Tỉ phú Trần Đình Long: Tạm ‘buông’ dự án bô xít ở Đắk Nông, đang bàn giao tập đoàn vì tuổi cao |
Viết bởi ducanh |
Thứ sáu, 12/04/2024, 11:58 GMT+7 |
Tỉ phú Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - cho biết cần tập trung 'cao độ' cho dự án thép, cả nguồn tiền lẫn sức lực. Do vậy, rất khó để mở rộng sản xuất cả bô xít trong vài năm tới. Tỉ phú Trần Đình Long trả lời nhiều câu hỏi rất thẳng thắn từ cổ đông - Ảnh: HPG Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Hòa Phát (HPG) diễn ra sáng nay 11-4 tại Hà Nội. Ông Trần Đình Long: Đã và đang bàn giao vì tuổi rất cao Mở đầu đại hội, ông Trần Đình Long - chủ tịch hội đồng quản trị HPG - cho biết doanh nghiệp có gần 170.000 cổ đông, đông nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Có lượng cổ đông lớn, ông Long cũng thẳng thắn nêu quan điểm về việc cân bằng giữa việc dùng lợi nhuận để tái đầu tư và chia cổ tức. "Tôi không tiện kể ra, nhưng nhiều công ty làm ăn lãi nhưng không chia cho cổ đông rất nhiều năm. Chúng tôi chủ trương là cân đối hài hòa", ông Long nói. Ông Long cho biết mấy năm vừa qua HPG đầu tư nhiều "kinh khủng", dù vậy đường lối vẫn sẽ là "phần đầu tư, phần chia cổ tức tiền mặt". "Tôi cũng là cổ đông lớn nhất, tôi cũng góp tiền đi làm…", ông Long nói. Khi một cổ đông hỏi về cổ phiếu HPG đang định giá thấp, ông Long khẳng định không ai có thể làm giá cổ phiếu Hòa Phát. "Ai hỏi tôi cũng không dám khuyên mua bán vì nói xong cổ phiếu xuống giá, người ta chửi cho", ông Long nói Một cổ đông khác đứng lên cho biết dù "nhạy cảm" nhưng vẫn muốn hỏi ông Long về thời điểm bàn giao quyền lực tại Hòa Phát vì ông đã "khá nhiều tuổi". Trả lời cổ đông, ông Long nói: "Có gì nhạy cảm đâu, tôi đã và đang bàn giao. Giờ tôi đánh golf 3 buổi tuần, cần phải đảm bảo sức khỏe. Tuổi tôi rất cao, chứ không phải cao". Về kế hoạch kinh doanh đặt ra năm nay, lãnh đạo HPG trình cổ đông mục tiêu doanh thu 140.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỉ đồng, lần lượt tăng 18% và 47% so với kết quả năm 2023. Cập nhật kết quả kinh doanh hết quý 1-2024, ông Long thông tin Hòa Phát đạt doanh thu 31.000 tỉ đồng và hơn 2.800 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong 3 tháng đầu năm. Lãi Hòa Phát vẫn lớn trong bối cảnh tập đoàn phải trích lập tỉ giá khá cao. "Thực sự ảnh hưởng tỉ giá đối với Hòa Phát rất lớn. Giám đốc tài chính vừa báo cáo vừa rồi trích lập 200 tỉ đồng dự phòng tỉ giá tăng. Nhưng hiện tượng này khách quan, doanh nghiệp chấp nhận và sống chung thôi", ông Long nói. "Nhường" doanh nghiệp khác làm dự án bô xít Lượng cổ đông lớn nhất sàn, do vậy phần thảo luận đại hội của HPG cũng kéo dài hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác. Ngoài các nội dung đưa ra trong tờ trình, một cổ đông đặt câu hỏi việc năm ngoái tập đoàn từng có đề xuất nghiên cứu dự án bô xít ở Đắk Nông. Về "số phận" dự án này, ông Long trả lời cổ đông đã có quyết định nhưng "không biết nên vui hay buồn". "Tôi và anh Dương đã khảo sát dự án nhôm bô xít trữ lượng rất lớn. Chúng tôi mới chỉ nghiên cứu. Nhưng hiện nay tập đoàn phải dồn lực cho thép. Trong khi địa phương cũng cần sự phát triển, chứ không thể đợi doanh nghiệp", ông Long nói. Do vậy, ông Long nói dù Hòa Phát chưa tuyên bố bỏ nghiên cứu dự án này nhưng nếu có doanh nghiệp khác ngỏ lời, sẽ nhường cơ hội cho họ. Bởi trong khoảng 5-10 năm tới, Hòa Phát vẫn muốn dành toàn lực cho sản xuất thép trong bối cảnh thị trường này cạnh tranh vô cùng gay gắt, khó để mở rộng sản xuất cả bô xít. Đề cập đến tiến độ dự án Dung Quất 2 - dự án "ngốn" nguồn lực rất lớn của Hòa Phát hiện nay, ông Long cho biết dự kiến tháng 9-2026 sẽ hoàn tất. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án Dung Quất 2 đã đạt 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch đã đề ra. Khi dự án hoàn thành, năng lực sản xuất thép doanh nghiệp sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm, đưa Hòa Phát vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025. Một nội dung cũng được cổ đông quan tâm tại đại hội, đó là vụ Hòa Phát và Formosa gửi đơn yêu cầu khởi xướng điều tra thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ. Ông Long cho biết đây là điều rất thông thường, cần có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước. Theo chủ tịch doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam, không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa. "30 năm trước chúng ta chưa có tên trên bản đồ thép thế giới, nhưng hiện tại đã lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, cần có nhìn nhận ủng hộ thép trong nước", ông Long nói. (nguồn: tuoitre.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|