top-banner-2

Thứ sáu, 22/11/2019, 08:46 GMT+7

Lao động trực tiếp sẽ gặp 'khó' hơn khi tăng tuổi nghỉ hưu

Thứ sáu, 22/11/2019, 08:46 GMT+7

Tác động của tăng tuổi nghỉ hưu có thể không lớn với nhóm công chức, viên chức nhưng sẽ rất khó khăn với lao động trực tiếp...

bo-luat-lao-dong

Bộ luật Lao động đã được Quốc hội thông qua, chính thức khép lại những tranh luận về tuổi nghỉ hưu. Trao đổi với VnEconomy về câu chuyện này, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) khẳng định rằng, đây là chính sách lớn có tác động đến hàng chục triệu lao động Việt Nam và thực tế vấn đề còn khiến rất nhiều người lao động băn khoăn.

Lao động trực tiếp sẽ khó khăn hơn

Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 20/11, chính thức khép lại những những tranh luận về độ tuổi nghỉ hưu. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Điều này sẽ tác động ra sao đến hàng chục triệu người lao động thưa ông?

Phải khẳng định rằng, không chỉ tại Việt Nam mà ở hầu hết các nước khác trên thế giới thì khi tăng tuổi nghỉ hưu đều có tác động lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của người lao động.

Người lao động sẽ chịu thiệt thòi hơn khi tăng tuổi nghỉ hưu đó là quy luật chung không loại trừ. Tuy nhiên, việc tác động ra sao còn tùy thuộc vào từng đối tượng, chẳng hạn như với cán bộ, công chức, viên chức thì tác động sẽ khác có thể là không quá lớn, nhưng với công nhân lao động trực tiếp thì sẽ khó khăn hơn.

Bởi vì, trên thực tế, quy định tuổi nghỉ hưu như hiện nay là 55 tuổi đối với nữ và 60 với nam thì hầu hết người lao động trực tiếp đã không thực hiện đến độ tuổi như vậy để về hưu rồi, thường là họ nghỉ hưu sớm hơn.

Quy định tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động khó khăn nhất với lao động trực tiếp, nên nếu lấy ý kiến của họ thì chắc chắn là không đồng tình rồi.

Như ông có đề cập vì tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động đến quyền lợi trực tiếp của người lao động, vì lẽ đó mà để thực hiện được có lẽ sẽ không hề dễ dàng, thưa ông?

Đúng vậy. Trước đây, trong các văn bản góp ý xây dựng luật với ban soạn thảo, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có quan điểm về cơ bản là chúng tôi đồng tình với chủ trương xem xét nâng tuổi nghỉ hưu theo tinh thần Nghị quyết số 28. Tức là tăng tuổi hưu phải có tầm nhìn dài hạn, đánh giá tác động một cách tổng thể trong bối cảnh đã xem xét các vấn đề về thất nghiệp, việc làm để có lộ trình phù hợp.

Chúng tôi thấy lộ trình như hiện nay trong bộ luật vừa được Quốc hội thông qua cũng tương đối chậm để giảm thiểu các tác động tiêu cực nhất. Như vậy, đối với lao động nam là sau 8 năm thì tuổi nghỉ hưu mới tăng lên 62 (năm 2028) và nữ là 15 năm để tăng lên 60 (năm 2035). Đây là lộ trình cần thiết để giảm sự tác động gây sốc trong thực hiện chính sách.

Nhưng như tôi đã nói ở trên, với người lao động là công chức viên chức nhìn chung sẽ không có tác động lớn. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam băn khoăn nhất hiện nay chính là đối tượng lao động trực tiếp, lao động sản xuất và một số ngành nghề không nằm trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, bị suy giảm khả năng lao động, hoặc không phải lao động ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tôi lấy ví dụ như công nhân dệt may, da giày, thủy sản dù không thuộc đối tượng nặng nhọc, độc hại nhưng họ là người trực tiếp sản xuất thì cũng rất khó duy trì sức khỏe đến độ tuổi theo quy định của luật để hưởng chế độ hưu trí.

Có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp

Vậy với nhóm lao động này sẽ phải có chính sách ra sao để đảm bảo quyền lợi, thưa ông?

Đó chính là băn khoăn lớn nhất, bây giờ chỉ có phương án là chuyển đổi nghề thôi. Bởi vì, với trường hợp này rất nhiều người lao động trong các doanh nghiệp dệt may, thủy sản khi 40 tuổi trở lên họ đã không làm sản xuất trực tiếp được rồi thì phải tìm cách chuyển đổi nghề.

Nhưng chuyển đổi nghề cũng sẽ còn rất nhiều khó khăn đòi hỏi chúng ta phải có chính sách đào tạo cho họ, cụ thể là ngành nghề gì. Có thực tế khi người lao động trực tiếp đến tuổi 40 thì nhiều doanh nghiệp đã không muốn sử dụng rồi, thậm chí có thể tìm cách thải loại.

Mà khi bị đẩy ra ngoài doanh nghiệp thì họ không biết làm gì cả, ví dụ như anh làm may mặc thì biết mỗi may, anh ở bộ phận là thì biết mỗi là, thế nên phải xác định đào tạo nghề gì phù hợp cho đối tượng này.

Với những băn khăn trên, việc chuyển đổi nghề nghiệp cho nhóm lao động này là cả một vấn đề không hề đơn giản. Đây là những điều rất đáng lo ngại đối với đội ngũ công nhân lao động trực tiếp.

Ông có suy nghĩ gì về đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế khi cho rằng, Bộ luật Lao động mới của chúng ta đã tiệm cận hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, tuy nhiên vẫn có thể tiếp tục được cải thiện, thưa ông?

Tính cả lần này chúng ta đã qua 5 lần sửa đổi Bộ luật Lao động. Nhìn chung, trong các quá trình sửa đổi, mỗi lần đều nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng tôi cho rằng, lần này là tiệm cận lớn nhất và tiếp cận sâu hơn.

Đó là tiêu chuẩn về tự do hiệp hội và đảm bảo quyền tự do thương lượng tập thể, bằng cách cho phép người lao động được gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để bảo vệ đại diện quyền lợi của họ. Tổ chức này nằm ngoài hệ thống công đoàn Việt Nam, đấy là điểm chúng tôi thấy tiệm cận với tiêu chuẩn lao động rất rõ.

Hai là tiếp cận các tiêu chuẩn về bình đẳng giới, liên quan đến quan điểm về bảo vệ lao động nữ, quyền lợi bình đẳng của nam và nữ.

Riêng về tuổi nghỉ hưu, chúng ta cũng đã thực hiện theo lộ trình giảm dần khoảng cách tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Như hiện nay là 5 năm, nhưng bộ luật mới giảm chỉ còn 2 năm nữa thôi.

Đặc biệt, trong cách tiếp cận bình đẳng giới, trước đây chúng ta bảo vệ lao động nữ bằng các quy định cấm hoặc hạn chế, thì nay sẽ bằng các biện pháp khác đảm bảo bình đẳng hơn, tránh phân biệt đối xử.

Bộ luật mới cũng đưa ra những khái niệm mới hoặc bổ sung thêm để giúp cho vấn đề thực thi được đảm bảo, do vậy những đánh giá của ILO là xác đáng.

Được biết, ngay sau khi quy định về tuổi nghỉ hưu được thông qua, rất nhiều người lao động đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng. Dưới góc độ cơ quan đại diện người lao động, ông có nhắn nhủ gì đến người lao động thưa ông?

Quả thực tăng tuổi nghỉ hưu là chính sách tác động rất lớn đến người lao động. Tổ chức công đoàn kể từ khi tham gia góp ý xây dựng luật chúng tôi cũng đã tiên liệu được vấn đề này.

Những băn khoăn của người lao động là điều hết sức bình thường, vì có thể do họ chưa hiểu rõ chính sách thôi, chứ thực ra đến năm 2028 chúng ta mới có người nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62 và đến năm 2035 mới có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Phải hiểu nâng tuổi nghỉ hưu nhưng không phải là nâng ngay, mà có lộ trình khá dài.

Về vấn đề này, trong thời gian tới, tổ chức công đoàn sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách, pháp luật cho người lao động để có hiểu biết và tuân thủ tốt hơn. Chúng tôi cũng tăng cường việc giám sát thực hiện, trong đó có vấn đề tuổi nghỉ hưu.

Tôi nghĩ phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, phải nói rõ cho người lao động là khi Quốc hội đã ban hành luật như vậy rồi thì chúng ta phải thực thi, đảm bảo tốt hơn cho quan hệ lao động.

Không những bây giờ mà trước đây chúng tôi cũng đã có văn bản yêu cầu các cấp công đoàn nắm bắt diễn biến, tình hình công nhân lao động sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động mới.

Đặc biệt, chúng tôi chú trọng những chính sách tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động để từ đó có những chỉ đạo xử lý kịp thời, cũng như cùng với các cơ quan chức năng phối hợp xử lý tốt hơn.

Theo Thu Hằng/Cafebiz.vn - 22/11/2019

Link nguồn: http://vneconomy.vn/lao-dong-truc-tiep-se-gap-kho-hon-khi-tang-tuoi-nghi-huu-20191121145458042.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Lao động trực tiếp sẽ gặp 'khó' hơn khi tăng tuổi nghỉ hưu

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc