top-banner-2

Thứ ba, 28/02/2017, 10:55 GMT+7

Oscar 89: Chiến thắng của tiếng vọng nhân quyền

Viết bởi ducanh   
Thứ ba, 28/02/2017, 10:55 GMT+7

Bộ phim “Moonlight” xứng đáng được tôn vinh tại lễ trao giải Oscar lần thứ 89 bằng chiến thắng thuyết phục ở hạng mục quan trọng nhất bởi câu chuyện của phim trọn vẹn, tinh tế, gạt bỏ mọi thứ giáo điều.

Lễ trao giải Oscar lần thứ 89 kết thúc bằng những ồn ào ngoài chuyên môn. Đó là sự nhầm lẫn trong công bố giải Phim hay nhất cũng là hạng mục được mọi người trông đợi nhất. Kịch bản nhầm lẫn kết quả của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 từng gây chấn động thế giới được lặp lại ở lễ trao giải Oscar lần thức 89, diễn ra vào sáng 27-2 (giờ Việt Nam) tại sân khấu nhà hát Dolby (Hollywood, Los Angeles - Mỹ).

Chiến thắng xứng đáng

Chiến thắng của “La La Land” được tài tử 79 tuổi Warren Beatty công bố trên sân khấu chỉ là giả định. Đây là chiêu thức của ban tổ chức nhằm làm cho lễ trao giải Oscar 89 thêm sôi động (đặc biệt là tạo dư âm sau lễ trao giải). Còn chiến thắng thực sự thuộc về bộ phim “Moonlight” của đạo diễn Barry Jenkins, một tác phẩm được chuyển thể từ vở kịch mang tên “In moonlight black boys look blue” (tạm dịch: “Những chàng trai da đen buồn bã dưới ánh trăng”). Đây là tác phẩm phim dài thứ 2 của đạo diễn Barry Jenkins với câu chuyện về cuộc đời nhiều biến động của chàng trai Chiron, được ví là “Brokeback Mountain da màu” nhưng cái chính “Moonlight” muốn đề cập là những xung đột xã hội và sắc tộc.

1-osca-2017

Được chuyển thể từ một vở kịch của tác giả da màu, do một đạo diễn da màu dàn dựng, có dàn diễn viên cũng toàn người da màu, “Moonlight” là tác phẩm mang thông điệp dành cho cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người da màu tại xứ sở cờ hoa. Đạo diễn Barry Jenkins đã đưa tác phẩm của mình vượt qua giới hạn của bộ phim lấy đề tài xã hội thông thường khi mang đến người xem cảm xúc xót xa cho những cuộc đời còn dang dở giấc mơ. Phim tôn vinh giá trị tinh thần nhân văn và là bài ca cổ vũ cho những nhóm người yếu thế. Bộ phim “Moonlight” thực sự thuyết phục và xứng đáng được tôn vinh tại lễ trao giải Oscar lần thứ 89 bằng chiến thắng thuyết phục ở hạng mục quan trọng nhất bởi câu chuyện của phim trọn vẹn, tinh tế, gạt bỏ mọi thứ giáo điều.

Từ trái qua: diễn viên Mahershala Ali, Emma Stone, Viola Davis, Casey Affleck nhận giải Nam - Nữ diễn viên chính, phụ xuất sắc nhất Ảnh: OSCAR

Cái tên “La La Land” dù được xướng lên chỉ là giả định nhưng không gây ngạc nhiên với công chúng bởi đó là kết quả đã được dự đoán nhiều nhất trước khi lễ trao giải Oscar lần thứ 89 diễn ra. “La La Land” là kết quả của tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật của những người làm ra nó, là sự đồng cảm sâu sắc của những người sống chết cho nghệ thuật. Hẳn không phải ai cũng thấu hiểu một cách sâu sắc thông điệp mà “La La Land” chuyển tải nhưng với những người có liên quan đến nghệ thuật thì “La La Land” chính là tiếng vọng từ trái tim họ, là niềm tin vô hình chảy trong huyết quản mỗi người.

Công chúng sẽ còn nhắc lại sự cố trao nhầm này rất nhiều lần về sau nữa nhưng chắc chắn kết quả Oscar 89 hạng mục Phim hay nhất thuộc về “Moonlight” là hoàn toàn thuyết phục.

Quên đi giải thưởng

Một kết quả thuyết phục nên không gì gây tranh cãi về chuyên môn, kể cả các giải cá nhân. Casey Affleck (phim “Manchester by the Sea”) và Emma Stone (phim “La La Land”) chiến thắng ở hạng mục Nam - Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất hay Mahershala Ali (phim “Moonlight”) và Viola Davis (phim “Fences”) chiến thắng ở hạng mục Nam - Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất đều được dự báo từ trước. Một kết quả hài lòng với công chúng nhưng cũng đầy tiếc nuối với những tên tuổi khác.

Tờ Telegraph nhận định Emma Stone vừa đạt được bước tiến sự nghiệp vững chắc nhờ vai diễn Mia trong “La La Land”. Vai diễn tóm tắt cuộc đời của mỹ nhân 28 tuổi khi bản thân cô cũng trải qua con đường giống hệt nàng thơ mình đóng để đến với thành công như hiện tại. Biểu cảm linh hoạt và tự nhiên của Emma Stone giúp cô chứng tỏ mình là nữ diễn viên số 1 cho vai diễn nghệ sĩ trẻ theo đuổi ước mơ và danh vọng. Trong tác phẩm nhạc kịch này, Emma Stone không chỉ phô diễn khả năng biểu cảm đa dạng mà còn có tài ca hát, khiêu vũ. So với 2 ngôi sao diễn xuất ấn tượng khác là Isabelle Huppert của phim “Elle” và Natalie Portman của phim “Jackie”, chiến thắng của Emma Stone có phần “bất ngờ”.

Ê-kíp làm phim “Moonlight” nhận giải Phim xuất sắc nhất

Ê-kíp làm phim “Moonlight” nhận giải Phim xuất sắc nhất

Tuy nhiên, chiến thắng của nhà làm phim Damien Chazelle với giải Đạo diễn xuất sắc cho phim “La La Land” cũng có ít nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng đạo diễn tốt nghiệp trường đại học danh tiếng Harvard này chỉ “ăn may” khi anh chính là nhân tố làm nên sự mới mẻ cho lịch sử 89 năm của giải Oscar - đạo diễn trẻ nhất (32 tuổi) chiến thắng giải thưởng này. Hơn hết, “La La Land” chỉ là bộ phim tròn trịa, được làm đều tay và khẳng định công phu của nhà làm phim chứ không thực sự có phong cách hay góc nhìn độc đáo. Tờ Hollywood Reporter nhận định: “Đơn giản vì “La La Land” được thực hiện với một thủ pháp rất đúng “gu” yêu thích của Oscar. Đó là phong cách nghệ thuật có cấu trúc song hành giữa những cảnh hiện thực và nhạc kịch của phim này, từng được hàng loạt phim là tượng đài sử dụng như “Singing In The Rain” hay “The Umbrellas of Cherbourg”.

Damien Chazelle với giải Đạo diễn xuất sắc

Damien Chazelle với giải Đạo diễn xuất sắc

Chiến thắng của Damien Chazelle khiến công chúng thấy tiếc cho Denzel Washington, đạo diễn của bộ phim “Fences”. Denzel Washington đã tạo ra một tác phẩm để đời cho sự nghiệp gần 40 năm tại Hollywood của mình. Sau Thế chiến thứ II, nước Mỹ vươn mình trở thành cường quốc số 1 thế giới về kinh tế và quân sự. Nhưng cũng chính sự trỗi dậy mạnh mẽ ấy khiến những mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Đó là khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng ở các đô thị lớn. Đó là sự phân biệt đối xử mà người da màu phải chịu đựng hằng ngày bất kể họ có cố gắng, nỗ lực thay đổi đến đâu. Không chỉ có thế, “Fences” còn là câu chuyện về khát vọng được sống, được mơ ước, được yêu thương của những tâm hồn đẹp bất chấp sự vùi dập của số phận, của bất công.

Quên đi giải thưởng thì những bộ phim ứng viên giải thưởng Oscar năm nay mang đến một cái nhìn tổng quan và cả sự định hướng ở điện ảnh trong năm qua. Những bộ phim với thông điệp cụ thể, những câu chuyện dù đau thương hay mất mát thì cuộc sống này vẫn rất tươi đẹp bởi sự lạc quan, niềm tin và khát vọng. Hẳn Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ muốn tôn vinh những điều này để mở ra một lựa chọn hoàn hảo hơn cho những người làm phim. Suy cho cùng, nghệ thuật chính là tạo cảm hứng cho công chúng, nghệ thuật điện ảnh cũng mang trách nhiệm này.

Một số giải thưởng quan trọng khác

Kịch bản gốc xuất sắc nhất: “Manchester by the Sea” của đạo diễn Kenneth Lonergan.

Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất: “Moonlight” của đạo diễn Barry Jenkins.

Phim tài liệu xuất sắc nhất: “O.J: Made in America”

Phim hoạt hình xuất sắc nhất: “Zootopia”.

Dựng phim xuất sắc nhất: John Gilbert với phim “Hacksaw Ridge”.

Quay phim xuất sắc nhất: Linus Sandgren với phim “La La Land”.

Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất: Sandy Reynolds-Wasco, David Wasco với phim “La La Land”.

Nhạc nền trong phim xuất sắc nhất: Justin Hurwitz với phim “La La Land”.

Ca khúc chủ đề trong phim xuất sắc nhất: “Audition” trong phim “La La Land”.

Hòa âm xuất sắc nhất: “Hacksaw Ridge.”

Kỹ xảo hình ảnh xuất sắc nhất: “The Jungle Book”.

Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất: “ The White Helmets”.

Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất: “Piper”.

“Nhầm lẫn” vụng về

Lý giải cho sự nhầm lẫn của mình, tài tử 79 tuổi Warren Beatty bảo ban đầu ông nhìn thấy tên Emma Stone liền gọi tên “La La Land” là Phim hay nhất. Cuối cùng, khi Warren Beatty nhìn lại và thừa nhận mình công bố nhầm. Tờ ghi giải thưởng viết: “Moonlight” là Phim xuất sắc. Không ai dám khẳng định ban tổ chức giải Oscar có chơi chiêu hay không để quảng bá cho giải này. Nhưng đã có không ít đồn đoán cho rằng ban tổ chức lễ trao giải Oscar “chơi khăm” chính những thành viên của Hội đồng giám khảo của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ. Bởi lẽ, với 14 đề cử tại giải Oscar lần này, “La La Land” vấp phải không ít chỉ trích cho rằng “kết quả này chưa thực sự công tâm và thuyết phục”. Vậy nên báo chí phương Tây nhận định việc công bố nhầm, kiểu trao vương miện cho “La La Land” rồi tước ngay để trao cho chính chủ “Moonlight” là trò chơi khăm thâm thúy”.

Dù với mục đích gì thì sự nhầm lẫn tại lễ trao giải Oscar 89 cũng không hay ho gì cho cả “La La Land” lẫn “Moonlight”. Trong khi “La La Land” bị tước đoạt niềm vui trong phút chốc thì sự tôn vinh dành cho “Moonlight” lại chưa đủ trang trọng. Là giải thưởng cao quý nhất nhưng lại diễn ra trong thời khắc hỗn loạn nhất nên cảm xúc dành cho người chiến thắng cũng không thật trọn vẹn. Đó là lý do dù bài phát biểu cảm xúc đang còn dang dở nhưng ê-kíp của phim “La La Land” vẫn đủ tỉnh táo để yêu cầu ban tổ chức rằng: “Chúng tôi muốn tự tay trao giải thưởng cho những đồng nghiệp tài giỏi của mình”.

 Theo Thùy Trang - nld.com.vn - 27/2/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Oscar 89: Chiến thắng của tiếng vọng nhân quyền

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc