Gặp gỡ 'Tổng tư lệnh' đêm trao giải Oscar |
Viết bởi lehang | ||
Thứ hai, 03/03/2014, 15:02 GMT+7 | ||
Trong đêm trao giải Oscar sẽ có 1 nhân vật còn căng thẳng hơn cả người dẫn chương trình Ellen DeGeneres hay các ứng viên tranh giải. Người đó là Hamish Hamilton, đạo diễn Oscar 86, vốn chịu toàn bộ trách nhiệm giám sát và phát sóng lễ trao giải tới cho hàng triệu khán giả truyền hình.
Sức ép lớn đặt lên vai Hamish Hamilton nằm ở chỗ đêm trao giải Oscar là một sản phẩm lai: một nửa chương trình được dàn dựng trước và nửa còn lại hoàn toàn ngẫu hứng. Vì thế Hamilton cùng đội sản xuất của mình phải vô cùng linh hoạt để có thể thu được mọi khoảnh khắc của đêm trao giải. Thật may mắn cho các khán giả theo dõi Oscar, Hamilton là một bậc thầy về quản lý các chương trình truyền hình. Ông là người nắm quyền điều hành sản xuất lễ khai mạc và bế mạc Olympic London 2012 , ông đứng sau màn trình diễn của Beyonce tại chương trình Super Bowl và đã từng có thời gian tổ chức lễ trao giải Oscar cách nay vài năm, thời kỳ Alec Baldwin và Steve Martin đồng dẫn chương trình. Bên lề lễ trao giải Oscar (dự kiến diễn ra trong đêm 2/3 (tức sáng 3/3 giờ VN), tạp chí Vanity Fair đã gọi điện phỏng vấn Hamilton để tìm hiểu về những thách thức mà ông phải đối mặt tại Oscar. * Có phải đạo diễn đêm trao giải Oscar chỉ là thách thức nhẹ nhàng sau khi ông đã giám sát lễ khai mạc Olympic London? - Không, có rất nhiều điểm khác nhau giữa 2 sự kiện đó. Điểm giống là chúng đặc biệt đầy sức ép. * Ông có nghi thức đặc biệt nào trước và trong các buổi lễ để giúp xử lý áp lực? - Tôi cầu nguyện một chút trước khi tập trung vào công việc. Tôi cố nghĩ về gia đình và duy trì cảm giác biết ơn, cảm thấy được ban phước. Và dù nhiều khi muốn phát điên lên, muốn la hét và khóc vì chịu áp lực quá lớn, tôi vẫn tự nhủ với bản thân rằng mình cần phải thực hiện chương trình với sự thanh thản, toàn vẹn và xứng với phẩm giá bản thân... Nếu anh cho phép sự sợ hãi hoặc bực tức len vào trong đầu, anh sẽ bắt đầu hành xử theo một cách thức không được sáng tạo hoặc có tổ chức và điều đó không được xảy ra trong đêm Oscar. Sẽ có nhiều chuyện không ổn và anh phải xử lý vì đó là công việc mà anh đã nhận. * Oscar có những thách thức cụ thể nào so với các chương trình trực tiếp khác mà ông từng đạo diễn? - Thách thức cụ thể nhất là kể lại chuyện khi nó đang diễn ra ngay trước mắt. Mọi thứ đều khó đoán và anh biết rằng sẽ có vài cú đá xoáy xuất hiện. Vì thế thách thức trong khoảnh khắc khó đó là quyết định cảnh quay ra sao, âm thanh thế nào. Về cơ bản tâm trí anh phải luôn thay đổi để xử lý cho phù hợp. Hamilton đã từng giám sát các sự kiện lớn như Olympic London 2012
* Ông có tiếng nói trong việc sắp chỗ cho mọi người tại nhà hát nơi diễn ra lễ trao giải Oscar không? Liệu có phải là cơn ác mộng đối với ông nếu ai đó giành giải và phải đi quãng đường dài như cả cây số để tới sân khấu? - Nhiều người có tiếng nói liên quan tới việc sắp chỗ và tôi chỉ là một trong số đó. Việc sắp chỗ khá khó khăn. Người đông hơn nhiều so với số ghế. Mối quan tâm chủ đạo của tôi khi đêm trao giải diễn ra chỉ là liệu có thể ghi hình được nhân vật mình cần?. * Ông hợp tác với Ellen chặt chẽ thế nào? - Ellen có một đội các chuyên gia sáng tạo và nhà sản xuất rất tuyệt vời quanh cô ấy và chúng tôi đều hợp tác với nhau để giúp lan tỏa sự hài hước, quyến rũ và cá tính của cô ấy tới mọi góc trong nhà hát. * Ông sẽ ăn mặc thế nào trong phòng điều khiển? Liệu ông có thoải mái mặc quần đùi nếu muốn? - Đây là show diễn mà tất cả chúng tôi phải ăn diện. Quần áo tôi sắm cả rồi. Một bộ vét mới tinh, trông khá ổn. * Đội của ông có chuẩn bị trước cho các tình huống khủng hoảng không, như máy quay bị tắt chẳng hạn? Liệu có màn diễn tập nào không? - Chúng tôi có diễn tập, nhưng không giống diễn tập chữa cháy. Chúng tôi không chạy thử chương trình từng li từng tí. Chúng tôi đã làm những chương trình như thế này từ rất lâu rồi nên biết rằng nếu có gì đó không ổn, mình sẽ có kế hoạch thay thế. Nhưng rõ ràng anh không thể chuẩn bị trước cho mọi tình huống xấu và cách duy nhất để tránh mọi tình huống xấu là không tổ chức đêm trao giải. * Ai có quyền nhấn nút (beep) chống chửi bậy? - Không phải tôi. Nhưng điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì tới tôi. Tôi không thể kiểm soát được việc có ai chửi thề hay không. Quyết định chống chửi bậy sẽ do một người khác ở khâu dưới tôi thực hiện. * Có ngoại lệ nào về mặt thời gian phát biểu của những người thắng giải? - Quy định được thông báo khá rõ. Có hạn chế thời gian cho các bài phát biểu. Tất cả các ứng viên đều biết điều đó. Ai cũng hiểu quy định cả. * Họ có nhận được tín hiệu cảnh báo hay thấy đồng hồ đếm ngược về thời gian còn lại khi phát biểu nhận giải không? - Có chứ, có một đồng hồ đếm ngược để họ biết mình còn bao nhiêu thời gian. * Tôi luôn kinh ngạc khi thấy các nữ diễn viên đi giày cao gót không trượt ngã trên sân khấu. Năm ngoái là ngoại lệ khi Jennifer Lawrence ngã trong lúc bước lên sân khấu. Liệu có điều chỉnh nảo để ngăn chuyện này xảy ra một lần nữa? Bổ sung người dẫn? Sử dụng mặt sàn ít trơn hơn? Bổ sung tay vịn? - Không, ta không thể làm vậy. Thêm tay vịn (vào bậc cầu thang lên sân khấu) không phải là sự bổ sung đẹp đẽ cho giải Oscar. Sàn sân khấu luôn được chuẩn bị cho việc người ta sẽ đi giày với gót rất cao. Tôi thực sự hy vọng rằng không có ai ngã trên sân khấu, dù trong năm ngoái Jennifer đã xử lý tai nạn rất tuyệt. * Ông muốn làm gì đầu tiên khi sân khấu buông rèm sau đêm trao giải? - Tôi hy vọng đó sẽ là sự hoan hô bởi ê-kíp đã làm việc quá tuyệt vời. Theo Thể thao & Văn hóa/ Vanity Fair Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|