top-banner-2

Thứ sáu, 14/03/2014, 08:46 GMT+7

“Nữ tướng” Deloitte: “Tôi vẫn cho rằng mình may mắn”

Viết bởi lehang   
Thứ sáu, 14/03/2014, 08:46 GMT+7

Sau hơn 20 năm gắn bó với nghề kiểm toán, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) Hà Thu Thanh của Công ty Kiểm toán và Tư vấn Deloitte Việt Nam tự nhận mình thành công một phần nhờ cơ duyên với nghề và trong đó cũng có một phần may mắn.

Bà Hà Thu Thanh là người Việt Nam đầu tiên sang Mỹ để học về kiểm toán...

Không phải vấn đề thương trường, không phải những than phiền về chính sách và môi trường kinh doanh, cuộc trò chuyện với CEO của Deloitte Việt Nam bắt đầu bằng sự háo hức “mang đầy màu sắc nữ giới” về những món ăn vỉa hè, địa điểm mua sắm và chuyện nhân tình thế thái bình dị nhưng chứa đựng nhiều triết lý.

Thế nhưng, trước những câu hỏi về chuyện nghề nghiệp, từ khóe mắt, ánh nhìn đến âm sắc trong từng lời nói của bà không giấu được sự cứng rắn của một doanh nhân từng trải.

Tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán (nay là Học viện Tài chính Hà Nội), Hà Thu Thanh được phân công về thẳng Bộ Tài chính công tác. Lúc đó, cuộc sống của bà bộn bề khó khăn khi ông xã (là người của quân đội gửi đi học và là bạn học thân thiết cùng lớp đại học) chính thức quay trở lại quân ngũ và được điều về công tác ở miền núi phía Bắc, và phải nuôi con một mình. Thay vì được phân công làm chuyên ngành kế toán tài chính đã học ở trường, Thanh đã phải nhận cả công việc hành chính văn thư trong gần hai năm.

Hẳn có người nhìn nhận đó là sự không may, nhưng với bà, thời gian làm hành chính tại Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán hồi đó đặc biệt quý báu, bởi được nghiên cứu và học những thứ không có trong giáo trình đại học: văn phong và tư duy của người làm chế độ chính sách.

Trở lại với đúng chuyên ngành kế toán sau hai năm nuôi con nhỏ, cũng là lúc chiến dịch cải cách kế toán toàn quốc diễn ra mạnh mẽ vào cuối những năm 80 thế kỷ 20, bà có cơ hội thực sự để làm việc và phát triển nghề. Trực tiếp tham gia vào lĩnh vực chế độ kế toán ngành nông nghiệp, Hà Thu Thanh trải bước đi thực tế tới những nông trường quốc doanh, các hợp tác xã nông nghiệp, từ miền Bắc qua miền Trung tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 1991, bà được Bộ Tài chính điều chuyển sang làm việc tại Công ty Kiểm toán Việt Nam, lần đầu tiên được thành lập tại Việt Nam. Đây là cột mốc đánh đấu sự ra của nghề kiểm toán độc lập ở Việt Nam, và Hà Thu Thanh cũng chính thức làm nghề từ ngày đó. Có lẽ đến hôm nay, bà là một trong số rất ít những người của “thuở đầu tiên” còn tiếp tục theo nghề, và có thời gian làm Tổng giám đốc kiểm toán lâu nhất - 16 năm.

Đó cũng là người Việt Nam đầu tiên sang Mỹ để học về kiểm toán. “Các bạn trẻ thế hệ sau này có con đường để lựa chọn, mình thì “hên xui” nên bước chân vào nghề,  tiếp tục dấn bước cùng nghề và cùng công ty đi qua những gian khó thử thách, cũng ghi được những dấu ấn nho nhỏ của sự thành công”, bà nói một cách khiêm tốn.

Thách thức của nghề kiểm toán luôn ở phía trước, không chỉ là ảnh hưởng của sự phát triển và đòi hỏi của nền kinh tế mỗi năm mỗi khác, yêu cầu của xã hội ngày càng gia tăng, mà còn là nền tảng hệ thống pháp lý cho nghề luôn cần phải hoàn thiện, vị trí và vai trò của nghề kiểm toán độc lập cũng cần được nhìn nhận đúng trong cộng đồng doanh nghiệp và các nhà quản lý. Thêm vào đó, chất xám là yếu tố mang lại giá trị chưa được sử dụng hết. Thậm chí, đâu đó còn bị lạm dụng, đó là thách thức muôn thuở và nghề nào cũng có.

“Thách thức luôn đi cùng với những gì mình đang làm. Với tôi, có lẽ thách thức cũng chính là nhân tố thúc đẩy sự nỗ lực và nuôi dưỡng niềm đam mê phát triển nghề. Thẳng thắn mà nói, tôi vẫn cho rằng mình là người may mắn”, bà Thanh nói.

Điểm đặc biệt của Deloitte Việt Nam, trong một công ty tư nhân có yếu tố nước ngoài rất lớn, là có Đảng bộ và Đoàn thanh niên hoạt động mạnh mẽ. Điều này, là không dễ dàng. Theo bà Thanh, “duy trì và phát triển Đảng bộ với hơn 70 đảng viên, hầu hết họ là các nhân viên trẻ tài năng, là các lãnh đạo cấp trung và cấp cao để mọi người có điều kiện gắn bó và chia sẻ với nhau theo một kênh có tính “cứng mà mềm”, để cùng cống hiến trong lý tưởng và niềm tin”.

Bà cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ trên con đường sự nghiệp: “Cái mình thích với cái mình được làm và cái mình có khả năng làm là ba thứ rất khác nhau. Cái mình thích làm thường không sẵn có, cái mình có khả năng làm thì không ai người ta biết, nên cái mình được làm thì nắm ngay lấy nó, biến từ cái mình được làm thành cái mình yêu thích và tăng thêm năng lực mình trong đó. Nên đi từ đó”.

31 năm công tác, 23 năm làm nghề kiểm toán, 16 năm ở vị trí lãnh đạo cấp cao (CEO) của một công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu Việt Nam, bây giờ là thời gian cống hiến cho cộng đồng, “nữ tướng” của Deloitte Việt Nam cho biết sẽ tập trung vào chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên thuộc Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội (HNEW), và các doanh nhân xã hội trẻ thuộc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) mà bà là chủ tịch.

Thành lập ngày 13/5/1991, Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam (tiền thân là Công ty Kiểm toán Việt Nam - VACO) là một trong những công ty kiểm toán lớn nhất tại Việt Nam. Deloitte Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển đổi sở hữu và trở thành thành viên đầy đủ của Deloitte toàn cầu và gia nhập Deloitte Đông Nam Á kể từ tháng 5/2007.

Là thành viên của hãng Deloitte Touche Tohmatsu, Deloitte Việt Nam cung cấp các dịch vụ chuyên ngành bao gồm kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn và giải pháp doanh nghiệp, đào tạo và quản lý nguồn nhân lực cho nhiều loại hình khách hàng từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Nhà nước đến các dự án quốc tế tài trợ tại Việt Nam.

Theo VnEconomy

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

“Nữ tướng” Deloitte: “Tôi vẫn cho rằng mình may mắn”

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc