‘Công thức thành công’ của Hillary Clinton và Donald Trump |
Viết bởi An An |
Thứ bảy, 05/03/2016, 09:17 GMT+7 |
Ngày “siêu thứ Ba” kết thúc với chiến thắng áp đảo của bà Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ và tỉ phú Donald Trump ở đảng Cộng hòa. Bà Clinton đã chiến thắng 8/12 bang và vùng lãnh thổ tiến hành bầu cử sơ bộ vào ngày 1-3 vừa qua. Trong khi đó ông Trump giành chiến thắng 7/11 bang trong ngày “siêu thứ Ba”. Điều gì đứng sau những thành công vang dội của hai ứng viên nặng ký này trong cuộc đua vào Nhà Trắng? Công thức “trong mơ” của Hillary Cliton Theo thống kê của hãng Thomson Reuters, bà Hillary Clinton (với 548 đại biểu đã thắng được) đang bỏ xa đối thủ cạnh tranh Bernie Sanders (với chỉ 351 đại biểu). Theo tờ Washington Post, sự áp đảo này mà bà Clinton có được là kết quả của một công thức “trong mơ” gồm: Sự danh giá của gia đình Clinton; sức ảnh hưởng to lớn của chồng là một cựu tổng thống Mỹ; ngân sách tranh cử nhiều hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác hiện tại nhờ sự chống lưng của giới giàu có; và sự nổi tiếng cá nhân khổng lồ mà bà xây dựng trong suốt sự nghiệp chính trị của mình. Báo cáo mới nhất của Ủy ban Bầu cử Liên bang hồi tháng 2-2016 cho thấy bà Clinton đã vận động được đến 188 triệu USD cho ngân sách tranh cử của mình. Trong số đó, ủy ban tranh cử của Hillary Clinton và các ủy ban vận động chính trị (PAC) ủng hộ bà đã chi ra tổng cộng hơn 100 triệu USD để huy động sự ủng hộ của cử tri. Con số này lớn hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác trong cuộc đua đến Nhà Trắng. Sự tham gia tích cực của tất cả thành viên gia đình toàn người nổi tiếng của bà Clinton cũng là một nguyên nhân lớn đằng sau các chiến thắng của bà. Theo thống kê của tổ chức quan sát bầu cử Sunlight Foundation, trong tổng số 274 sự kiện mà chiến dịch của bà Clinton tổ chức có đến 47 sự kiện có sự xuất hiện của chồng bà là cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Con gái của bà là Chelsea Clinton, cựu PV nổi tiếng của kênh NBC và là chủ tịch của hai tổ chức Quỹ Clinton và Sáng kiến Toàn cầu Clinton, cũng góp mặt trong 21 sự kiện. Cả ba thành viên gia đình đã gần như đi khắp nước Mỹ để lôi kéo sự ủng hộ cho chiến dịch. Tuy nhiên, cái “mác” danh giá của gia đình hay số tiền khổng lồ trong ngân sách không phải là yếu tố đảm bảo sự thành công trong kỳ tranh cử tổng thống 2016. Khi mùa tranh cử bắt đầu, ông Jeb Bush, con trai và em trai của hai đời tổng thống Mỹ, từng có trong tay ngân sách nhiều hơn toàn bộ ứng viên đảng Cộng hòa gộp lại. Thế nhưng ông vẫn không giành được bất kỳ chiến thắng nào và phải tuyên bố bỏ cuộc. Các cử tri chỉ ủng hộ những người nào có một chương trình hành động mà họ cảm thấy thuyết phục và được quan tâm. Và đây là điều quan trọng tạo nên cuộc bứt phá ngoạn mục của bà Clinton. Ở những cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên, Hillary Clinton vẫn còn bị đối thủ Bernie Sanders bám đuổi sít sao. Nhưng kết thúc ngày “siêu thứ Ba”, bà Clinton đã bỏ xa đối thủ với các chiến thắng liên tiếp ở nhiều bang có số đại biểu đông đảo như Texas và Georgia. Tờ New York Times nhận định chiến thắng này được tạo nên nhờ bà Clinton và ban cố vấn đã xây dựng một chương trình hành động chạm được đến nhiều thành phần cử tri hơn, đặc biệt là những cộng đồng thiểu số và người da màu. Khác với nghị sĩ Bernie Sanders với tư tưởng chính là đòi sự bình đẳng kinh tế đại trà giữa 1% người giàu và 99% còn lại của dân số Mỹ, những bài phát biểu của bà Hillary Clinton sẵn sàng đề cập các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng xã hội Mỹ như cải cách tư pháp hình sự, súng, công bằng lương bổng cho nữ giới hay mức lương tối thiểu. Những vấn đề này thu hút sự quan tâm của các cử tri người Latin và người da màu. Bà cũng thường lui đến các nhà thờ hay các nhà hàng của những cộng đồng này, lôi kéo sự ủng hộ của các chính trị gia và người nổi tiếng da đen. Những điều này tạo nên một lớp cử tri ủng hộ bà Clinton đa dạng và đông đảo hơn đối thủ. New York Times cho biết chính những cử tri da màu góp phần lớn trong chiến thắng của Hillary Clinton tại bang Nam Carolina, nơi bà từng thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008. Bà Hillary Clinton tự tin sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ. Ảnh: GETTY Quan điểm cực đoan của Donald Trump vẫn thu hút một lượng đông đảo cử tri ủng hộ. Ảnh: AP Có một nước Mỹ “xấu xí” Còn ở cuộc đua để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, tỉ phú Donald Trump thậm chí còn dẫn đầu áp đảo đáng nể hơn nữa. Ông giành được 285 đại biểu đảng Cộng hòa, nhiều hơn tổng số đại biểu của các ứng cử viên khác cộng lại, theo Thomson Reuters. Ông Ben Ginsberg, một luật sư kỳ cựu chuyên về các chiến dịch bầu cử của đảng Cộng hòa, đánh giá ông Donald Trump hiện đang rất “sáng cửa” để giành được một chiến thắng áp đảo trong hội nghị toàn đảng Cộng hòa vào tháng 7-2016. Khả năng có một cuộc “lật đổ” ngoạn mục sẽ là vô cùng thấp, theo đánh giá của Ginsberg. Ông Trump trong suốt những tháng qua đã liên tục dẫn đầu tỉ lệ cử tri ủng hộ ở các cuộc bầu cử sơ bộ. Hiện với 42% cử tri đảng Cộng hòa, ông Trump có tỉ lệ ủng hộ nhiều hơn gấp đôi mọi ứng cử viên còn lại trong đảng. Các lãnh đạo của đảng Cộng hòa trong thời gian qua đã chính thức lên tiếng chỉ trích những quan điểm cực đoan, bảo thủ và mang đậm tính phân biệt chủng tộc của ông Trump. Các PAC thân Cộng hòa đổ tiền đầu tư cho những đối thủ của ông cho ngày “siêu thứ Ba” vừa qua, thế nhưng vẫn không thể ngăn được bước tiến của ông vào Nhà Trắng. Lý giải cho thành công đầy tranh cãi của tỉ phú người Mỹ, tờ Huffington Post khuyên nước Mỹ và các chính trị gia cần chấp nhận sự thật rằng những lời nói cực đoan của ông Donald Trump thật sự khớp với suy nghĩ của một bộ phận lớn người dân Mỹ. Bên cạnh những giá trị mà nước Mỹ luôn ca ngợi như sự tự do, sự bình đẳng và sự cởi mở, khoan dung trước mọi màu da hay tôn giáo, vẫn tồn tại một nước Mỹ “xấu xí” với những ích kỷ, nghi hoặc và phân biệt đối xử. Vẫn có một nước Mỹ dửng dưng trước cái chết theo kiểu hành hình của ba người Hồi giáo da đen tại bang Indiana cuối tháng 2 vừa qua. Những cơ quan điều tra và chính quyền địa phương vẫn tuyên bố “không có lý do gì để cho rằng đây là một tội ác liên quan đến phân biệt đối xử, tôn giáo hay quốc tịch”. Britanny King, cây bút của tờ Huffington Post, cay đắng nhận định rằng chiến thắng của Trump là quá “hiển nhiên”. Vấn đề bình đẳng giữa người da trắng và người da màu đã trở thành cuộc tranh luận gay gắt nhất tại Mỹ trong suốt hai năm qua. Phong trào “Black Lives Matter” (Mạng sống da màu cũng đáng giá - ND) chỉ ra vấn đề phân biệt chủng tộc vẫn ăn sâu trong lòng nước Mỹ. Donald Trump xuất hiện trong cuộc đua vào Nhà Trắng và ban cố vấn của ông lựa chọn nói những điều cực đoan vì họ biết rằng nó sẽ mang lại kết quả. Tờ Politico cũng đặt ra câu hỏi liệu có chăng chính truyền thông Mỹ đã tạo ra sự thành công của Donald Trump. Chính việc liên tục đeo bám và phát sóng những quan điểm cực đoan của nhà tỉ phú như một chủ đề hút khách đã vô tình làm cho ông thêm nổi tiếng trong một xã hội mà sự bảo thủ và kỳ thị còn quá nặng nề. Những cử tri cực đoan đã tìm thấy ông như một biểu trưng cho niềm tin của họ. Và họ mang về cho Donald Trump liên tiếp thắng lợi này đến thắng lợi khác. Liệu có “lật đổ” được Trump? Những lãnh đạo của đảng Cộng hòa vẫn nuôi hy vọng tạo nên được một cuộc lật đổ nhà tỉ phú người Mỹ. Để ngăn Trump trở thành đại diện của đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, kênh Fox News cho rằng các ứng viên Cộng hòa còn lại cần bắt đầu hợp tác với nhau thay vì đấu đá để ngăn cơn ác mộng trở thành sự thật. Để chiếm được vị trí ứng cử viên tổng thống đại diện đảng Cộng hòa, ông Trump cần giành được ít nhất 1.237 đại biểu trong kỳ đại hội đảng vào tháng 7-2016. Các lãnh đạo của đảng này cùng những ủy ban tài trợ đang nỗ lực hết sức vận động cử tri để ngăn Trump đạt được con số đó. Link nguồn: http://plo.vn/ho-so-phong-su/cong-thuc-thanh-cong-cua-hillary-clinton-va-donald-trump-615368.html Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|