top-banner-2

Thứ ba, 20/10/2015, 09:17 GMT+7

Ai là nữ doanh nhân đầu tiên của người Việt?

Viết bởi An An   
Thứ ba, 20/10/2015, 09:17 GMT+7

Lần theo nhiều tài liệu lịch sử, có thể nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam vốn là người thế kỷ XV, bà tổ nghề gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý.

Ai là nữ doanh nhân đầu tiên của người Việt?

 Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay phụ nữ đóng góp vào nhiều lĩnh vực đời sống cũng như kinh tế. Từ thế hệ nữ doanh nhân tiền bối như bà Tư Hường, Mai Kiều Liên, Phạm Thị Việt Nga, Nguyễn Thị Nga cho đến thế hệ nữ doanh nhân trẻ như Lê Hồng Thủy Tiên đều đang góp những viên gạch xây dựng kinh tế Việt Nam cũng như khẳng định bản lĩnh của phụ nữ Việt.

Thế nhưng không ít người ngạc nhiên khi biết nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam vốn là người thế kỷ XV. Câu chuyện về cuộc đời nữ doanh nhân Bùi Thị Hý - bà tổ nghề gốm Chu Đậu càng chứng minh phụ nữ Việt bản lĩnh không kém nam giới trong lĩnh vực kinh doanh.

Bà tổ nghề gốm Chu Đậu

Gốm Chu Đậu là một trong những dòng gốm sứ cổ truyền Việt Nam được sản xuất tại làng Chu Đậu và làng Mỹ Xá, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Gốm Chu Đậu nổi tiếng bởi màu men và họa tiết thuần Việt và từng được xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Theo những nghiên cứu khảo cổ trong những năm gần đây, tổ nghề gốm Chu Đậu là bà Bùi Thị Hý (1420-1499). Bà vốn là cháu ngoại danh tướng khai quốc công thần đời Lê Bùi Quốc Hưng cùng với danh nhân Nguyễn Trãi. Bà là con đầu của cụ Bùi Đình Nghĩa, người trang Quang Ánh, châu Nam Sách, nay là thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Gia phả họ Bùi cũng như những câu truyện truyền đời cho biết bà Bùi Thị Hý vốn thông minh, có biệt tài viết chữ và vẽ gốm rất đẹp. Chuyện xưa cũng kể lại bà cũng như nữ tiến sỹ Bùi Thị Duệ từng giả trai đi thi khoa bảng. Tuy nhiên khi thi đến tam trường thì bà bị phát hiện thân phận, do là cháu danh tướng Bùi Quốc Hưng nên không bị phạt nặng và bị đuổi về quê.

Sau này bà nên duyên vợ chồng với ông Đặng Sỹ, cùng em trai là Bùi Đình Khởi dựng xưởng gốm ở phía Bắc thôn Quang Ánh. Từ người thợ thủ công, bà cùng chồng và em trai mở rộng sản xuất gốm, buôn bán ra khắp vùng thậm chí còn giao thương với nước ngoài.

Các bằng chứng khảo cổ, di tích tại quê hương của bà phát hiện nhiều sản phẩm để lại bút tích ký tên của bà (với tên hiệu Vọng Nguyệt ) và em trai vào những năm Diên Ninh (1454), Quang Thuận (1460).

Từ gia phả cổ của dòng họ Bùi tại Quang Ánh, các nhà khảo cổ tìm được mộ của bà Bùi Thị Hý và nhiều thông tin về cuộc đời của bà được hé lộ từ văn bia do chồng thứ 2 của bà là ông Đặng Phúc lập năm 1502.

Điều đặc biệt trong mộ của bà có tượng nghề lưu lại bút tích của bà cũng như viên gạch có khắc tượng bà với dòng chữ Hán: Cổ tượng hình tổ cô, hiệu Vọng Nguyệt, nguyên thị chủ thập dư trang phường đào từ bình. Đại loạn hóa tượng họa lại truyền hậu dã, dịch nghĩa: Hình tượng cổ tổ cô tên hiệu là Vọng Nguyệt, nguyên là chủ trên 10 trang phường gốm. Do đại loạn tượng phải hóa (hủy đi) mất vẽ lại để truyền cho đời sau.

Tượng con nghê trong mộ bà Bùi Thị Hý.

Tượng con nghê trong mộ bà Bùi Thị Hý.

Hố khai quật và viên gạch có khắc hình tượng bà Bùi Thị Hý.

Hố khai quật và viên gạch có khắc hình tượng bà Bùi Thị Hý.

Theo nhận xét của nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, bà được xem là doanh nhân giàu có nhất thời bấy giờ.

Nhà kinh doanh hàng hải quốc tế

Không chỉ là người gây dựng nên dòng gốm Chu Đậu, bà cùng người chồng đầu tiên là ông Đặng Sỹ còn trực tiếp mang sản phẩm giao thương bằng hàng hải ra các nước xung quanh. Bà còn kết bạn với cháu gái nhà hàng hải nổi tiếng thế kỷ XV của Trung Quốc là Trịnh Hòa.

Bằng chứng cho việc giao thương, xuất khẩu của gốm Chu Đậu ra thế giới là chiếc bình gốm cổ quý giá tại bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Trên lớp tráng xanh da trời và trắng của chiếc bình gốm tinh xảo này khắc 13 chữ Hán: Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhan Bùi Thị Hý bút, dịch nghĩa: Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị Hý viết/vẽ/tạo. Đây cũng là bằng chứng đầu tiên trong hành trình tìm ra bà tổ nghề gốm sứ Chu Đậu.

Bản sao tượng chân dung bà Bùi Thị Hý

Bản sao tượng chân dung bà Bùi Thị Hý

Ngoài ra bản văn bia cũng hé lộ cuộc đời kinh doanh của người được mệnh danh là bậc kỳ tài nữ nhân Bùi Thị Hý. Theo đó sau khi người chồng đầu tiên là ông Đặng Sỹ qua đời trên biển Đông trong một lần giao thương hàng hải, bà Bùi Thị Hý kế tục công việc của chồng, trực tiếp chỉ huy hải đoàn giao thương sang các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản,… Hiện vật gốm Chu Đậu hiện có mặt rất nhiều tại những nước này cho thấy việc giao thương của người Việt thế kỷ XV.

Các nhà khảo cổ còn phát hiện ra chiếc la bàn cổ tại quê hương của bà khắc tên: Châm bàn thu hải khứ, Bùi Thị Hý, dịch nghĩa: Bàn kim chỉ đường đi cho thuyền biển của Bùi Thị Hý. Ở giữa la bàn có gạch chữ thập chỉ bốn hướng. Giữa la bàn có 1 lỗ rộng 1,4cm, sâu 1,5 cm, giữa lỗ còn có một lỗ nhỏ 2mm, khoét sâu xuống để đặt kim nam châm. Bàn của la bàn bằng đá cẩm thạch được mài nhẵn mặt trên.


Chiếc la bàn của bà Bùi Thị Hý.

Chiếc la bàn của bà Bùi Thị Hý.

Là nhà doanh nhân lớn nhưng bà Bùi Thị Hý không có con nên cuối đời bà dành toàn bộ gia sản cho việc từ thiện, làm công đức như xây chùa cổ Viên Quang, xây đình, xây nhà thờ họ, cầu đá. Hiện dấu tích về việc làm của bà còn lưu lại tại tấm bia đá cổ tại quê hương của bà.

Theo ttvn.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ai là nữ doanh nhân đầu tiên của người Việt?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc