Phạm Đình Nguyên và thương hiệu cà phê Việt 'làm nước Mỹ tỉnh giấc' |
Viết bởi Kim Cúc |
Thứ hai, 30/03/2015, 16:39 GMT+7 |
Phạm Đình Nguyên từng khiến người Mỹ và cả thế giới ngỡ ngàng khi mua lại thị trấn Buford với cái giá xấp xỉ 1 triệu USD, và trở thành thị trưởng của thị trấn này. Sau đó anh còn xúc tiến thành lập Công ty cà phê PhinDeli, đồng thời đổi tên thị trấn này thành PhinDeli với tham vọng quảng bá, kinh doanh loại cà phê pha phin đặc trưng của Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng Mỹ. Phạm Đình Nguyên được sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước thống nhất, ông chủ PhinDeli sinh năm 1975 là một trong những người trẻ thành công, có hoài bão, dám ước mơ và kiên trì thực hiện đến cùng. Tự nhận là người khởi nghiệp chậm hơn so với những người khác. Sau khi đã đi làm hơn 12 năm, Phạm Đình Nguyên mới bắt đầu thành lập công ty IDS, sau đó là PhinDeli. Với anh, khởi nghiệp là hành trình rất dài, đòi hỏi ở người khởi nghiệp sự bền bỉ và một cam kết lâu dài. Có nhiều lúc cảm thấy ngã lòng, anh tự trách mình rằng thiếu gì con đường không đi, tại sao lại chọn con đường khó đến vậy? Nhưng rồi những giây phút đó trôi qua nhanh vì anh luôn quan niệm rằng: "Thất bại là chuyện bình thường, là lẽ đương nhiên". Và thế là anh lại tiếp tục bước đi trên con đường của mình... Chào anh, sau gần 2 năm làm thị trưởng tại PhinDeli, anh tự nhận thấy mình đã được gì và mất gì? Tôi thấy rằng bản thân mình được nhiều và mất cũng nhiều. Được là được nhiều người biết đến. Được là được có những cơ hội thử thách “không gì không thể”.Và mất thì mất cũng nhiều. Vì thử thách quá lớn nên tôi phải chịu nhiều sức ép và mất nhiều thời gian và công sức. Anh có thể cho biết chiến lược của PhinDeli tại thị trường Việt Nam trong những năm tới là như thế nào? Là người "đến sau”, PhinDeli có gì khác biệt để có thể để cạnh tranh với các đối thủ khác? Tại thị trường Việt Nam, là người đến sau; chúng tôi gặp nhiều thách thức hơn từ sự khác biệt về sản phẩm cho đến hệ thống phân phối. Đối với PhinDeli, đối thủ chính là các loại cà phê “bẩn”. Nó không thể gọi là cà phê đơn giản vì nó không chứa cà phê. Quan trọng hơn là nó rất nguy hiểm cho sức khỏe. Hãy tưởng tượng, mỗi ngày ai đó cứ uống 1-2 ly cà phê "bẩn" như thế này. Để đáp ứng cho nhu cầu thưởng thức cà phê đúng nghĩa, an toàn cho sức khỏe và tiện lợi; chúng tôi hiện đang triển khai hệ thống nhượng quyền cà phê take-away tại các căng tin trường đại học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp… Ý tưởng nhượng quyền này được các chủ căng-tin hoan nghênh vì chất lượng ly cà phê đúng nghĩa, đáp ứng cho nhu cầu mang đi và quan trọng hơn là có giá rất phải chăng, hợp túi tiền. Còn với thị trường bên Mỹ thì sao, PhinDeli sẽ gặp nhiều khó khăn khi người tiêu dùng có khẩu vị và thói quen uống cà phê khác hẳn Việt Nam? Anh tự tin vào thành công của PhinDeli tại Mỹ chứ? Đối với thị trường Mỹ, chúng tôi tiếp tục duy trì hình ảnh thị trấn cà phê Việt PhinDeli, đồng thời giới thiệu những sản phẩm mới đáp ứng cho nhu cầu tiện dụng. Chúng tôi hiện đang hoàn tất hồ sơ đăng ký cho Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ để chính thức giới thiệu cà phê hòa tan mới PhinDeli. Ngay từ đầu tôi đã xác định, chơi ở thị trường Mỹ là phải lâu dài. Không thể ngày một ngày hai được. Tưởng thưởng rất là lớn vì đây là thị trường tiêu thụ cực lớn và cũng rất mở, sẵn sàng đón nhận cái mới. Tuy nhiên, đầu tư vào đó thì cũng không ít. Như đã nói, chúng tôi từng bước giới thiệu vào thị trường Mỹ những sản phẩm mới cũng nhưng phong cách thưởng thức cà phê Việt mới, tiện lợi hơn – như cà phê hòa tan, cà phê pha máy. Giữa cà phê rang xay và cà phê hòa tan, đâu sẽ là sản phẩm chủ đạo của PhinDeli? Bản thân chữ Phin trong PhinDeli hướng người tiêu dùng nghĩ đến cà phê phin, anh có cho rằng đây là trở ngại cho việc phát triển mảng cà phê hòa tan của công ty? Cà phê rang xay giúp chúng tôi xây dựng hình ảnh cà phê Việt với cách pha phin truyền thống. Do