top-banner-2

Thứ sáu, 08/08/2014, 14:21 GMT+7

Lương tăng thêm 15%, sao người nghèo lại khóc?

Thứ sáu, 08/08/2014, 14:21 GMT+7

Lương tối thiểu sẽ tăng từ 300.000 - 400.000 đồng vào năm 2015 tưởng như là tin vui nhưng thực chất có thể sẽ khiến hàng ngàn người lao động… khóc ròng vì thất nghiệp.

Lương tăng đe dọa người nghèo

Với 63% số thành viên bỏ phiếu tán thành, Hội đồng lương Quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng sẽ thực hiện từ năm 2015 ở mức 15%. Như vậy, lương bình quân sẽ tăng từ 300.000 – 400.000 đồng/tháng, tùy theo từng vùng.

Thoạt đầu, nghe tăng lương ai nấy đều khấp khởi mừng, đặc biệt khi mức tăng tới 15% là một con số không hề nhỏ, nhất là với người thu nhập thấp.

Thế nhưng, nỗi lo dường như cũng theo đó ập đến, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sản xuất doanh nghiệp chưa phục hồi, tăng lương có thể sẽ tăng thất nghiệp, và người lao động nghèo sẽ gánh chịu trước tiên.

cong-nhan

Lương tối thiểu tăng có thể khiến đời sống của người lao động thêm khó khăn

Theo khảo sát mới nhất do Tổng liên đoàn Lao động thực hiện với gần 1.900 lao động trực tiếp sản xuất trong các khu công nghiệp, tiền lương trung bình của công nhân hiện nay là 3,667 triệu đồng/người/tháng. Mức này cao hơn so với mức lương tối thiểu vừa được đề xuất là 3,1 triệu đồng/người/tháng.

Thực tế là phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều chi trả cho người lao động cao hơn mức lương quy định. Bởi ngoài lương, lao động còn được hưởng thêm các quyền lợi khác như thưởng, phụ cấp, tháng lương thứ 13, 14…

Tăng lương tối thiểu đồng nghĩa với việc mức trích lương để đóng bảo hiểm, phí công đoàn… sẽ tăng và khó khăn dồn lên vai doanh nghiệp. Trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hiện nay, nếu không tìm được giải pháp tối ưu, rất có thể doanh nghiệp phải lựa chọn cách sa thải với nhân công, tăng giờ làm để bù chi phí.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, trong hoạt động doanh nghiệp hiện nay việc tính lương cho các công nhân trực tiếp phải căn cứ vào đơn giá sản xuất. Nói cách khác là lương người lao động trực tiếp bị quy định bởi giá gia công. Bởi thế, khi áp đặt mức tăng lương tối thiểu thì về bản chất có thể bóp méo cơ cấu giá thành của doanh nghiệp, chứ không hẳn là trợ giúp người lao động.

"Mấy năm nay hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu là duy trì, không thua lỗ là may. Chúng tôi cố gắng giữ mức lương trung bình từ 3 - 5 triệu/tháng cho cán bộ công nhân viên đã rất chật vật. Nay nếu tăng lương tối thiểu, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rồi tiền phí nọ phí kia phải tăng theo, thì có lẽ đành phải cắt giảm lương, hoặc giảm người để bù chi phí", ông Lương Ngọc Lân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu Khí Đông Đô chia sẻ.

Tương tự lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất bia, nước giải khát ở Thái Bình cũng tỏ ra lo lắng vì hiện nay, ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp này còn đang phải đối mặt với việc phải gánh mức thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước uống có ga, nếu thêm chi phí tăng lương thì hoạt động doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn.

"Phương án cuối cùng là chúng tôi phải thu hẹp sản xuất, giảm bớt nhân công để duy trì hoạt động của công ty qua thời điểm khó khăn này", lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.

Lo 'khó chồng thêm khó'

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khi mức lương tối thiểu tăng lên 15% thì thực tế quỹ lương của doanh nghiệp chi trả cho người lao động tăng lên tới gần 20% vì ngoài mức tăng lương doanh nghiệp phải chi trả thêm mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn...

Bên cạnh đó doanh thu tính trên đầu người của người lao động tăng rất thấp, năng suất lao động xã hội chỉ tăng hàng năm khoảng 3%, nên đơn giá tiền công cũng tăng thêm với tốc độ nhanh. Ngoài ra, các chi phí nhà xưởng, điện nước, khấu hao máy móc thiết bị, bảo hành cũng tăng do ảnh hưởng kép của việc thay đổi mức lương tối thiểu…

“Chất lượng lao động cải thiện chậm, tăng lương làm đội chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh, môi trường thu hút đầu tư kém hấp dẫn theo… Cùng với đó là những cơ hội việc làm khác cho lao động giảm theo”, ông Lộc phân tích.

Nhiều DN có thể chọn phương án cắt giảm nhân công để bù chi phí tăng lương

Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng nhận định: Hiện nay sức cầu đang quá yếu ớt, với mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 300.000-400.000 đồng/tháng thì tác động đến lạm phát có thể sẽ không quá mạnh.

Ông Thành cho rằng, chỉ trừ khi kinh tế phục hồi, lương tăng mới kéo theo cầu tăng lên, chi trả trên thị trường mua bán hàng tiêu dùng, dịch vụ gia tăng, thì lúc đó người lao động phi chính thức mới được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp.

“Bây giờ có thể tác động của tăng lương tối thiểu sẽ ngược lại, thậm chí khả năng thất nghiệp của người lao động sẽ tăng hơn khi doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả lương và các khoản trích theo lương để nộp vào ngân sách nhà nước”, vị chuyên gia này nhận định.

Thực tế hiện nay, ở khu vực công, tình trạng chi thường xuyên cho bộ máy hành chính phình to chèn lấn cả ngân sách dành cho chi đầu tư đã được liên tục được cảnh báo. Ngay trong năm 2014, số chi thường xuyên dự toán lên đến 704.400 tỷ đồng xấp xỉ 90% tổng thu cân đối, phần còn lại chỉ còn tương đương 78.000 tỷ đồng, trong khi phải cần tới 163.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển.

"Có thể tác động của tăng lương sẽ ngược lại, thậm chí khả năng thất nghiệp của người lao động sẽ tăng hơn khi DN không đủ khả năng chi trả lương và các khoản trích theo lương để nộp vào NSNN." - TS. Võ Trí Thành   

Theo các chuyên gia, để duy trì bộ máy hành chính cồng kềnh, sẽ có nhiều công trình đầu tư phát triển bị hạn chế, kéo theo đó là cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp giảm xuống, cơ hội việc làm cho lao động vì vậy cũng giảm theo.

Một khía cạnh khác cũng được các chuyên gia lưu ý, đó là gánh nặng từ tăng giá các mặt hàng thiết yếu khi lương tăng sẽ lại đè lên vai người thu nhập thấp. Với mức tăng lương chỉ một vài trăm ngàn, nhưng nếu tình trạng 'tát nước theo... lương" tiếp tục xảy ra, giá cả sinh hoạt tăng phi mã, nhiều gia đình có thể sẽ lại phải bóp hầu bao, bớt đi từng miếng thịt, mớ rau trong bữa cơm vốn đã đạm bạc của mình.

Rõ ràng có thể thấy, nếu việc tăng lương tối thiểu hoàn toàn mang tính mệnh lệnh hành chính, không nhìn vào diễn biến thực tế thì có thể, việc tăng lương chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận công chức, còn đa số người lao động, nhất là những lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp sẽ gánh hậu quả rất nặng nề.

Thực tế này đặt ra, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có tính toán cụ thể hơn trong quyết sách tăng lương, đặc biệt là việc lựa chọn thời điểm tăng cần phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhất là các lao động phi chính thức, lao động nghèo.

Theo Báo Mới


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lương tăng thêm 15%, sao người nghèo lại khóc?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc