Nỗi niềm hoài xứ của Trí Nguyễn |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ năm, 18/09/2014, 13:10 GMT+7 |
Điều đặc biệt ở Consonnances là lần đầu tiên, người yêu mến được thưởng thức cây đàn tranh diễn tấu từ đầu đến cuối cùng bộ dây của dàn nhạc thính phòng những bản cầm cổ theo đúng luật điệu của Nhã nhạc chứ không hòa tấu với ban nhạc tài tử, hay độc tấu những bản chuyển soạn hoặc phối âm mới theo những thể loại nhạc hiện đại. Nghệ sĩ piano và đàn tranh nổi tiếng Trí Nguyễn, sau 28 năm sinh sống và hoạt động âm nhạc tại Pháp, vừa trở về Việt Nam thăm thân quyến và giới thiệu CD Consonnances với bạn bè ở quê nhà. Đây là album tập hợp những bản nhạc đàn tranh biểu diễn cùng tứ tấu đàn dây Tây phương theo đúng thể thức Nhã nhạc truyền thống, trong đó, một số bài được Trí Nguyễn sáng tạo thêm khi đưa vào một vài trích đoạn ngắn trong những tác phẩm của các nhà soạn nhạc cổ điển nổi tiếng như Vivaldi, Beethoven, Mussorgsky... Không những được thụ hưởng một cách bài bản và chính thống cả nền giáo dục Tây phương lẫn hệ giá trị truyền thống Á Đông, Trí Nguyễn còn sở hữu giọng đàn man mác vẻ phong nhã, kín đáo nhưng cũng rất phóng khoáng và lãng mạn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, anh tiếp tục theo học chuyên ngành piano tại École Normale de Musique de Paris (Sư phạm Âm nhạc Paris - trường đào tạo âm nhạc bậc cao của Pháp) và sau đó được mời giảng dạy trong nhiều lớp học chuyên đề dành cho piano. Tuy nhiên, cây đàn tranh vẫn gắn bó với anh như một người bạn tâm giao tri kỷ. Anh chia sẻ, khi giãi bày tâm tư với 16 dây đàn (vì thế còn gọi là đàn thập lục) thì dù có tha hương ly xứ, anh vẫn luôn tìm được nguồn đồng cảm và thấu hiểu. Vốn là một nhạc cụ quan trọng trong dàn tiểu nhạc, âm sắc trong trẻo của đàn tranh có lẽ gần gũi với tâm tính người Việt cũng bởi cái tình thiết tha, êm ả ấy. Trong Consonnances, Trí Nguyễn cân nhắc rất kỹ mới quyết định chọn nhưng bản cầm gợi nhớ tình quê như: Trăng thu dạ khúc, Lý con sáo, Nam ai, Ái tử kê, Tử quy từ... Điều đặc biệt ở Consonnances là lần đầu tiên, người yêu mến được thưởng thức cây đàn tranh diễn tấu từ đầu đến cuối cùng bộ dây của dàn nhạc thính phòng những bản cầm cổ theo đúng luật điệu của Nhã nhạc chứ không hòa tấu với ban nhạc tài tử, hay độc tấu những bản chuyển soạn hoặc phối âm mới theo những thể loại nhạc hiện đại. Mỗi khúc đàn dẫn dắt người nghe tới một miền cảm xúc thân thuộc. Không chỉ là tâm tình cùng cây đàn tranh, Trí Nguyễn còn gửi gắm trong tiếng đàn nỗi niềm hoài xứ. Bản đàn kết thúc Consonnances được chơi theo hình thức độc tấu đệm ngâm, với giọng ru của chính Trí Nguyễn, bồi hồi, chân chất, "rặt miền Tây" như chưa từng bước chân ra khỏi mảnh đất cha ông. Trí Nguyễn cho biết, do anh được một trong những nhạc sư nổi tiếng nhất Sài Gòn trước đây, cố nghệ sĩ Hai Biểu, chỉ dạy hoàn toàn theo lối cổ, nghĩa là ký âm ngũ cung hò, xừ, xang, xê, cống nên trước giờ anh vẫn chơi nhạc theo cách đã được truyền thụ. Anh cũng muốn người nghe Consonnances cảm nhận được vẻ đẹp tinh tuyền của tiếng đàn tranh, và đồng điệu cùng âm nhạc của người Việt Nam thay vì biến đổi đàn tranh để tìm sự hài lòng nơi đại chúng. Người nghe sẽ vô cùng ngạc nhiên, thú vị khi thấy vai trò lĩnh xướng của cây đàn tranh, cũng như sự hòa điệu vô cùng mềm mại, tự nhiên cùng những "bạn diễn" hàn lâm, sự uyển chuyển của những nhạc cụ có âm vực thấp như cello khi "thể hiện" âm nhạc Á Đông thuần chất. Đáng tiếc, ở thời điểm hiện tại, Consonnances chưa được bán ở Việt Nam mà chỉ dành tặng bạn bè thân hữu. Khán giả mộ điệu chỉ có thể mua trực tuyến trên iTunes. Dù vậy, ý định trở về Việt Nam ngay sau khi hoàn thành CD Consonnances của Trí Nguyễn cũng đã tượng hình. "Tất cả xuất phát từ sở nguyện được chia sẻ để đồng bào mình biết rằng dù có đi tới chân trời góc bể, tôi vẫn mãi là người con nước Việt", Trí Nguyễn tâm sự. Theo DNSG Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|