top-banner-2

Thứ tư, 03/02/2016, 16:20 GMT+7

Chàng trai 27 tuổi bỏ việc Google và viết ứng dụng hẹn hò

Viết bởi An An   
Thứ tư, 03/02/2016, 16:20 GMT+7

Trong cuộc chiến giành giật nhân tài, các công ty từ Airbnb tới Pfizer đang trả rất nhiều tiền cho các dịch vụ lập trình viên độc lập.

1-chang-trai-27-tuoi-van-hoa-doanh-nhan

James Knight

James Knight vừa có một quyết định nghề nghiệp khá lạ với một lập trình viên. Chàng trai 27 tuổi này đã từ bỏ công việc lập trình viên ở Google và chuyển sang làm freelance. Anh từ bỏ những lợi ích như được phụ vụ những bữa ăn miễn phí và tầm nhìn triệu đô tại Google.

Knight sẵn sàng hy sinh những lợi ích trên vì công việc độc lập giúp anh kiếm nhiều tiền gấp đôi và còn được tự do hơn. Trong tháng Ba, Knight và vợ anh đã lên kế hoạch du lịch tới Tây Ban Nha và sau đó là khắp châu Âu. Vừa du lịch anh vừa viết một ứng dụng hẹn hò và một ứng dụng tự chụp chân dung trong số nhiều ứng dụng khác.

"Tôi muốn tự kiểm soát vận mệnh của mình và chấp nhận những rủi ro", Knight nói.

Trong cuộc chiến giành giật nhân tài, các công ty lớn và startup sẵn sàng trả tới 1.000 USD mỗi giờ cho những lập trình viên freelance có những kỹ năng đa dạng và phù hợp. Trong khi vẫn tuyển dụng những kỹ sư tốt nhất, các công ty công nghệ còn tìm kếm những nhà phát triển phần mềm độc lập để giải quyết những dự án bị đình trệ hoặc tìm kiếm một lợi thế cạnh tranh. Trong một số trường hợp, tìm đúng người đóng vai trò quyết định sự thành bài của một sản phẩm.

Mùa xuân năm ngoái, Aaron Rubin đã thuê một lập trình viên tự do thông qua hãng nhân sự Toptal trong khoảng bốn tuần để giúp ShipHero, hãng startup hậu cần điện toán đám mây, phát triển. "Dường như không thể để tìm ra một nhân tài tại New York trong ba ngày", Rubin nói. "Tất cả những kỹ sư tài năng ở đây đều đã có việc làm".

Những nhà phát triển phần mềm độc lập như Knight đại diện cho nhóm nhân tài trong nền kinh tế Gig Economy. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, đội ngũ 53 triệu freelance chiếm 1/3 lượng công nhân của nước này.

Nhu cầu lập trình viên tăng cao khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt vào năm 2007 tạo ra sự bùng nổ của các ứng dụng di động. Từ đó tới nay, ứng dụng di động đã có mặt trong tủ lạnh, đồng hồ, sản phẩm may mặc khiến ngày càng nhiều người theo đuổi ngành lập trình.

Dự kiến trong khoảng thời gian giữa năm 2014 và 2024, nhu cầu các nhà phát triển phần mềm sẽ tăng 17% hoặc nhiều hơn hai lần so với mức trung bình. Dự kiến, Hoa Kỳ sẽ có 1 triệu việc làm công nghệ thông tin vào năm 2020.

Các công ty lớn còn tuyển dụng nhân tài bằng cách thâu tóm toàn bộ công ty nhỏ. Hầu hết các hãng đều có bộ phận tuyển dụng kỹ sư riêng nhưng cần rất nhiều thời gian và tốn tiền bạc để tìm đúng người. Vì vậy, họ chuyển sang nhờ các hãng freelance tìm kiếm giúp những lập trình viên hàng đầu.

5 năm trước, Toptal, một mạng lưới freelance, có 25 lập trình viên và khách hàng. Hiện tại nó đại diện cho hàng nghìn lập trình viên và có hơn 2.000 khách hàng bao gồm Airbnb, Pfizer và J.P Morgan. 10x Management, đối thủ của Toptal, cho biết ngân sách trung bình dành cho các hợp đồng viết phần mềm đã tăng gấp đôi trong ba năm qua bởi công ty đã đủ sức đáp ứng những dự án lớn hơn.

Mặc dù nhu cầu lập trình viên gia tăng mạnh nhưng Toptal vẫn tự hào khi có trong tay những lập trình viên đẳng cấp. Theo Taso Du Val, đồng sáng lập kiêm CEO Toptal, công ty ảo không trụ sở này nhận được 15.000 đơn xin việc trong hai tháng qua nhưng chỉ 3% trong số đó được nhận.

Quá trình đánh giá lập trình viên của Toptal gồm 4 phần, một cuộc phỏng vấn sàng lọc để hiểu cá tính, một cuộc thi kỹ thuật, một buổi kiểm tra khả năng lập trình trực tuyến và cuối cùng là một dự án thử nghiệm nhằm đánh giá khả năng của ứng viên trong thực tế.

Martin Langhoff

Helder Silva, một kỹ sư phần mềm Bồ Đào Nha, người đã từng làm việc cho Deloitte và các công ty khác, đã vượt qua hai vòng đầu tiên nhưng thất bại trong cuộc thi lập trình trực tuyến vì anh mất quá nhiều thời gian để giải quyết một vấn đề mặc dù anh đã đi đúng hướng. "Bạn quên một điều gì đó và thế là bạn trượt", Silva nói.

Với khẩu hiệu "đáp ứng nhân tài theo nhu cầu", 10x Management đại diện cho khoảng 100 nhà phát triển phần mềm dù nhận được hàng nghìn đơn xin việc mỗi năm. Đồng sáng lập Rishon Blumberg ví lập trình viên của ông như những ngôi sao điện ảnh. "Nhu cầu về Tom Cruise là rất lớn", anh nói. "Nhưng nguồn cung rất nhỏ".

Martin Langhoff, 39 tuổi, đại diện cho những lập trình viên tự do ưu tú. Sau khi tự học lập trình từ năm 9 tuổi, Langhoff đã trở thành giám đốc công nghệ của chương trình phi lợi nhuận One Laptop Per Child. Ông quản lý nhóm phần mềm, phần cứng, thiết kế công nghiệp, sản xuất và chế tạo nguyên mẫu. Sau khi nghỉ việc để dành thời gian nhiều hơn cho cậu con trai, Langhoff đã gia nhập 10x.

Đôi khi anh ngồi viết code trên chiếc du thuyền Janneau 409. Chính anh là người thiết kế phần mềm chia sẻ chiếc thuyền. Gần đây nhất, Langhoff đã xây dựng một sản phẩm bảo mật cho một công ty lớn ở Mỹ. Dự án kiểu này thường mất ba năm nhưng nhóm của anh tại 10x chỉ cần ba tháng.

"Chúng thôi thường được thuê để giải quyết những nhiệm vụ quan trọng có thể khiến các công ty tốn hoặc thiệt hại nhiều tiền", Langhoff nói. Chuyển sang làm freelance giúp Langhoff kiếm được nhiều tiền hơn 50% so với thời gian làm việc full-time.

Langhoff và các lập trình viên phát triển phần mềm độc lập khác cho rằng họ được tự do làm việc và tránh những cuộc họp tốn thời gian mà vô ích và thói quan liêu trong các công ty lớn. Anne Adams, 30 tuổi, đã bỏ việc lập trình viên tại Bank of America Merrill Lynch vào năm 2013 và bắt đầu làm việc tự do thông qua Toptal. Hiện cô đang viết phần mềm bảo hiểm xe cho một công ty bảo hiểm lớn của Hoa Kỳ.

"Ở một công ty như Merrill Lynch, bạn chỉ được làm công việc bạn được giao chứ không được làm những gì mà bạn giỏi nhất", cô nói. "Một số người đóng góp nhiều hơn người khác và mọi người phải làm việc ở các mức khác nhau. Trong khi đó, tại Toptal, tất cả mọi người đều như nhau. Chính vì vậy, bạn có thể làm việc hiệu quả hơn".

Knight, người đã bỏ việc tại Google để làm cho 10x, đồng ý với quan điểm trên. "Ở Google, bạn có thể tồn tại sáu đến chín tháng không làm gì mà chỉ vờ như mình đang việc", anh nói. "Chắc chắn làm việc độc lập sẽ căng thẳng hơn làm việc tại Google nhưng tôi thích điều đó. Tôi không có động lực làm việc nếu khoản thanh toán của tôi chưa về tài khoản".

Link nguồn: http://cafebiz.vn/nhan-vat/toi-da-bo-viec-nhan-luong-cao-o-google-ra-lam-rieng-thu-nhap-tang-gap-doi-nhu-the-nao-2016020310042558.chn

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chàng trai 27 tuổi bỏ việc Google và viết ứng dụng hẹn hò

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc