top-banner-2

Thứ sáu, 12/03/2021, 15:55 GMT+7

Bỏ học Harvard để khởi nghiệp và thành tỷ phú

Viết bởi ducanh   
Thứ sáu, 12/03/2021, 15:55 GMT+7

Bom Kim, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Coupang Hàn Quốc từng bỏ học MBA tại đại học Havard để về nước khởi nghiệp và hiện sở hữu khối tài sản 8,6 tỷ USD.

Cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang Inc đã tăng mạnh khi bắt đầu giao dịch tại New York hôm 11/3. Theo Bloomberg Billionaires Index, Coupang được mệnh danh là "Amazon của Hàn Quốc" hiện được định giá hơn 84 tỷ USD, mang lại cho nhà sáng lập Bom Kim, 42 tuổi, số cổ phần trị giá 8,6 tỷ USD.

IPO của Coupang là đợt IPO lớn nhất của Hàn Quốc và là công ty châu Á lớn nhất trên sàn giao dịch của Mỹ kể từ khi Alibaba Group Holding Ltd của Jack Ma. Công ty đã huy động được 4,6 tỷ USD và được định giá ở mức khoảng 60 tỷ USD khi IPO. Ngay sau khi lên sàn hôm 11/3, cổ phiếu của Coupang đã tăng mạnh, cao hơn 41% so với giá chào bán.

bo-hoc-harvard-de-khoi-nghiep-va-thanh-ty-phu

Bom Kim, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Coupang. Ảnh: Bloomberg.

Nhà sáng lập Bom Kim sinh ra ở Seoul, chuyển đến Mỹ khi còn học cấp 2 và sau đó nhập quốc tịch Mỹ. Trong thời gian học chính trị tại Đại học Harvard, Kim bắt đầu khởi nghiệp khi xây dựng một ấn phẩm có tên Current Magazine và bán lại cho Newsweek vào năm 2001. Sau đó Kim thử sức ở nhiều dự án và đã bán một công ty truyền thông khác của mình vào năm 2009. Cùng thời gian này Kim quyết định bỏ học chương trình thạc sĩ MBA danh tiếng tại Harvard và trở về Hàn Quốc lập nghiệp.

Lấy cảm hứng từ mô hình kinh doanh của trang thương mại điện tử Mỹ Groupon Inc., Kim thành lập Coupang vào năm 2010 và biến nó trở thành kỳ lân (công ty giá trị trên 1 tỷ USD) đầu tiên của Hàn Quốc vào năm 2014.

"Khẩu hiệu của chúng tôi từ những ngày đầu thành lập công ty là tạo ra một thế giới nơi khách hàng phải hỏi: 'Làm thế nào để tôi sống mà không có Coupang?'", Bom Kim nói.

SoftBank là cổ đông lớn nhất của Coupang với số cổ phần hiện trị giá khoảng 28 tỷ USD. Tập đoàn Nhật Bản đã đầu tư 1 tỷ USD vào Coupang vào năm 2015 và Quỹ Vision Fund của họ đã rót thêm 2 tỷ USD vào 3 năm sau đó. Các nhà đầu tư ban đầu khác bao gồm BlackRock Inc., Neil Mehta’s Greenoaks Capital và Rose Park Advisors, một công ty đầu tư mạo hiểm được đồng sáng lập bởi cố giáo sư Harvard Clayton Christensen và con trai ông, Matt.

Được hỗ trợ bởi khoản đầu tư của SoftBank, Coupang đã thực hiện chiến dịch giao hàng cấp tốc trong vòng 24h thu hút lượng khách hàng lớn. Nếu Mỹ có Amazon, Trung Quốc có Alibaba thì Hàn Quốc có Coupang, hãng thương mại điện tử lớn nhất xứ sở kim chi với doanh thu hàng năm lên tới hàng tỷ USD.

Đại dịch Covid-19 đã mang lại cho hãng thương mại điện tử này thêm một cú hích và doanh thu ròng gần như tăng gấp đôi lên 12 tỷ USD vào năm 2020. Dù đã rút khoản lỗ xuống còn 475 triệu USD năm 2020, nhưng Coupang vẫn đưa cảnh báo trong bản cáo bạch IPO rằng công ty có thể duy trì được tốc độ phát triển đáng kinh ngạc như năm ngoái khi Covid-19 được kiểm soát.

"Coupang chắc chắn không phải là trường hợp tăng trưởng tạm thời. Khoản lỗ của công ty không quá đáng lo vì họ đang chi cho những thứ như mở rộng trung tâm hậu cần hoặc đầu tư vào công nghệ. Đó là nền tảng để phát triển hơn nữa", Lee Jiyoung, nhà phân tích tại NH Investment & Securities Co. ở Seoul, nhận định.

Dù là hãng thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc, Coupang đang đối mặt với sự giám sát của cơ quan chức năng khi có báo cáo về một số trường hợp tử vong của các nhân viên giao hàng và hậu cần do làm việc quá sức. Theo báo cáo địa phương, trường hợp mới nhất là một người đàn ông giao hàng ở độ tuổi ngoài 40, đã làm việc liên tục từ 7h đến 21h mỗi ngày trong suốt một năm. Coupang tuyên bố rằng cái chết nhân viên giao hàng này không phải do khối lượng công việc lớn.

Trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV, nhà sáng lập Kim thừa nhận có một nhân viên Coupang đã "chết vì công việc" trong năm qua. "Nhưng một cái chết là quá nhiều. Và chúng tôi phải tiếp tục làm tốt hơn nữa. Công ty cho phép người lao động được nghỉ cuối tuần và cung cấp những ngày nghỉ phép và bảo hiểm", Kim nói.

Trong phiên điều trần tại quốc hội Hàn Quốc vào tháng 2, Joseph Nortman, người đứng đầu bộ phận dịch vụ của Coupang, đã đảo ngược lập trường ban đầu của công ty và lên tiếng xin lỗi về cái chết của một nhân viên hậu cần vào năm ngoái sau khi kết quả điều tra cho thấy cái chết của người này liên quan đến làm việc quá sức.

Bất chấp phản ứng dữ dội của dư luận chỉ trích chế độ làm việc bóc lột của Coupang, nhiều nhà đầu tư vẫn tìm đến gã khổng lồ thương mại điện tử này. Không chỉ thương mại điện tử, hiện Coupang đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực, bao gồm dịch vụ giao đồ ăn Coupang Eats và dịch vụ phát trực tuyến mới ra mắt Coupang Play.

theo Sơn Nam / ngoisao.net - 12/03/2021

link nguồn: https://ngoisao.net/bo-hoc-harvard-de-khoi-nghiep-va-thanh-ty-phu-4247250.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Bỏ học Harvard để khởi nghiệp và thành tỷ phú

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc