top-banner-2

Thứ ba, 01/07/2014, 10:40 GMT+7

Dự án lập đặc khu kinh tế Formosa: Thế giới chưa từng có

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ ba, 01/07/2014, 10:40 GMT+7

Việc bố trí các liên hợp luyện kim không hợp lý. Riêng khu vực Thạch Khê - Hà Tĩnh có tới 4 dự án liên hợp luyện kim công suất từ 2 - 15 triệu tấn/năm. Đây là một điều không tưởng vì địa phương không thể đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng cơ sở cho cả 4 dự án lớn này. Trên thế giới chưa có nơi nào có thể tập trung các nhà máy luyện kim với công suất lớn như vậy.

Với suất đầu tư quá nhỏ cho 1 tấn công suất đã gây nghi ngờ về tính hiện thực của dự án Formosa. Sau một thời gian, Công ty Jinnan rút khỏi dự án và thay vào đó là E.United (Đài Loan) với 90% vốn và đưa tổng mức đầu tư cho liên hợp lên trên 3 tỷ USD. Như vậy, Tycoon rõ ràng là một "anh” môi giới đầu tư vì ở Đài Loan, Tycoon cũng chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, hoàn toàn không đủ năng lực tài chính và công nghệ để làm khu liên hợp thép.

Trong điều kiện thị trường nhỏ như Việt Nam, việc tỉnh nào cũng xây dựng nhà máy luyện kim chắc chắn sẽ phá vỡ mọi cân đối và gây lãng phí rất lớn tiềm lực quốc gia. Việc xuất khẩu thép luôn được các chủ đầu tư tính đến trong dự án nhưng không thể quá lạc quan vì thị trường thép thế giới đã có nhiều nhà xuất khẩu thép khổng lồ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đây là một hiện tượng rất lạ, liệu có phải Việt Nam đang muốn thí điểm làm mô hình mẫu của nhân loại hay không.

Vì lợi ích gì?

GS Nguyễn Đình Lương - nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ gọi, đề xuất xin thiết lập đặc khu kinh tế nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện... của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) là đề xuất lạ.

Vị giáo sư này lý giải sở dĩ ông gọi như vậy vì cả thế giới cũng chưa có nước nào làm như vậy.

GS Nguyễn Đình Lương phân tích, phát triển ngành sắt, thép không phải là xu hướng của quốc tế. Trong khi thế giới đang tìm mọi cách để đẩy ra thì Việt Nam vẫn đang và luôn luôn làm một thùng rác để nước ngoài trút bỏ vào đó.

Đã biết rõ như vậy nhưng vẫn đồng ý cho đầu tư, xây dựng nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh thì không thể không đặt ra câu hỏi: Vì lợi ích gì?

Thứ hai, người ta nói tới vấn đề nhạy cảm chính trị. Vị trí nhà đầu tư xây dựng không chỉ có vị trí chiến lược, đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng mà ở đây người ta còn nói tới một chiến lược biến Việt Nam thành "cục sắt".

Tức là khi thế giới đẩy ra thì Việt Nam lại ra sức thu về, cụ thể như ngành thép ngay các nước phát triển trên thế giới từ lâu đã không làm và không muốn phát triển trong nước.

Trong khi đó, Việt Nam lại coi đây là chiến lược phát triển, với những kỳ vọng như xây dựng nhà máy gang, thép Formosa sẽ trở thành nhà máy thép với quy mô lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, giúp ổn định cơ bản thị trường thép, giảm thiểu nhập siêu thép của đất nước trong những năm qua.

Đây có phải là mục tiêu của Việt Nam không? Tôi cho rằng, đây không phải là xu hướng phát triển kinh tế hiện đại.

Cái tình trạng các tập đoàn thế giới đến đây chủ yếu ngồi cò cử với quan tỉnh, quan huyện, và quan trên... chỉ có ở Việt Nam.

Quan tỉnh quan huyện thì sao họ biết làm kinh tế, họ chỉ biết nhận phong bì nên mới có chuyện Hà Tĩnh cắt đất cho Formosa thuê tới 70 năm.

Không thể tin được lại có một nước ngoài đòi hỏi thành khu kinh tế biệt lập của riêng họ. Tôi không biết, Việt Nam có phải đang muốn thí điểm làm mô hình mẫu của nhân loại hay không nhưng về mặt kinh tế tôi không cho rằng đây là một hướng phát triển hay.

formosa-xin-lap-dac-khu-kinh-te-the-gioi-chua-tung-co

Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh

Nhiều rủi ro

Cùng chung lo ngại, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nên thận trọng, cân nhắc và tuyệt đối không được đồng ý với những đề xuất phi lý như vậy.

Trên phương diện chính trị, bà cho rằng đề xuất này sẽ gây ra nhiều hệ lụy rủi ro, trước hết là về an ninh, quốc phòng.

Vị chuyên gia này cho rằng bà đã từng nói về những dự án đầu tư của Trung Quốc, điển hình là những dự án nằm trấn giữ ở những vị trí trọng yếu của tuyến đường Bắc - Nam, điểm eo thắt nhỏ nhất của Việt Nam như vậy là hoàn toàn không nên.

Đặc biệt với một nhà đầu tư nước ngoài, hơn nữa đứng trước tình hình biển Đông căng thẳng như vậy.

Vị trí của khu kinh tế này rất quan trọng cả về phát trển kinh tế cũng như an ninh chính trị, có rất nhiều cảng nước sâu nên không thể ưu ái cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại những vị trí này.

Bà Lan cũng nghi ngờ lập luận thành lập khu kinh tế Vũng Áng với lý do để phát triển kinh tế.

Trong khi vào Việt Nam các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận được quá nhiều ưu tiên, ưu đãi thì những lời hứa về tiềm năng kinh tế, về tăng trưởng phát triển chỉ là lời hứa trong tương lai mà không ai có thể đảm bảo được.

Bà cho biết, nếu muốn đánh giá về tiềm năng kinh tế khi thành lập Formosa Hà Tĩnh thì phải nhìn nhận lại những phản biện mạnh mẽ của chính các chuyên gia ngành thép.

Đầu tư vào ngành thép hiện nay chi phí rất cao, tốn kém nhiều đòi hỏi nhiều đầu tư thêm. Chỉ vì những nhà máy nhiệt điện đó mà phải hi sinh rất nhiều về cơ sở hạ tầng, liệu có đáng không?

Nếu tách riêng dự án đó mà không tính tới tất cả những chi phí khác nhà nước bỏ tiền túi thì hiệu quả kinh tế là bằng không.

Hơn nữa, lâu này đã có quá nhiều quy định vượt rào, đưa lao động ở ngoài vào, lại chủ yếu là lao động Trung Quốc, lợi nhuận nước ngoài hưởng, để lại những phế thải công nghệ, ô nhiễm môi trường cho Việt Nam. Không thể để tình trạng đó tiếp tục diễn ra.

Bà cũng cho biết,  chính dự án này cũng đã làm mất đi cơ hội phát triển của Hà Tĩnh nhất là với các dự án trên địa bàn. Như vậy về kinh tế địa phương đang chịu thiệt hại nặng nề chứ không phải được.

Bà Lan đề nghị hãy sáng suốt, không thể để dư luận có những hoài nghi vì sao lại đề xuất như vậy? Nhà đầu tư đề xuất vì động cơ gì?

Không thể chấp nhận

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, Formosa Hà Tĩnh đòi ưu đãi tăng thêm là không hợp lý và đòi bảo hộ thì càng không đúng, bởi Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài là để hội nhập toàn cầu tốt hơn. Hội nhập đó không thể bằng dạng bảo hộ được.

Bà Lan cho rằng, nguyên tắc đầu tiên là bất cứ quốc gia nào cũng không thể vì lợi ích kinh tế mà hi sinh những lợi ích về quốc phòng. Vị trí mà Formosa đang làm là vị trí rất nhạy cảm về quốc phòng, do đó không thể vì bất cứ lợi ích kinh tế nào để hi sinh lợi ích quốc phòng.

Nguyên tắc thứ hai, yêu cầu thành lập đặc khu kinh tế là do Chính phủ quyết định không phải theo yêu cầu của một nhà đầu tư riêng lẻ như Formosa.

Nguyên tắc thứ ba, khi tham gia đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài nên tuân thủ theo những nguyên tắc, ưu tiên, ưu đãi ban đầu, không thể có chuyện làm giữa chừng rồi lại leo thang đòi hỏi thêm, như vậy sẽ phá hết những nguyên tắc cũng như những hành lang pháp lý.

Chính phủ không nên đáp ứng yêu cầu này, bởi nếu như vậy sẽ tạo thành một tiền lệ cho những kiến nghị tương tự của những nhà đầu tư khác. Như vậy, vô hình chung Việt Nam sẽ có nhiều đặc khu.

Một nền kinh tế không thể có quá nhiều chuyên biệt trong từng lĩnh vực như vậy. Tôi thấy không có lý do gì để Việt Nam phải chấp nhận và cũng không có lý do gì để Formosa được đòi hỏi thêm.

Formosa lại còn đòi thêm đòi hỏi trong đặc khu thành lập ban quản lý, trực thuộc Văn phòng Chính phủ, như thế là nhà đầu tư đã không tôn trọng cơ chế, hành lang pháp lý của Việt Nam.

Bởi với đòi hỏi này, Việt Nam sẽ phải đi quản lý từng dự án, từng nhà đầu tư trên nước Việt Nam, hay nói cách khác chính quyền địa phương cũng như bộ máy khác của chính phủ sẽ không được quyền can thiệp vào bất cứ hoạt động nào của Formosa. Không thể chấp nhận được. Tất cả những đòi hỏi đó là quá đáng, vô lý.

Trước những đề xuất này, bà Lan cho rằng dư luận không khỏi nảy sinh nghi ngờ, phải chăng vụ gây rối vừa rồi ở Vũng Áng là có chủ đích được sắp đặt sẵn lấy cớ để nhà đầu tư đưa ra những đòi hỏi này?

 

Theo SGGP


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Dự án lập đặc khu kinh tế Formosa: Thế giới chưa từng có

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc