top-banner-2

Thứ bảy, 24/10/2015, 23:40 GMT+7

Quy định mới về nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Văn phòng UBND cấp tỉnh

Viết bởi Xuân An   
Thứ bảy, 24/10/2015, 23:40 GMT+7

Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư Liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) là cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh về: Chương trình, kế hoạch công tác; tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức về hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; đầu mối Cổng Thông tin điện tử, kết nối hệ thống thông tin hành chính điện tử chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; quản lý công báo và phục vụ các hoạt động của UBND cấp tỉnh; giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh (bao gồm cả các Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh) thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền; quản lý văn thư - lưu trữ và công tác quản trị nội bộ của Văn phòng.

Văn phòng UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ trình UBND cấp tỉnh ban hành quy chế làm việc của UBND cấp tỉnh; văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng UBND cấp tỉnh; văn bản hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng HĐND và UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện); văn bản quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn chức danh Trưởng, Phó đơn vị thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.

Bên cạnh đó, tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của UBND cấp tỉnh; phục vụ hoạt động của UBND cấp tỉnh; tiếp nhận, xử lý, trình UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết những văn bản, hồ sơ do các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi, trình (văn bản đến).

Đôn đốc, kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện văn bản chỉ đạo, điều hành

Văn phòng UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ phát hành, quản lý, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện văn bản của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Cụ thể, Văn phòng UBND cấp tỉnh sẽ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện văn bản của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; định kỳ rà soát, báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, rà soát nhằm phát hiện vướng mắc, phát sinh về thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục và nghiệp vụ hành chính văn phòng trong quá trình chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; kịp thời báo cáo UBND cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung; hàng năm, tổng hợp, báo cáo Văn phòng Chính phủ.

Quản lý, cập nhật thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành

Về thực hiện chế độ thông tin, Văn phòng UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ tổ chức quản lý, cập nhật thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; thực hiện chế độ thông tin báo cáo về hoạt động của Cổng Thông tin điện tử và kết nối hệ thống thông tin hành chính điện tử chỉ đạo, điều hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; xuất bản, phát hành Công báo cấp tỉnh; thiết lập, quản lý và duy trì hoạt động mạng tin học của UBND cấp tỉnh.

Văn phòng UBND cấp tỉnh còn có nhiệm vụ bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật; hướng dẫn nghiệp vụ hành chính văn phòng; thực hiện nhiệm vụ quản trị nội bộ.

Văn phòng UBND cấp tỉnh có không quá 3 Phó Chánh Văn phòng

Lãnh đạo Văn phòng UBND cấp tỉnh gồm có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng. Riêng Văn phòng UBND thành phố Hà Nội và Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 4 Phó Chánh Văn phòng.

Về cơ cấu tổ chức Văn phòng UBND cấp tỉnh gồm: Đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.

Cụ thể, đơn vị hành chính gồm các phòng, ban: 1- Phòng Tổng hợp; 2- Phòng Kinh tế; 3- Phòng Khoa giáo - Văn xã; 4- Phòng Nội chính; 5- Phòng Hành chính - Tổ chức; 6- Phòng Quản trị - Tài vụ; 7- Ban Tiếp công dân tỉnh;  9- Phòng đặc thù.

Đối với địa phương không đủ tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ thì thành lập Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh. Đối với địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chưa đủ tiêu chí thành lập Ban Dân tộc thì thành lập Phòng Dân tộc hoặc bố trí công chức chuyên trách làm công tác dân tộc thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Ngoài các Phòng nói trên, Văn phòng UBND cấp tỉnh được thành lập thêm không quá 2 Phòng; riêng Văn phòng UBND thành phố Hà Nội và Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập thêm không quá 3 Phòng.

Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc gồm: Nhà khách; đơn vị sự nghiệp khác do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.

Biên chế công chức, số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc và nằm trong tổng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do cấp có thẩm quyền giao.

Thông tư liên tịch cũng nêu rõ, Văn phòng UBND cấp tỉnh có số lượng Phó Chánh Văn phòng vượt quá quy định tại Thông tư liên tịch này (tính đến ngày 15/12/2015) thì được giữ nguyên nhằm đảm bảo ổn định. Chỉ được bổ sung Phó Chánh Văn phòng khi số lượng ít hơn theo quy định của Thông tư liên tịch này. Giữ nguyên đơn vị thực hiện nhiệm vụ tin học và xuất bản công báo cho đến khi có hướng dẫn cụ thể về Cổng Thông tin điện tử.

Theo Hoàng Diên (chinhphu.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Quy định mới về nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Văn phòng UBND cấp tỉnh

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc