Vàng son một thuở quay về… |
Thứ ba, 25/06/2013, 13:27 GMT+7 | ||
Sự xuất hiện của những giọng ca vàng son một thời, biểu diễn tại quê nhà, như một hành trình trở về mái nhà xưa của những đứa con xa xứ. Và họ như một gạch nối cho sự liền mạch của dòng chảy âm nhạc trong và ngoài nước. Có thể nói, suốt cả một thập kỷ qua, những gương mặt ca sỹ hải ngoại đã làm sôi động hơn sân khấu âm nhạc trong nước, phá vỡ một thời "độc quyền" của nhạc trẻ, nhạc teen trên sân khấu lớn… Tuấn Ngọc và chuyện của cây đề Không phải là người đầu tiên, nhưng Tuấn Ngọc lại là một hiện tượng thực sự của làn sóng hải ngoại. Còn nhớ, lần đầu tiên Tuấn Ngọc biểu diễn trong một khán phòng nhỏ, tại một khách sạn 5 sao, người yêu nhạc TP. Hồ Chí Minh đã gần như phát sốt. Nhiều người bỏ bạc triệu, để được tận mắt xem anh biểu diễn, và nghe anh hát live. Và sau đó, mỗi lần Tuấn Ngọc biểu diễn, lại tạo ra một cơn sốt nhẹ. "Mỗi lần tôi diễn ở Việt Nam, ca khúc mà khán giả luôn yêu cầu đầu tiên là "Riêng một góc trời". Tôi đã hát ca khúc ấy quá nhiều lần, nhiều năm, tự thấy cũng có những ca khúc khác mình hát thành công, nhưng khán giả lại đặc biệt ưu ái cho nó. Mỗi lần đứng trước khán giả tôi run lắm, đến tận bây giờ vẫn vậy. Nên tôi thường nói đùa một chút, đây là ca khúc "Run một góc trời". Mỗi lần nhìn xuống khán giả ăm ắp ngước mắt nhìn mình, tôi luôn sợ, lỡ mình hát không thành công thì quả là phụ lòng họ", anh tâm sự như vậy trong đêm trình diễn "In the spotlight - Gọi tên bốn mùa" năm 2012. Đúng như Tuấn Ngọc nói, sự kỳ vọng mỗi lần xuất hiện của anh là không nhỏ. Cái tên của Tuấn Ngọc còn là một ước mơ của nhiều ca sỹ thế hệ sau, mong muốn được một lần song ca cùng anh. Diva Mỹ Linh chia sẻ: "Được song ca với anh Tuấn Ngọc là một niềm vui. Bởi, anh thực sự là một nghệ sỹ lớn, không chỉ riêng giọng hát mà cả phong cách trình diễn". Đến nay, sau Mỹ Linh, Tuấn Ngọc sẵn sàng hát song ca với những ca sỹ thế hệ… đàn cháu, như Tùng Dương, Văn Mai Hương. "Hát chung với họ, tôi có được một trải nghiệm về sự mới mẻ, sức trẻ và niềm khao khát chinh phục" - anh nói. Suốt một thập kỷ trở về, Tuấn Ngọc chỉ hát, ít khi chia sẻ về cuộc sống cũng như những dự định âm nhạc. Nhưng anh luôn có được một cộng đồng người hâm mộ, những khán giả trưởng thành, tinh tế và luôn biết lắng nghe. Như một cây đề trong âm nhạc, vững vàng và phong cách ổn định, cái tên Tuấn Ngọc như một điểm tựa với những thế hệ đến sau. Có lẽ chính vì thế, mà ngay những ngày đầu 2013 này, cái tên Tuấn Ngọc vẫn được coi là "hot" tại các phòng trà tại TP. Hồ Chí Minh. Để được xem anh hát trong những khán phòng này, khán giả thường phải đặt bàn từ đầu tuần. Và, chưa bao giờ Tuấn Ngọc bị "thất sủng", dù anh đã không còn sức trẻ. Anh tạo ra một ngoại lệ của sân khấu biểu diễn, gừng càng già càng cay… Những tình yêu không quá dài… Về nước biểu diễn tại phòng trà Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh vài năm trước, Ý Lan cũng tạo nên một hiện tượng. Lần đó, trong buổi gặp mặt một số phóng viên, Ý Lan tâm sự: "Tôi thành danh muộn, cũng phải trải qua những biến cố, lắm khi phải ngừng hát vì sức khoẻ, nên được trở về biểu diễn tại quê nhà là một niềm vui lớn. Tôi muốn biết, khán giả đón nhận mình như thế nào". Sự đón nhận lần đầu tiên với Ý Lan thực sự rất tốt.
Nhưng cũng có một số khán giả trẻ đã cảm thấy phù hợp với phong cách có phần hơi bi luỵ của chị trên sân khấu. Điều đáng nói là, chính phần điệu đà, hơi lả lướt của Ý Lan tạo nên nét duyên và được khán giả trung thành của chị yêu thích. Nhưng, để tiếp cận những khán giả tiềm năng mới, Ý Lan đã không làm được. Chính vì thế, những lần trở lại sau này của Ý Lan đã không còn được vồ vập và vồn vã như buổi đầu. Âu cũng là lẽ thường… Một hiện tượng gây kinh ngạc nhất sân khấu biểu diễn năm 2012 chính là sự trở về của Bằng Kiều. Một sự cố nào đó của quá khứ, khiến Bằng Kiều không thể trở về nước biểu diễn trên dưới một thập kỷ. Trong khi đó, anh lại xuất hiện dồn dập như một ngôi sao mới tại thị trường âm nhạc hải ngoại. Có thể nói, anh là ca sỹ quan trọng trong những show diễn ghi hình của trung tâm băng nhạc Thuý Nga. Thông tin Bằng Kiều về nước biểu diễn tạo thành một làn sóng hâm mộ. Kể cả những khán giả chưa từng yêu thích anh, cũng quay ra cuồng nhiệt, theo hiệu ứng đám đông. Và liveshow đầu tiên của Bằng Kiều đã đạt doanh thu cao ngất ngưởng, lượng khán giả cuồng nhiệt không mua được vé vẫn còn khá nhiều. Thậm chí, có những khán giả sẵn sàng bỏ 10 triệu đồng để được tận mắt xem anh hát. Nhưng, tất cả dừng lại ở đó, chứ không phải bằng sự mới lạ trong phong cách biểu diễn. Bằng Kiều xuất hiện trong một chương trình dài, hát những bài hát quen thuộc, cả sang lẫn sến, cả vui lẫn buồn, hát vẫn rất hay, nhưng không có gì mới mẻ.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở điều này. Nếu chỉ gặp nhau để thỏa nỗi nhớ nhau, thì thỏa rồi sẽ quên, để thời gian đủ dài nuôi một nỗi nhớ tiếp sau. Chứ đây không phải là món ăn thường nhật, để cần phải được hâm nóng mỗi ngày. Giọng ca Bằng Kiều cũng vậy. Người ta có thể chờ đợi sự trở về của Trần Thu Hà trong phong cách biểu diễn mới, với những dự án âm nhạc mới. Nhưng người ta không biết mong chờ Bằng Kiều điều gì, ngoài việc anh sẽ hát live trên sân khấu những bài hát quen thuộc mà anh đã thu âm. Đó chính là lý do vì sao, trong "Mùa đông", chương trình được quảng cáo rầm rộ sau liveshow của Bằng Kiều hai tháng, cái tên Bằng Kiều được coi là con át chủ bài, nhưng đã không tạo được hiệu ứng mạnh với khán giả. Nếu Bằng Kiều có lượng khán giả trung thành đủ lớn, thì có lẽ mỗi tháng một chương trình vẫn còn là quá ít với sự cuồng nhiệt anh tạo ra trước liveshow của mình. Thật khó để chờ đợi ở anh một điều gì mới lạ hay đổi thay. Thực ra khán giả yêu thì vẫn yêu, nhưng cuộc yêu có vẻ không dài… Dòng chảy tự nhiên Như một quy luật cung - cầu tất yếu của thị trường biểu diễn, người ta thấy một dòng chảy những ca sỹ mới, hát nhạc trẻ liên tục nhận show lưu diễn tại Mỹ. Điển hình từ Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Tuấn Hưng, Lệ Quyên… cho đến những ca sỹ kém nổi tiếng hơn như Phan Đinh Tùng, Uyên Trang, Khang Việt… thời gian biểu diễn tại Mỹ còn dài hơn ở Việt Nam. Ngược lại, những ca sỹ như Tuấn Ngọc thì lại có vẻ đắt show tại Việt Nam hơn thị trường hải ngoại. Không thể phủ nhận, suốt một thập kỷ qua, dòng chảy hải ngoại bắt đầu từ những Elvis Phương, Hương Lan, Đức Huy, Giao Linh, Tuấn Vũ, Ý Lan, Lệ Thu, Kiều Nga cho đến các ca sỹ thế hệ sau như Lưu Bích, Bằng Kiều, Minh Tuyết, Quang Lê, Trúc Lam - Trúc Linh, Ngọc Liên… đã góp sức làm phong phú hơn sân khấu ca nhạc trong nước. Hình ảnh chững chạc của các ca sỹ hải ngoại như một thế cân bằng cho dòng nhạc thị trường, vốn đang bị "teen hoá" với các hoàng tử công chúa và thiếu chiều sâu. Sự trở về của họ lôi kéo những khán giả trung thành (vốn đã không còn trẻ) trở lại sân khấu, phòng trà. Đồng thời, họ cũng góp công khơi lại một xu hướng thưởng thức âm nhạc trong những không gian hẹp và tĩnh tại - một thói quen tưởng như đã dần mai một theo thời gian, khi có một thời gian dài người ta mặc định đi quán bar là để nhảy nhót, nghe nhạc dance và đó là nơi dành cho những khán giả thanh niên… Đến lúc này, việc trở về của các ca sỹ hải ngoại đã không còn lạ lẫm. Người ta có thể thấy những tấm pano quảng cáo các ca sỹ hải ngoại đứng chung với các ca sỹ mới xuất hiện ở trong nước. Và người ta cũng có thể thấy những ca sỹ trẻ hải ngoại về nước quay video clip, thực hiện album. Hình ảnh thân quen nhất là các ca sỹ trẻ trong nước và hải ngoại như Tóc Tiên, Mai Tiến Dũng… có thể thường xuyên vui vẻ cùng nhau trong các quán cà phê, thậm chí là những quán ăn vỉa hè, họ cùng bàn về những xu hướng biểu diễn trên thế giới. Dường như khái niệm "hải ngoại" đã chỉ còn là tương đối. Bởi trong thế giới phẳng, âm nhạc đã không còn biên giới... Không khoảng cách, không ngoại lệ Nếu ai theo dõi đời sống âm nhạc qua báo chí, sẽ thấy sự thay đổi của truyền thông trong việc gọi tên các ca sỹ hải ngoại. Nếu thời gian đầu, yếu tố "hải ngoại" được nhấn mạnh và đề cao như sự mới lạ, thì đến thời điểm hiện tại, Bằng Kiều, Minh Tuyết hay ngay cả Tuấn Ngọc cũng hiếm khi được gắn thêm hai chữ "hải ngoại". Và vấn đề còn lại là, ở thời điểm sân khấu không khoảng cách, không ngoại lệ và không ai được khán giả ưu ái hơn, thì ai sẽ tỏa sáng và được yêu mến, hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng và cái duyên của mình. Cuộc chơi, vì thế mà công bằng hơn rất nhiều… Theo CAND Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|