LÚN Ở TP HCM ĐẾN MỨC BÁO ĐỘNG: 'Mất cảnh giác', hậu quả sẽ khủng khiếp |
Thứ tư, 14/08/2019, 13:42 GMT+7 | |
Để ngăn chặn "cơn thịnh nộ" từ lòng đất, cần bồi dưỡng nguồn nước ngầm cũng như quy hoạch đô thị phải tính toán nền đất từng vùng. Trước tình trạng TP HCM lún đến mức báo động, nhiều chuyên gia cho rằng nếu chậm trễ ngăn chặn thì chỉ cần 10-20 năm nữa sẽ thấy hậu quả khủng khiếp. Quận 7, TP HCM vừa chịu cảnh lún vừa bị tác động xấu bởi triều cường và biến đổi khí hậu nên ngập diện rộng. Ảnh: LÊ PHONG Lộ dần "tử huyệt" TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam, nói: "Hậu quả của việc sụt lún quá rõ ràng mà dễ thấy nhất là lún sẽ kéo theo ngập, dẫn đến chất lượng cuộc sống giảm nghiêm trọng". Theo ông, một trong những nguyên nhân gây lún là các dòng sông, kênh rạch bị lấp, lấn chiếm làm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước. Bên cạnh đó, quy hoạch các khu đô thị ở phía Nam TP không còn nơi thoát nước, trữ nước. Đặc biệt, tại vùng bán ngập triều Cần Giờ, quận 7, Nhà Bè… là "túi nước" của TP. Hơn nữa, mật độ xây dựng quá nhiều, làm gia tăng khối lượng đè nén lên mặt đất, khiến độ rỗng trong địa chất bị ép sâu, gây lún. "Nghiêm trọng nhất là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đang có kế hoạch "bê-tông hóa" khi triển khai các dự án. Nếu không bảo tồn, giữ vững vùng đất có hệ sinh thái đặc biệt này thì hậu quả sẽ gây ra rất rõ, chính thế hệ chúng ta sẽ nhìn thấy" - ông Long cảnh báo. TS Vũ Ngọc Long cũng đặt nghi vấn với các báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thực hiện một dự án xây dựng. Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam cho rằng những năm gần đây, tính trung thực của các báo cáo này không bảo đảm. Nguyên nhân là quy trình thủ tục "ngược" với các nước. Chủ đầu tư khi làm dự án bỏ tiền ra thuê một đơn vị tư vấn làm đánh giá tác động môi trường. Muốn có tiền, đơn vị này phải nghe theo hướng có lợi cho người thuê. Vì vậy, sẽ dễ dàng bỏ qua những yếu tố bất lợi cho môi trường. Có thể nhìn rõ từ những dự án khu đô thị được cho là đắc địa thường có báo cáo tác động môi trường rất "đẹp" nhưng qua thời gian hình thành dân cư phải đối mặt với ngập nước, kẹt xe. Đồng tình, kỹ sư Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Thư ký Hội Nước và Môi trường TP, cho rằng ngoài nguyên nhân công trình cao tầng mọc lên "như nấm" với tải trọng lớn đè lên đất gây sụt lún thì khai thác nước ngầm quá mức cũng thúc đẩy quá trình lún diễn ra nhanh hơn. Đây là vấn đề mà các nhà quản lý đô thị cần lưu tâm để tính toán, quy hoạch cho phù hợp với địa chất từng vùng. Những việc phải làm ngay Theo TS Vũ Ngọc Long, muốn bảo đảm được đô thị phát triển bền vững và tương lai không phải tốn rất nhiều tiền chống lún thì phải quy hoạch lại một cách toàn diện. Khu vực nào cần giữ vững hệ sinh thái thì phải giữ lại, nơi nào cho phát triển nhà cao tầng, khu dân cư thì chỉ cho phép nơi đó xây dựng. Một yếu tố có thể kiểm soát trong tầm tay là hạn chế tối đa khai thác nước ngầm ở các tầng địa chất, khuyến khích người dân sử dụng nước máy một cách tiết kiệm và giữ vững hệ sinh thái kênh, rạch, sông. Trong khi đó, kỹ sư Vũ Hải nêu quan điểm phải phổ cập nguồn nước ngầm bằng nước mưa, nước sông để không hao hụt nước ngầm. Bên cạnh đó, chính quyền cần quản lý hiệu quả tình trạng khai thác nước ngầm, khu vực nào cho khai thác nhiều quá thì phải tính toán, hạn chế lại hoặc ngưng. Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng trọng điểm là kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng nước, nhất là khai thác nước dưới đất; thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước; thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phòng chống sạt lở bờ sông, nhất là việc khai thác cát, sỏi trên sông... Cùng với đó là xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất toàn vùng để theo dõi, phát hiện các công trình khai thác nước dưới đất bị suy giảm mực nước quá mức và kịp thời xử lý. Theo ông Hoàng Văn Bẩy, nên điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, trước hết tập trung khoanh định các khu vực cần hạn chế do khai thác quá mức. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất. Lập bản đồ phân vùng lún cho toàn vùng (chi tiết đến cấp xã) trên cơ sở sử dụng công nghệ ảnh viễn thám qua các thời kỳ và tích hợp cùng với bản đồ ngập mặn do tác động của nước biển dâng toàn vùng làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp thích nghi, ứng phó với nguy cơ ngập mặn do tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất. "Cần xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao. Nghiên cứu xác định quy luật biến đổi lòng sông và các quy luật tác động đến sự ổn định của lòng - bờ - bãi sông; quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở bờ sông, bờ biển; khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi trên sông để phòng chống sạt lở bờ sông. Áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời bổ sung cho nước dưới đất" - ông Bẩy kiến nghị.
Theo Người Lao Động/Khampha.vn - 14/8/2019 Link nguồn: http://khampha.vn/tin-nhanh/lun-o-tp-hcm-den-muc-bao-dong-mat-canh-giac-hau-qua-se-khung-khiep-c4a730503.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|