top-banner-2

Thứ tư, 14/03/2018, 14:57 GMT+7

Cuộc đời ‘bất hảo’ của Stephen Hawking – thiên tài với IQ 160

Viết bởi Nam Anh   
Thứ tư, 14/03/2018, 14:57 GMT+7

Hiếm ai biết rằng, Stephen Hawking những năm tháng học cấp 3 và đại học là một trong những học sinh kém gần nhất lớp.

Stephen-Hawking-vanhoadoanhnhan

Stephen William Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại Oxford, Anh. Cha ông – một nhà nghiên nổi tiếng trong lĩnh vực y học nhiệt đới vì vậy ngay từ đầu ông đã hướng con trai mình theo nghiệp y khoa. Tuy nhiên Stephen lại nhận thấy sinh vật và y học là những môn khoa học chưa đủ chính xác và bởi vậy ông chuyển sang theo đuổi lĩnh vực toán học và vật lý.

Thời đi học, Hawking không phải là một học sinh xuất sắc tại trường St. Alban và sau đó là ở cả trường Oxford. Thời đó, Hawking hiếm khi làm bài tập về nhà bởi ông tự tin mình có khả năng hiểu bản chất của những vấn đề liên quan tới toán học và vật lý một cách nhanh chóng. Ở nhà, ông nhớ lại: "Tôi thường mày mò tháo lắp mọi thứ để tìm hiểu xem nó hoạt động thế nào nhưng rồi khiến thứ đó bị hỏng luôn vì không thể lắp lại được".

Cuối năm lớp 9, kết quả học tập của Hawking gần như đứng cuối lớp. Bạn bè và thầy cô giáo đều đánh giá Stephen Hawking là một người thông minh nhưng thành tích thì hoàn toàn không nổi bật. Chỉ riêng thầy giáo dạy toán ở trường St. Alban là phát hiện ra tài năng thiên bẩm của Hawking trong lĩnh vực toán học và ông khuyên Hawking nên theo đuổi lĩnh vực này khi vào đại học. Đến năm 1959, Hawking vào trường đại học Oxford chuyên ngành Vật lý và sinh học bởi ở đây chưa có chuyên ngành Toán học.

Tại đây, Hawking thừa nhận mình khá "lười biếng". Ông ước tính mình chỉ dành ra 1.000 giờ để học trong suốt 3 năm ở Oxford (tức là chưa đầy 1 tiếng mỗi ngày) và điều này khiến ông khó hoàn thành các bài kiểm tra với điểm số cao bởi Hawking chỉ trả lời các câu hỏi lý thuyết mà không thể trả lời phần liên quan tới thực tiễn.

Trong 18 tháng đầu tiên ông thấy chán học và cô đơn: Ông ít tuổi hơn phần lớn sinh viên, và thấy việc học hành "dễ một cách kỳ cục". Thầy dạy vật lý Robert Berman sau này kể lại: "Đối với cậu ta chỉ cần biết điều gì đó có thể thực hiện, và cậu có thể làm nó mà không cần phải ngó xem những người khác đã làm thế nào".  

Một sự thay đổi xảy ra vào năm thứ hai và thứ ba khi Hawking cố gắng trở nên hòa nhập hơn với trang lứa. Hawking phấn đấu và trở thành một sinh viên được quý mến, hoạt bát, dí dỏm, hứng thú với nhạc cổ điển và tiểu thuyết viễn tưởng.  

Thời điểm này, ông cần phải có một bằng danh dự hạng nhất để đăng ký học tại ngành vũ trụ học tại Đại học Cambridge mà ông đã dự tính. Kỳ thi diễn ra căng thẳng và kết quả nằm ở đúng điểm số ranh giới giữa hạng nhất và hạng nhì, và như thế cần có thêm buổi kiểm tra vấn đáp (viva) để phân hạng.

Hawking lo rằng sẽ bị xem là một sinh viên lười nhác và khó tính, nên tại buổi vấn đáp khi được yêu cầu mô tả kế hoạch tương lai của mình, ông trả lời: "Nếu các vị trao cho tôi hạng Nhất, tôi sẽ tới Cambridge. Nếu tôi nhận hạng Nhì, tôi sẽ ở lại Oxford, vì vậy tôi hi vọng các vị cho tôi hạng Nhất".

Kết quả ông được hạng Nhất ngoài mong đợi: Berman bình luận rằng giám khảo "đủ thông minh để nhận ra rằng họ đang nói chuyện với ai đó thông minh hơn nhiều phần lớn người trong số họ". Với bằng cử nhân hạng nhất tại Oxford và sau một chuyến du lịch tới Iran cùng với một người bạn, Hawking bắt đầu vào học bậc trên đại học tại Trinity Hall ( Đại học Cambridge ) từ tháng 10/1962.

Cuộc đời ‘bất hảo’ của Stephen Hawking – thiên tài với IQ 160 - Ảnh 1.

Bước ngoặt cuộc đời Stephen Hawking đến khi ông được chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ (ALS). Đây là căn bệnh khiến các tế bào thần kinh tê liệt. Một khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ cảm nhận cơ thể từ từ đông cứng cho tới khi liệt hẳn. Họ dần mất khả năng vận động, không thể nhai thuốc, thức ăn và gặp khó khăn khi hít thở. Các bác sĩ dự đoán, Stephen Hawking có thể không sống quá 2 năm.

"Khi đang học năm thứ 3 tại đại học Oxford, tôi nhận thấy mình ngày một vụng về. Vài lần, tôi bị ngã mà không rõ lý do. Mãi tới khi vào học tại Cambrigde, cha mới chú ý và đưa tôi gặp bác sĩ. Ông ấy gửi tôi đến một chuyên gia và ngay sau sinh nhật 21 tuổi, tôi bắt đầu làm các xét nghiệm tại bệnh viện. Kết quả chẩn đoán mắc bệnh thần kinh vận động làm tôi vô cùng sửng sốt", Hawking từng viết.

Những ngày đầu khi biết bệnh, Hawking gần như suy sụp. Mọi việc với ông chững lại, ngay cả lĩnh vực nghiên cứu bởi ông cảm thấy không còn ý nghĩa nữa. Thật may thời kỳ đó, người bạn của em gái ông đã ở bên, động viên ông vượt qua số phận. Jane Wilde sau đó cũng chính là vợ của Hawking và ông khẳng định rằng chính bà đã cho ông lý lẽ để sống.

Kể từ đó, Hawking bắt đầu tập trung cho nghiên cứu khoa học và cho ra đời những đóng góp quan trọng bậc nhất thế giới. Nổi bật nhất là sự hợp tác với Roger Penrose về lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát và tiên đoán lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking). Hawking là người đầu tiên khởi đầu một nền vũ trụ học dựa trên sự thống nhất giữa thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cách diễn giải nhiều thế giới về cơ học lượng tử.

Hawking cũng chính là 1 trong 10 người có chỉ số IQ cao nhất mọi thời đại lên tới 160 điểm.

Theo Phương Linh - ttvn.vn - 14/03/2018

Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/cuoc-doi-bat-hao-cua-stephen-hawking-thien-tai-voi-iq-160-52018143145248962.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cuộc đời ‘bất hảo’ của Stephen Hawking – thiên tài với IQ 160

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc