top-banner-2

Thứ hai, 20/08/2018, 09:39 GMT+7

Cha đẻ Wikipedia từng khước từ cơ hội thành tỷ phú

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ hai, 20/08/2018, 09:39 GMT+7

Thay vì biến thành một mô hình sinh lời có thể được định giá 5 tỷ USD, Jimmy Wales chọn cho Wikipedia con đường phi lợi nhuận.

5 website phổ biến nhất thế giới ngày nay lần lượt là Google, YouTube, Facebook, Baidu (công cụ tìm kiếm được dùng ở Trung Quốc) và Wikipedia. Các nhà sáng lập của loạt hiện tượng này đương nhiên hầu hết thành những tỷ phú siêu giàu. Riêng Jimmy Wales, chủ nhân trang web được truy cập nhiều thứ 5 hành tinh, có vỏn vẹn hơn 1 triệu USD. Có thể coi Wales là ông lớn Internet "nghèo" nhất thế giới. 

Thế nhưng di sản ông Wales để lại sẽ còn trường tồn hàng thế kỷ, nhờ đem kho kiến thức đồ sộ nhất đến gần mọi người hơn bao giờ hết.

JimmyWales-vanhoadoanhnhan

Chủ nhân website lớn thứ 5 thế giới có tài sản chỉ hơn 1 triệu USD. Ảnh: Wikimedia.

Jimmy Wales được rèn luyện trong ngôi trường một phòng học do mẹ và bà điều hành cho đến năm lớp 8. Là đứa trẻ tò mò với tri thức, cậu bé Jimmy hồi ấy còn được hưởng phương pháp giáo dục Montessori của Italy (một phương pháp lấy trẻ làm trọng tâm). Wales cho rằng chính cách nuôi dạy đề cao tính "tự hấp thụ" của trẻ ảnh hưởng nhiều đến khả năng tư duy sáng tạo của mình về sau.

Hai sở thích mà Wales dành quỹ thời gian khổng lồ hồi nhỏ là nghiền ngẫm các bách khoa toàn thư và chơi với máy tính ở cửa hàng của người bác. Nhưng điều Wales thích thú hơn cả là đã tham gia cùng mẹ hiệu đính bách khoa toàn thư hàng năm kể từ ngày ấy. Chỉ có điều bách khoa toàn thư trước đây không cập nhật được trong từng tích tắc như Wikipedia của Wales bây giờ. Nếu có ai vừa đặt chân lên mặt trăng thì cũng mất cả năm trời để thông tin này được cập nhật trong ấn bản phát cho các gia đình hàng năm.

Wales tốt nghiệp chuyên ngành tài chính tại đại học và khi đang theo đuổi chương trình tiến sĩ, rẽ ngang để làm việc cho một hãng dịch vụ tài chính.

Internet cuốn hút chàng thanh niên Mỹ từ những ngày sơ khai của nó. Thậm chí Wales dùng kiến thức tự học lập trình thời phổ thông để làm trình duyệt web riêng. Năm 1996, Wales nghỉ việc ở công ty để đồng sáng lập Bomis, một công cụ tìm kiếm trước cả thời Google. Dù startup này không thành công, nó vẫn thúc đẩy chủ nhân theo đuổi tầm nhìn tạo ra một bách khoa toàn thư trực tuyến.

Tháng 3/2000, Wales cho ra đời bách khoa toàn thư Nupedia, do các tình nguyện viên góp bài về từng mục từ họ yêu thích. Giáo sư Larry Sanger được mời về làm chủ biên. Mỗi bài viết ngày ấy phải trải qua tới 7 bước duyệt để lên trang. Sau một năm vận hành, Nupedia chỉ ra có 21 bài.

Bế tắc với tiến trình ì ạch, Wales quyết định bắt tay thử tự viết về một mục từ để xem vấn đề nằm ở đâu. Sau khi hoàn thành đề tài một nhà xã hội học Mỹ, ông phát hiện rằng bản thân có thể chịu được phê bình bởi những giáo sư đại học. Điều này gây cho Wales cảm giác như thể còn bị bó buộc trong trường lớp. Đó là lúc ông Wales nhận thấy cần xây dựng bách khoa toàn thư trực tuyến thành một cộng đồng mở và dễ dàng hơn.

Ông nghe về concept "wiki", một dạng web động mà bất cứ người dùng nào cũng có thể cùng tham gia chỉnh sửa nội dung mọi lúc ("wiki" bắt nguồn từ tiếng Hawaii và có nghĩa "nhanh"). Năm 2001, bách khoa toàn thư mở Wikipedia ra đời dựa trên concept này. Wikipedia and Nupedia tồn tại song hành trong một thời gian ngắn nhưng "đứa con" sau của Wales lấn át cả về lượt truy cập lẫn cộng đồng tham gia.

Không có tài chính đóng góp cho Wikipedia, Larry Sanger rút khỏi cả hai website trên năm 2002. Sự việc gây tranh cãi giữa Sanger and Wales sau này về vai trò của Sanger với Wikipedia. Trong khi vị giáo sư khẳng định mình là đồng sáng lập, Wales cho rằng mình toàn quyền đứng sau concept bách khoa toàn thư mở online.

Ông Wales khẳng định hồi đầu tháng 8 rằng Wikipedia không có hứng thú với thị trường tiền ảo vì hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận. Ảnh: CNN.

Ông Wales khẳng định hồi đầu tháng 8 rằng Wikipedia không có hứng thú với thị trường tiền ảo vì hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận. Ảnh: CNN.

Không ai biết chính xác mục từ đầu tiên được đưa lên Wikipedia là gì, nhưng bài viết với mốc thời gian sớm nhất được tìm thấy là về chữ cái "Q". Thuở sơ khai đó, Wales nói rằng bất cứ ai cũng có thể là người trước hết chép lên bách khoa toàn thư của Internet dòng chữ: "Châu Phi là một châu lục". Nó chưa đầy đủ, nhưng không sai. Đó là bước khởi đầu cho một kho tri thức khổng lồ được chung tay đóng góp bởi cư dân toàn cầu.

Thời điểm nhìn thấy Wikipedia đứng thứ 50 trong danh sách những trang web phổ biến nhất, Wales đã hiểu rằng tiềm năng của một "bom tấn" ở trong tay mình.

Nhưng thay vì biến thành một mô hình sinh lời có thể được định giá 5 tỷ USD như giả thuyết đưa ra ngày nay, ông Wales chọn cho Wikipedia con đường phi lợi nhuận. Nguồn thu ước tính 85 triệu USD năm ngoái của trang này đến hoàn toàn từ tiền quyên góp để duy trì kho kiến thức cho mọi nhà. Nhà sáng lập muốn Wikipedia là một cột mốc văn hóa cho lịch sử và phù hợp với giá trị phục vụ cộng đồng.

Quỹ phi lợi nhuận Wikimedia, do Wales sáng lập, quản lý Wikipedia từ năm 2003. Họ hướng đến sứ mệnh thu hẹp khoảng cách tiếp cận tri thức, giúp con người mọi nơi có nguồn thông tin để đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.

Bắt nguồn từ một tưởng tượng mang tính cách mạng: một thế giới mà bất cứ bộ não nào cũng có thể đóng góp vào di sản tri thức nhân loại, Wikipedia ngày nay ghi nhận khoảng 40 triệu bài viết bằng 293 ngôn ngữ.

Gần 35 triệu thành viên đã đăng ký tham gia chỉnh sửa trang Wikipedia tiếng Anh. Bách khoa toàn thư trực tuyến vẫn đang được hàng trăm nghìn tình nguyện viên khắp thế giới viết lên mỗi tháng.

Theo Quốc Việt/Ngoisao.net - 20/8/2018

Link nguồn: https://ngoisao.net/tin-tuc/thuong-truong/cha-de-wikipedia-tung-khuoc-tu-co-hoi-thanh-ty-phu-3794163.html


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cha đẻ Wikipedia từng khước từ cơ hội thành tỷ phú

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc