thị trường phái sinh, thị trường quyền chọn, bảo hiểm và hướng dẫn các doanh nghiệp qua đó có các giao dịch gắn với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa phải quá quen với công cụ thị trường phái sinh do vậy cần một quá trình tương tác giữa NHTM, các đinh chế tài chính và doanh nghiệp. Đây cũng chính là lý do vì sao cần bước đi linh hoạt dần dần với học hỏi của thị trường và hội nhập của Việt Nam.

CEO của VietinBank ông Lê Đức Thọ cũng cho rằng, việc đổi mới trong cơ chế điều hành tỷ giá là bước đi cần thiết và quan trọng đối với thị trường và đối với quá trình hội nhập của Việt Nam. Với cơ chế điều hành lần này sẽ giúp thị trường và tỷ giá có điều kiện được phản ánh đầy đủ hơn các yếu tố thị trường trong nước và quốc tế.

Với doanh nghiệp, cơ chế mới giúp cho các doanh nghiệp và các TCTD chủ động nhiều hơn so với cơ chế điều hành tỷ giá trước đây trong việc quyết định hoạt động kinh doanh của mình liên quan đến ngoại tệ .

Cơ chế này cũng sẽ khuyến khích áp dụng rộng rãi hơn các sản phẩm phái sinh, trong đó có sản phẩm mua bán kỳ hạn ngoại tệ. Đây cũng là thông lệ tốt của thị trường quốc tế đặc biệt trên thị trường tài chính và thị trường hàng hóA.

Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/co-che-dieu-hanh-ty-gia-moi-nhnn-ban-usd-phai-sinh-cho-nhtm-420165113954673.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cơ chế điều hành tỷ giá mới: NHNN bán USD phái sinh cho NHTM

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc