top-banner-2

Thứ hai, 20/01/2020, 13:51 GMT+7

Thủ tướng: Không để một công nhân nào bị thiếu lương dịp Tết

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ hai, 20/01/2020, 13:51 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp không được để một công nhân nào bị thiếu lương trong dịp Tết.

Sáng 20/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị Tết Nguyên dán Canh Tý 2020 cho nhân dân.

Cuộc họp nhằm đánh giá, rà soát, kiểm tra lại tình hình và công tác chuẩn bị phục vụ Tết cho người dân của các bộ, ngành, địa phương.

thu-tuong-luong-cong-nhan

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, Bộ đã thực hiện các giải pháp chuẩn bị tốt nguồn hàng, triển khai chương trình bình ổn thị trường. Theo báo cáo của các địa phương, lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp tăng khoảng 20-25% so với các tháng thông thường trong năm. 

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Công thương cho biết, tại cuộc họp từ cuối tháng 12/2019, các doanh nghiệp chăn nuôi và phân phối đã cam kết giảm giá bán thịt lợn ra thị trường và thực tế giá đã giảm, đang ổn định. Cụ thể, từ ngày 28/12/2019 đến nay, giá đã giảm từ 10.000 đồng - 20.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn thị trường.

Còn theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, người có công, hội nghèo và lao động của các địa phương được quan tâm với kinh phí lớn. Các địa phương dự kiến mức chi lớn như TPHCM trên 830 tỷ đồng, Hà Nội trên 395 tỷ đồng, Hải Phòng trên 207 tỷ đồng... Về thưởng Tết Canh Tý, hiện có 89,3% có báo cáo dự kiến thưởng Tết, mức trung bình là 1 tháng lương với 6,7 triệu đồng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã triển khai nhiều giải pháp ổn định thị trường và đáp ứng khả năng thanh toán trong dịp Tết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khất, hoãn chi tiền mặt cho khách hàng, ảnh hưởng đến lưu thông tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trương tuyên truyền để nhân dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tiết kiệm, hợp lý tại các di tích, đền, chùa, lễ hội trong dịp Tết; đảm bảo an toàn, thông suốt các giao dịch ATM và hệ thống thanh toán cuối năm. 

Bộ Công an vừa qua mở tháng cao điểm trấn áp tội phạm, bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu, trấn áp các tội phạm về vật liệu nổ, pháo nổ cả trước và sau Tết Nguyên Đán, triển khai các giải pháp về an toàn giao thông, trong đó có Nghị định 100. Đặc biệt là tội phạm tín dụng đen được đẩy mạnh trấn áp, xử lý.  

Còn theo Bộ Giao thông vận tải, hầu hết các địa phương dự báo Tết Nguyên đán này, lượng khách không biến động nhiều so với Tết năm 2019, lưu lượng hành khách dự báo tăng so với ngày thường khoảng 25-45%. Dự báo hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng 12% so với Tết năm trước và 22% so với ngày thường, ước đạt 12 triệu khách.  

Đối với sân bay Tân Sơn Nhất, do đặc tính của thị trường, lượng khách đi lại 1 chiều nên những hành khách từ phía Nam ra Bắc ăn Tết hiện nay đã gần kín chỗ, tuy nhiên hành khách từ phía Bắc vào Nam vẫn còn nhiều vé.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, có phương án cụ thể để chuẩn bị hàng hóa Tết phong phú hơn, dự trữ dồi dào hơn. Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đã có chỉ đạo cụ thể để giữ giá, nhất là giá thịt lợn không tăng mà thậm chí giảm; Ùn tắc giao thông giảm hơn. 

Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng yêu cầu: "Các cấp, các ngành không chỉ có bề nổi trong việc phục vụ Tết cho nhân dân mà phải đi vào bề sâu, nhất là vùng miền núi, nông thôn, vùng thiên tai. Đây là những góc khuất hay vấp phải. Không chỉ chuẩn bị hàng hóa ở các vùng đô thị, nông thôn, trách nhiệm nhà nước là phải quan tâm đến vùng sâu, vùng xa. Các bộ, các cơ quan, nhất là các doanh nghiệp phải đảm bảo tiền lương, thưởng. Trong trường hợp chưa giải quyết được thì tạm ứng, sau này có cơ chế xử lý tiếp theo".

Thủ tướng cũng chỉ đạo phải bảo đảm phương án sản xuất, không để người dân thiếu nước sạch ở đồng bằng sông Cửu Long. Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương bảo đảm đi lại thuận tiện, an toàn cho người dân, Thủ tướng chỉ đạo, không để ai phải ở lại bến xe, bến tàu khi Tết đến. Lực lượng biên phòng, quản lý thị trường các địa phương, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cần quyết liệt phòng, chống thương mại, buôn lậu. Ngân hàng Nhà nước đảm bảo thanh toán của hệ thống ngân hàng thuận lợi cho người dân. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo phải đảm bảo an ninh, an toàn để người dân đón Tết. An ninh trật tự cho người dân phải đảm bảo tốt nhất, nhất là khu vực nông thôn, chống trộm cắp, cướp giật, đặc biệt không để xảy ra các điểm nóng trong dịp Tết. Thực hiện Chỉ thị 40 và Chỉ thị 33, các bộ, UBND các địa phương trực tiếp kiểm tra, xử lý các phương án, tình huống thuộc địa bàn, lĩnh vực của mình. Ngay sau Tết phải bắt tay ngay vào làm việc. Tiếp tục kiểm soát tốt lễ hội sau Tết ở từng địa phương, đảm bảo an ninh, an toàn, chống bói toán phức tạp mà từng vấp phải qua các năm" - Thủ tướng chỉ đạo.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan, nhất là báo, đài, tạo không khí tinh thần vui tươi để người dân ăn Tết không chỉ đầy đủ vật chất mà cả tinh thần.

Theo Vũ Dũng/VOV - 20/1/2020

Link nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-khong-de-mot-cong-nhan-nao-bi-thieu-luong-dip-tet-1002281.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Thủ tướng: Không để một công nhân nào bị thiếu lương dịp Tết

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc