Nhạc sĩ Huy Tuấn: Hò Dô vẫn còn trẻ lắm! |
Thứ hai, 18/11/2024, 16:16 GMT+7 |
Một tháng nữa, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô sẽ nóng rực ở đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi (TP.HCM). Tổng đạo diễn, nhạc sĩ HUY TUẤN trò chuyện với Tuổi Trẻ về hành trình Hò Dô 5 tuổi vẫn còn trẻ và nhiều khát vọng đẹp.
Khán giả TP.HCM đón nhận âm nhạc rộng mở - Ảnh: Hò Dô Lễ hội âm nhạc Quốc tế Hò Dô (Hozo International Music Festival) diễn ra từ tháng 10 đến hết tháng 12-2024. Điểm nhấn là ba đêm nhạc từ ngày 13 tới 15-12, dự kiến đón hơn 100 nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Một số cái tên dần lộ diện: ca sĩ Mỹ Tâm, Henry Lau (cựu thành viên Super Junior-M), rapper HIEUTHUHAI... Hò Dô năm đầu "điếc không sợ súng" * Bắt đầu từ năm 2019, tới nay Hò Dô là một lễ hội âm nhạc trẻ hay đã "cứng" tuổi rồi, anh Huy Tuấn? - Năm 2019, ở Việt Nam mới chỉ có Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa (Monsoon). TP.HCM mới bắt đầu làm. Khán giả TP cũng chưa quen với không khí văn hóa, chưa hiểu thế nào là một lễ hội âm nhạc quốc tế. Họ nghĩ đó là một sự kiện âm nhạc thông thường. Tới nay, Hò Dô đã đi qua 5 năm nhưng vẫn còn quá trẻ. Để gây dựng một bản sắc, một thương hiệu thì 5 năm chỉ là khởi đầu, vẫn còn con đường dài phía trước. * Nhận ý tưởng từ chính quyền TP.HCM, lúc đó anh thấy một lễ hội âm nhạc quốc tế có là một chiếc áo quá rộng? - Lúc đó tôi đã chuyển vào đây sống được 5-7 năm. Những nghệ sĩ như chúng tôi đến một thời điểm nào đó rất muốn làm một điều gì đó để trả ơn cho khán giả, cho TP đã nuôi dưỡng mình. TP.HCM là một thị trường âm nhạc lớn nhất cả nước. Tôi đã luôn ngạc nhiên một TP lớn như thế mà vẫn thiếu một thương hiệu văn hóa, một lễ hội âm nhạc quốc tế theo đúng nghĩa quốc tế. Thực ra TP.HCM đã có kế hoạch về lễ hội âm nhạc quốc tế trước khi nói chuyện chính thức với tôi cả chục năm, nhưng tới năm 2019 mới hiện thực hóa được. * Hò Dô năm đầu đó diễn ra như thế nào? - Mùa lễ hội đầu tiên chỉ có ba tháng để làm. Rất căng. Tới khi xong xuôi, nhìn lại mới giật mình, ba tháng để làm một lễ hội âm nhạc quốc tế đúng là điếc không sợ súng (cười lớn). Năm thứ hai, tôi xin TP sáu tháng chuẩn bị nhưng vẫn căng. Năm thứ ba, xin hẳn một năm mà vẫn còn quá nhiều thứ phải lo. Hiện đang làm Hò Dô 2024 nhưng chúng tôi đã bắt tay dần vào chuẩn bị cho Hò Dô năm sau mới kịp. Hò Dô có trách nhiệm về văn hóa. Đây là lễ hội âm nhạc mang tính cộng đồng, một sản phẩm văn hóa mà TP.HCM dành cho khán giả TP cũng như du khách. Nhạc sĩ Huy Tuấn Otyken mang đến thứ âm nhạc huyền bí và độc bản ở Hò Dô 2023 - Ảnh: Hò Dô Nghệ sĩ hỏi năm sau mời tôi nữa không? * Văn hóa lễ hội âm nhạc quốc tế mà Huy Tuấn nói rốt cuộc là gì? - Một lễ hội âm nhạc khác với những show diễn thông thường ở chỗ khi bạn đến đó, bạn mang theo niềm hứng khởi cộng hưởng cùng sự vui vẻ xung quanh tạo nên một không khí rất chill, phấn khích, thoải mái. Đến Hò Dô, khán giả tha hồ thưởng thức những thứ âm nhạc đặc biệt - Ảnh: Hò Dô Nó khác việc bạn đến một show diễn vì yêu thích nghệ sĩ, niềm vui của bạn phụ thuộc vào nghệ sĩ đó. Tất nhiên ban tổ chức không bao giờ bỏ qua yếu tố ngôi sao để hút khán giả, nhưng việc của khán giả là chủ động với niềm vui của mình, thưởng thức âm nhạc một cách cởi mở. Thậm chí tôi còn hy vọng khán giả đừng quan tâm tới việc sẽ có nghệ sĩ nào nổi tiếng nữa. * Nhưng thích ngôi sao thì có gì sai? - Không sai. Có điều phải rạch ròi, ở những show diễn khác, hầu như người ta mời những nghệ sĩ đang trend. Rõ ràng sự độc đáo không còn nhiều, nó chỉ còn là một thói quen. Ở Hò Dô, bạn có thể bắt gặp đủ nghệ sĩ, đủ cá tính âm nhạc với nhiều phong cách và thể loại miễn nghệ sĩ đó tài năng và độc đáo. Chẳng hạn năm ngoái Otyken - một nhóm nhạc bản địa người Siberia - đã có phần trình diễn tôi đánh giá là hấp dẫn nhất Hò Dô từ trước tới nay. Không nhiều người biết tới Siberia. Nhưng tới Hò Dô, khán giả biết được văn hóa Siberia được thể hiện qua âm nhạc của họ. Đến Hò Dô, khán giả có một chuyến du lịch bằng âm nhạc, đến những nơi chốn mới mẻ, khác biệt trên thế giới và được mở rộng biên độ nghe của mình. * Anh đã thấy gì qua các mùa Hò Dô? - Bố mẹ của bạn bè tôi đến Hò Dô "quẩy" về kể họ không nghĩ sẽ nghe được rock. Có những người nhìn qua họ chắc cả đời không nghe jazz nhưng ra đó lại nghe rất vào... Hóa ra ở trong tâm hồn con người ta vẫn còn có những ngăn cho các thể loại âm nhạc khác thay vì thói quen nghe nhạc thông thường hoặc những thứ mà thị trường cung cấp. * Còn những nghệ sĩ quốc tế đến Hò Dô, họ đã nói gì với Huy Tuấn? - Tới 80 - 90% nghệ sĩ sau khi diễn ở Hò Dô thì họ hỏi tôi: "Năm sau bạn có mời tôi nữa không?". Cũng có vài nghệ sĩ/nhóm tham gia Hò Dô không phải một lần, nhưng quan điểm của tôi là trên thế giới có nhiều thứ âm nhạc hay quá, không mang về cũng tiếc nên tôi vẫn ưu tiên những nghệ sĩ mới, chưa tham gia Hò Dô lần nào càng tốt. Chúng tôi hay nói với nhau một câu nghe có vẻ to tát nhưng thực ra rất chân thành, đó là mình đang mang thế giới về Việt Nam và mang Việt Nam ra thế giới. Qua những lễ hội thế này, tôi hy vọng TP.HCM sẽ dần được định vị như một địa chỉ văn hóa hấp dẫn mà các ngôi sao, nghệ sĩ thế giới đi tour nhớ đến. Rồi sẽ có những pha đau tim tiếp * Là "ma ma tổng quản" của Hò Dô, đứng dưới sân khấu xem, anh có chill như khán giả không? - Năm đầu tiên, tôi lo lắng và hồi hộp khiếp lắm. Đến mức tôi từng tự hỏi: mình có vui không nhỉ? Tại sao chỉ toàn lo lắng lấn át thế này? Bao nhiêu sự vụ, tình huống phát sinh khiến nhiều lúc đầu tôi căng như dây đàn. Chỉ có những tiết mục gần cuối tôi mới có thời gian thưởng thức nhiều hơn. Tôi quan sát và thấy những khuôn mặt rạng rỡ của khán giả. Họ hân hoan, nhảy nhót, ngồi tới tận đêm khuya. Lúc đó tôi mới vỡ òa, đây đúng là điều mà mình mong muốn. * Sau 5 năm, chẳng lẽ vẫn chưa hết lo lắng, hồi hộp? Huy Tuấn có phải mới vào nghề đâu... Vụ việc nào khiến anh đau tim nhất? - Bớt đi thôi nhưng vẫn còn nhiều lắm. Mới năm ngoái chứ đâu xa. Chúng ta mời DJ hàng đầu thế giới Don Diablo về chơi nhạc ở Hò Dô. Phía nghệ sĩ yêu cầu trước khi họ diễn 10 phút phải tắt hết đèn, âm thanh. Nhưng ở Việt Nam chưa từng để sân khấu rơi vào tình trạng "chết" như thế. Thương thảo không được, đành chấp nhận điều đó trong hợp đồng. Điểm nhấn của Hò Dô là ba đêm nhạc từ ngày 13 tới 15-12 - Ảnh: FBNV Tuy nhiên các tiết mục trước đó bị "lố" giờ. Tới gần thời gian diễn của Don Diablo mà Thu Minh vẫn còn ba bài chưa hát. Don Diablo "cáu", bảo nếu mà nghe thấy bất cứ âm thanh nào trên sân khấu thì anh ấy sẽ không lên diễn nữa. Tôi phải chạy ra hậu trường tìm cô người yêu của anh ấy nhờ nói. Có thể nói gì để người ta thông cảm, tôi phải vận dụng hết. Để khi phần diễn của Thu Minh vừa kết, DJ cũng vào luôn. Đó có lẽ là pha đau tim nhất trong đời tôi. Nhưng những chuyện này sẽ không dừng lại ở đó đâu mà sẽ tái diễn không lúc này là lúc khác. Một lễ hội âm nhạc quốc tế có hàng trăm con người, mỗi người một cá tính. Rồi sẽ có những pha đau tim đi vào lòng đất cho mà xem. Không tránh được. Top 10 DJ hàng đầu thế giới Don Diablo biểu diễn tại Hò Dô 2023 - Ảnh: Hò Dô * Hò Dô năm nay có gì đặc biệt? - Những năm đầu tiên, chúng tôi muốn tạo sắc thái riêng nên rất quan tâm tới việc đó. Nhưng sau khi đã từng bước tạo thói quen thưởng thức thì việc lưu giữ bản sắc đã là một việc khó rồi. * Ở Hà Nội, Monsoon khá trồi sụt. Để Hò Dô thành một thương hiệu văn hóa bền vững, theo anh cần gì? - Trước hết phải được sự ủng hộ của những người làm chính sách, có trách nhiệm với văn hóa và bản sắc của TP, ý thức được văn hóa, cụ thể ở đây là âm nhạc, chính là cầu nối của Việt Nam ra thế giới. Tôi nghĩ TP.HCM đang làm tốt việc này thông qua sự ủng hộ mọi mặt dành cho Hò Dô từ các cấp chính quyền TP. * Cảm ơn nhạc sĩ Huy Tuấn. (nguồn: tuoitre.vn) Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|