Hội nghị TƯ 4: Đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh |
Thứ sáu, 08/10/2021, 09:01 GMT+7 |
Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Tại hội nghị lần này, Trung ương thảo luận 2 nội dung quan trọng là phát triển kinh tế- xã hội mà cụ thể là công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII bế mạc sáng 7/10. Tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất kể từ năm 2000 Phân tích, đánh giá tình hình thực tiễn, Trung ương nhận định: Do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 gây ra, kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%). Kinh tế - xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn và có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Trung ương cũng đã tập trung phân tích những ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 và bàn về những chủ trương, chính sách tổng thể, căn cơ, bài bản hơn để quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, định hướng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trung ương thẳng thắn nhận định: Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất; còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. "Thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh Dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn, Trung ương cho rằng, cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh. Vì vậy, Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: Từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể. Trung ương nhấn mạnh việc kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Tập trung cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, như: Thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch,... để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp này từ năm 2022 trở đi. Có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tập trung ưu tiên thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội Chăm lo sức khoẻ, đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh - phúc lợi xã hội, phát triển văn hoá, giáo dục; chỉ đạo, hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học bình thường của học sinh, sinh viên... Đó là những vấn đề được Trung ương quan tâm tại Hội nghị lần này. Trước tình hình thực tế, một mặt Trung ương đồng tình với chủ trương lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương mà Nghị quyết Trung ương 7 khoá XII đã nêu, mặt khác yêu cầu tiếp tục rà soát, tính toán kỹ lưỡng, chuẩn xác hoá lại các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu vừa tiếp tục phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Trung ương cho rằng, cần tập trung ưu tiên thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời xử lý những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu của nền kinh tế, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công; cải cách doanh nghiệp nhà nước và xử lý vấn đề các dự án thua lỗ lớn, chậm tiến độ kéo dài; các ngân hàng thương mại mua bắt buộc 0 đồng... Tăng cường các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới; tăng cường sự thống nhất, đồng thuận của nhân dân cùng chia sẻ, khắc phục những khó khăn chung của đất nước. Theo PV - vov.vn - 08/10/2021 Link nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/hoi-nghi-tu-4-doi-moi-tu-duy-nhan-thuc-dung-dan-hon-ve-phong-chong-kiem-soat-dich-benh-896355.vov Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|