top-banner-2

Thứ tư, 18/04/2018, 08:15 GMT+7

Đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng: Xa rời thực tế, nguy hiểm

Viết bởi Nam Anh   
Thứ tư, 18/04/2018, 08:15 GMT+7

Với đề xuất của Bộ Tài chính tại dự án Luật Thuế tài sản, hầu hết dân thành thị, cả người thu nhập thấp, người về hưu... cũng phải nộp thuế tài sản.

Người thất nghiệp, dân nghèo thêm gánh nặng

Theo dự án Luật thuế tài sản, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tính thuế trên giá trị nhà ở: phương án một là từ 700 triệu đồng; phương án hai là trên 1 tỉ đồng. Nhưng Bộ này nghiêng về phương án đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng trở lên.

Lý giải cho đề xuất này, tại cuộc họp ngày 13/4 về dự án Luật Thuế tài sản, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết: “Hiện giá thành xây dựng một mét vuông nhà ở là 7,3 triệu đồng. Một căn nhà có diện tích 100 m2 sẽ có giá thành xây dựng là 730 triệu đồng và người mua nhà phải chịu thuế trên số tiền vượt 700 triệu đồng”.

danh-thue-nha-tu-700-trieu-vanhoadoanhnhan

Đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng: Xa rời thực tế, nguy hiểm (Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc Bộ Tài chính lấy mốc 700 triệu đồng để tính thuế tài sản đối với nhà ở là hết sức xa rời thực tế. Hiện hai đô thị lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội giá căn hộ rẻ nhất với thiết kế một phòng ngủ, diện tích khoảng 50 m2 đã có giá bán trên 700 triệu đồng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty luật Basico, việc thu thuế tài sản là hợp lý để điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Tuy nhiên, dự thảo của Bộ Tài chính vừa đưa ra, có quá nhiều điểm bất hợp lý, thậm chí đi ngược lại mục đích đề ra.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua thì “kiểu gì người dân cũng phải nộp thuế tài sản” và như thế “khá nguy hiểm”.

Vì thực tế, không phải tất cả người có nhà đều là người giàu. Có người đang sở hữu nhà nhưng đó là nhà họ sở hữu từ đời này sang đời khác. Rất nhiều người để có nhà ở họ phải đi vay, mượn; thậm chí phải vay đến 70% giá trị ngôi nhà. Tuy nhiên, theo dự thảo luật này, người thất nghiệp, người về hưu, dân nghèo hay người đi vay ngân hàng để mua nhà… đều phải nộp thuế nếu sở hữu nhà có giá trị trên 700 triệu đồng.

 “Cách thu thuế như vậy khiến những người thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn càng thêm gánh nặng”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Thực tế, thuế tài sản được nhiều nước áp dụng, nhưng việc so sánh Việt Nam với các nước khác cần xem xét nhiều khía cạnh như phúc lợi xã hội, thu nhập của người dân. Chẳng hạn ở Mỹ, thuế tài sản được áp mức khá cao nhưng đó là đánh thuế lên người giàu vì phần lớn người bình thường ở Mỹ là ở nhà thuê, phúc lợi ở Mỹ là khá tốt. Hay như ở nhiều nước, một người bình thường đi làm có thể mua nhà trả góp chỉ sau vài năm. Còn ở Việt Nam, thu nhập chân chính từ tiền lương, tiền công thì phải tích cóp mấy chục năm mới có thể mua được nhà.

“Cách đây vài năm, các cơ quan triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp mua nhà có giá trị dưới 1 tỷ đồng. Vậy tiêu chí nào ban soạn thảo đưa ra nhà trên 700 triệu đồng đóng thuế tài sản?”, luật sư Đức đặt câu hỏi.

Có dấu hiệu tận thu

Liên quan đến dự án Luật thuế tài sản do Bộ Tài chính đưa ra, hầu hết các chuyên gia cho rằng không phù hợp và có dấu hiệu mang tính tận thu. Bởi với cách tính như trên sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế.

Theo quy định hiện nay, mỗi hộ gia đình sẽ thực hiện nộp thuế đất hằng năm với mức thuế suất từ 0,03 - 0,15% tùy diện tích trong hạn mức, hay vượt hạn mức, đất ở nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư... theo giá UBND tỉnh, thành phố công bố tại thời điểm tính thuế. Có nghĩa là nếu luật Thuế tài sản có hiệu lực, người dân sẽ phải chịu 2 lần thuế.

danh thue nha tu 700 trieu dong la xa roi thuc te va nguy hiem hinh 2

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân, với cách tính thuế này, từ người nghèo đến người giàu ở các đô thị lớn sẽ bị Bộ Tài chính cào hết vào một “mẻ”.

Chưa kể đến việc để có được tài sản nhà đất, người dân thường phải tích lũy thu nhập trong một thời gian dài. Những thu nhập này là thu nhập sau thuế khi cá nhân đã thực hiện đóng thuế thu nhập cá nhân. Khi xây nhà, mua các vật liệu xây dựng… người dân cũng phải đóng thuế giá trị gia tăng. Đến khi thực hiện bán nhà đất, người dân phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách nhà nước như tiền chuyển quyền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân 2% trên giá bán... Nếu tính thêm thuế tài sản thì các loại thuế này lại chồng lên nhau.

Mặc dù, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, đã đến lúc phải tính đến thuế tài sản, nhưng phải tính thật thận trọng để không bị trùng lặp, thuế chồng lên thuế. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng là thu thuế rồi nhưng phải sử dụng sao cho hiệu quả, đúng mục đích.

Thời gian vừa rồi vẫn còn tình trạng sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, thất thoát chưa xử lý dứt điểm, giờ lại đề xuất tăng thuế nên gặp phải sự phản đối, không đồng tình của người dân là dễ hiểu. Dọc các tuyến đường, chúng ta thấy rất nhiều biển tuyên truyền “Nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của người dân”, nhưng tại sao không thấy biển tuyên truyền “Ai sử dụng lãng phí thuế là có tội với Tổ quốc, với nhân dân”? ”, GS.TS Đặng Đình Đào đặt câu hỏi.

Theo Cẩm Tú - vov.vn - 18/04/2018

Link nguồn: http://vov.vn/kinh-te/danh-thue-nha-tu-700-trieu-dong-xa-roi-thuc-te-nguy-hiem-752272.vov


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng: Xa rời thực tế, nguy hiểm

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc