top-banner-2

Thứ bảy, 12/12/2015, 14:54 GMT+7

Mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim gần 2.000 tỷ đồng

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ bảy, 12/12/2015, 14:54 GMT+7

Ngày 12/12/2015, tại Nhà máy thủy điện Đa Nhim (xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi thuộc Tổng Công ty Phát điện 1 đã khởi công dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim được đưa vào vận hành từ ngày 15/01/1964 với nhiệm vụ chính là sản xuất điện với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 1 tỷ kWh/năm, ngoài ra còn cung cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận hàng năm là 550 triệu m3/năm. Qua hơn 50 năm quản lý, khai thác vận hành, Nhà máy thủy điện Đa Nhim đã góp phần tích cực vào việc cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và đặc biệt là cung cấp nước ổn định cho tỉnh Ninh Thuận phát triển bền vững nói riêng.

nhamay10

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của Nhà máy thủy điện Đa Nhim hiện hữu, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương phát triển Dự án mở rộng nhà máy thuỷ điện Đa Nhim trong Quy hoạch điện VII với mục tiêu tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm qua đập tràn, tăng công suất nguồn cho hệ thống điện, phục vụ cho việc vận hành điều độ hệ thống điện an toàn, hiệu quả vào giờ cao điểm; duy trì ổn định cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư vùng hạ lưu Nhà máy.

Dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim có quy mô 01 tổ máy lắp mới, công suất định mức 80 MW. Sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất của Nhà máy Đa Nhim từ 160 MW lên 240 MW, sản lượng tăng thêm toàn nhà máy bình quân hàng năm khoảng 99 triệu kWh. Các hạng mục xây dựng mới công trình mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim gồm: Cửa nhận nước; đường hầm áp lực, tháp điều áp, nhà van, đường ống áp lực, nhà máy. Tổng diện tích chiếm đất của dự án là 31,25 ha. Dự án không phải di dân, tái định cư. Tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 1.952 tỷ đồng. Dự án mở rộng Nhà máy thuỷ điện Đa Nhim sử dụng vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản (85% Tổng mức đầu tư của dự án) và vốn đối ứng của chủ đầu tư (15%).

Theo ông Lưu Xuân Vịnh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng dự án có ý nghĩa rất lớn nhằm tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước; Chủ động hơn trong việc cấp nước cho tỉnh vào mùa khô, giảm tình trạng thiếu nước canh tác và sinh hoạt, để phát triển công, nông nghiệp bên vững. Góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp và địa phương từ việc tăng sản lượng điện sản xuất. Và một thuận lợi nữa là Dự án không phải thực hiện di dân tái định cư.

Theo kế hoạch tiến độ, nhà máy sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm tổ máy trong quý 1/2018 và vận hành thương mại trong quý 2/2018. Về cơ bản, dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Đa Nhim sẽ chuyển chế độ vận hành từ chạy đáy sang chạy lưng và phủ đỉnh, góp phần tăng tính ổn định cho Hệ thống điện Quốc gia, duy trì ổn định cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của dân cư vùng hạ lưu nhà máy. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt; giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống.

Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim có vai trò quan trọng góp phần đảm bảo cấp điện cho miền Nam từ năm 2018. Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục đôn đốc, kiểm tra và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, nhằm đảm bảo đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ.

Phát biểu tại Lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã yêu cầu, Tập đoàn Điện lực VN, Tổng công ty Phát điện 1, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi phải bảo đảm vận hành nhà máy thủy điện Đa Nhim hiện hữu an toàn, hiệu quả; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, thực hiện công tác xây dựng mở rộng nhà máy theo đúng các quy định hiện hành; đảm bảo an toàn lao động và thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký giữa nhà thầu và chủ đầu tư; đảm bảo tiến độ đưa tổ máy vào vận hành vào Quý I năm 2018 với chất lượng cao nhất. Đồng thời, phải quan tâm thường xuyên đến công tác đảm bảo môi trường trong quá trình thi công, quá trình đưa công trình vận hành. Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và các đơn vị thi công phải đảm bảo thực hiện theo quy định, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện để dự án được triển khai đạt hiệu quả và an toàn.

Theo dddn.com.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Mở rộng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim gần 2.000 tỷ đồng

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc