Thăm Bạc Liêu, nghe đờn ca tài tử |
Viết bởi Kim Cúc |
Thứ sáu, 25/04/2014, 10:17 GMT+7 |
Nếu có dịp đến Bạc Liêu từ 24 - 29/4 bạn hãy thu xếp để tham dự Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất (Festival) với rất nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh bộ môn nghệ thuật Nam Bộ.
Ai cũng biết không gian của đờn ca tài tử là sông nước, kênh rạch với những con thuyền lênh đênh, tiếng đờn tranh, đờn cò, câu hát lững lờ trên mặt nước thật trữ tình. Giữa dòng sông bao la, với từng cơn gió thổi từ lòng sông lên mát rượi, ánh trăng vằng vặc trên đầu và hai bên là tiếng dừa nước xạc xào, để thưởng thức khung cảnh trữ tình này, những người chèo ghe, chèo thuyền thường neo ghe, thuyền lại, ngồi quây quần hát với nhau.
Từ 24 - 29/4, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất sẽ tổ chức ở Bạc Liêu Tùy tâm trạng mà họ hát những bản tài tử vui hay buồn. Vì thế, đờn ca tài tử cứ tự phát phục vụ trong sinh hoạt, từ ngày mùa vui đến một đám tang buồn, trong một lễ hội cầu mưa thuận gió hòa, hay trong một đám cưới. Lần này, sau lễ vinh danh của UNESCO dành cho đờn ca tài tử Nam bộ hồi tháng 1/2014, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất sẽ khởi động quá trình hồi sinh bộ môn nghệ thuật dân gian với khoảng 20 hoạt động lớn hấp dẫn các nhà nghiên cứu văn hóa, hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ và khách du lịch. Festival nổi bật với các hoạt động: lễ hội ẩm thực Nam bộ; chương trình nghệ thuật giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của hai soạn giả Trọng Nguyễn và Yên Lang, caravan xe cổ "Hành trình kết nối di sản văn hóa", Liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc. Trong dịp này, tỉnh Bạc Liêu cũng khánh thành Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tổ chức hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam bộ” và triển lãm nhạc cụ dân tộc... Đây nhất định sẽ là một festival văn hóa rất đặc biệt, tái tạo lịch sử, không gian cho du khách tìm hiểu cặn kẽ sự hình thành, phát triển của nghệ thuật dân gian diễn xướng trên mảnh đất Nam bộ phóng khoáng. GS. Trần Văn Khê từng giải thích: "Nói chung, người miền Nam không học nguyên xi nhạc miền Trung, mà biến tấu, thích nghi với quan điểm thẩm mỹ của miền Nam. Cùng một bản "Nam ai", nhưng người miền Nam phóng khoáng, "học chân phương mà đờn hoa lá”. Tức là học thì học nguyên tắc, kỹ lưỡng, nhưng mà tới chừng đờn thì thêm qua thêm lại cho nó đẹp, theo thẩm mỹ của người miền Nam, phát triển giai điệu để làm cho nó có cái duyên, thêm duyên thêm ý, thêm hoa thêm lá”. Sau những đêm xem các nghệ nhân khắp các vùng miền sông nước Nam bộ tụ họp diễn xướng những bản ca nổi tiếng hoặc từng thất truyền, du khách có thể tham quan các thắng cảnh của xứ Bạc Liêu "gạo trắng nước trong", ăn các món ngon xuất hiện từ thời khẩn hoang, vãn cảnh chùa và tham quan Vườn chim, Giồng nhãn Bạc Liêu nổi tiếng. Theo Doanhnhansaigon.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|