đó chúng tôi mới đặt tên là Phin. Cà phê hòa tan sẽ chiếm một tỉ trọng lớn doanh số do nó đáp ứng được nhu cầu tiện dụng của khách hàng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ. Việc phát triển 2 sản phẩm cà phê hòa tan mới (2in1 và 3in1) cũng trung thành với hình ảnh cà phê Phin ban đầu. Nghĩa là, chúng tôi ứng dụng một công nghệ Trích li từ Phin nên hương vị có thể nói là rất gần và giống với cà phê phin. Hiện tại, phần cốt lõi của PhinDeli là mảng cà phê hòa tan mà chúng tôi vừa tung ra. Nhờ có sự hỗ trợ phát triển thị trường của tập đoàn phân phối DKSH nên chúng tôi đã phủ nhanh hơn, rộng hơn so với thời kỳ đầu tự mình phải lo phân phối. Ngoài ra, mảng nhượng quyền cà phê take-away cũng sẽ chiếm một tỉ trọng doanh số đáng kể vì chúng tôi được xem là tiên phong trong phân khúc này. Trước đây, anh từng tiết lộ ý định sẽ thiết lập một chuỗi quán cà phê mang thương hiệu PhinDeli, hiện tại anh vẫn theo đuổi kế hoạch này chứ? Đúng là trước đây chúng tôi có xem xét phát triển một chuỗi quán cà phê. Cho đến nay, chưa tìm thấy một ý tưởng nào mang tính đột phá. Tôi muốn làm cái gì cũng phải độc đáo khác biệt. Còn làm để cho có thì... thôi. Vậy còn việc hợp tác với Kinh Đô thì sao? Kinh Đô cũng là một đối tác mà chúng tôi mong muốn hợp tác vì Kinh Đô có thể bổ trợ cho chúng tôi những mặt PhinDeli chưa mạnh như hệ thống phân phối, hệ thống quản lý…Tuy nhiên, việc hợp tác với Kinh Đô được công bố tại đại hội cổ đông thường niên năm 2014 đã không diễn ra như mong đợi. Có một số lý do cả chủ quan và khách quan khiến hợp tác đã không xảy ra. Nói vậy thì PhinDeli vẫn muốn kết hợp với một đối tác có đủ tiềm lực để có thế "đi xa" hơn? Đã có cái tên nào sẽ thay thế Kinh Đô chưa? Đúng như vậy. Chủ trương hợp tác với các đối tác tiềm lực mạnh bổ trợ qua lại là định hướng lâu dài của PhinDeli. Bạn không thể làm tất cả một cách hiệu quả và cùng một lúc được. Hiện giờ chúng tôi cũng có một vài đối tác cũng đang tìm hiểu, nên tôi chưa thể tiết lộ bây giờ được. Tôi luôn tâm niệm rằng, muốn đi nhanh thì đi một mình. Còn muốn đi xa thì phải đi với bạn. Với PhinDeli cũng vậy. Chúng tôi đã đi một đoạn đường mặc dù chưa đến đâu nhưng cũng đã xác lập được một vị trí đáng kể trong tâm trí người tiêu dùng về một thương hiệu cà phê Việt “làm nước Mỹ tỉnh giấc”. Và tôi nghĩ rằng, PhinDeli vẫn cần có thêm một bạn đường, để có thể chia sẻ tầm nhìn, bổ trợ cho mình những điểm mình còn yếu. Giả sử không tìm được đối tác phù hợp, anh có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tự tay phát triển PhinDeli hay không? Như tôi đã nói, tôi muốn PhinDeli đi nhanh và đi xa hơn nữa. Tìm kiếm đối tác luôn được chúng tôi quan tâm. Tuy nhiên, chúng tôi không thể ngồi đợi có người đến rồi mới làm. Không có thì tôi vẫn làm. Và sẽ phải làm cực hơn. Thế thôi! Là thị trưởng đồng thời cũng là công dân duy nhất của thị trấn PhinDeli, anh có bao giờ cảm thấy cô đơn không? Có, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy rất cô đơn. Con đường phía trước nhiều chông gai. Đôi khi cảm thấy mình đi chậm quá. Không biết bao giờ mới đến... Nếu chỉ dùng 2 từ để nhận xét về bản thân, anh sẽ dùng 2 từ nào? Kiên định. Tôi không bao giờ bỏ cuộc nếu như mình chưa làm hết sức! Phạm Đình Nguyên nổi tiếng với tuyên ngôn “Không gì là không thể”, vì thế tham vọng của anh chắc chắn là không hề nhỏ? Tham vọng thì ai cũng có. Tôi thích đeo đuổi điều “không gì không thể”. Có thể tôi sẽ thất bại, nhưng tôi sẽ thích thất bại hơn là thành công khi làm những điều đơn giản, mà ai cũng làm được. Sống hết mình, sống đàng hoàng thì một lúc nào đó cuộc sống sẽ trả lại mình, đó là niềm tin cho tôi sức mạnh bên trong, đó cũng là giá trị cốt lõi. Mỗi ngày đối với tôi là một thách thức. Tôi luôn tự vấn mình đâu là giới hạn, nhưng tôi lại không muốn thấy giới hạn. Nếu một ngày nào đó bạn bằng lòng với giới hạn đó, thì ngày đó có thể là ngày cuối cùng... Xin cảm ơn anh. Thái Nam - Tổng hợp
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|