top-banner-2

Thứ hai, 26/01/2015, 16:01 GMT+7

3 cách đối nhân xử thế giúp bạn sống an vui

Viết bởi Văn Tuyết   
Thứ hai, 26/01/2015, 16:01 GMT+7

Có ba từ nên nhớ trong đầu để bạn có cuộc sống an vui. Mỗi từ là một câu chuyện tôi muốn chia sẻ với bạn. Mong rằng nó sẽ giúp bạn vượt qua những mệt mỏi hằng ngày.

Bắt đầu bằng từ thứ nhất nhé: Không chống đối

Ở Nhật Bản có vị thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc, được nhiều người kính trọng và có rất nhiều người thường đến nghe ông ta dạy về thiền. Rồi một hôm bỗng nhiên có tin một thiếu nữ trẻ, con một người hàng xóm của ông mang thai.

Khi bố mẹ trách mắng và tra hỏi ai là cha đứa trẻ, cô đánh liều nói với cha mẹ rằng, đó là con của thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc. Rất tức giận, bố mẹ cô dẫn cô tới gặp Bạch Ẩn và dùng những lời lẽ nặng nề cáo buộc ông là cha đứa trẻ mà con gái ho đang mang. Ông chỉ trả lời ngắn gọn “Thật thế ư?”

Tin về vụ tai tiếng lan nhanh khắp thị trấn và bay xa ra những vùng lân cận. Uy danh của thiền sư giảm sút, không mấy người còn muốn đến học với ông nữa, nhưng ông vẫn không nao núng. Khi đứa bé được sinh ra, bố mẹ mang hài nhi đến cho Bạch Ẩn và đòi ông nuôi dưỡng nó. Vị thiền sư chẳng nói gì, chỉ nhận lấy đứa trẻ, yêu thương và chăm sóc.

Một năm sau, cô gái trẻ ăn năn thú nhận với bố mẹ rằng, người cha thực sự của đứa trẻ là nột chàng thanh niên bán thịt ngoài chợ. Quá ân hận, họ tìm đến Bạch Ẩn để xin lỗi và mong ông tha thứ. “Chúng tôi rất ân hận, chúng tôi đến để xin đứa bé về. Con tôi nói rằng ngài không phải là cha đứa bé.” Ông trao đứa bé cho họ và cũng chỉ nói “Thật thế ư?”

04 Blue FLower

Bạn hiểu gì về câu nói “Thật thế ư” này? Hãy tưởng tượng nếu đó không phải là Bạch Ẩn mà là bạn, thì bạn sẽ phản ứng như thế nào trong tình huống đó?

Vị thiền sư đã phản ứng với mọi chuyện một cách thản nhiên. Dù sự giả dối hay sự thật, dù tin tốt hay tin xấu cũng cùng một cách như nhau. Ông cứ để giây phút hiện tại diễn ra, và ông chọn không tham gia vào những bi kịch trong đời sống. Đó là tâm không chống đối.

Ta thường có xu hướng đòi hỏi áp đặt hoàn cảnh theo đúng ý mình, khi thực tế không diễn ra như vậy, tâm chống đối trong ta bắt đầu khởi sinh “Sao đường lại kẹt xe, sao xe lại lủng lốp, sao trời lại đổ mưa…”. Bạn bắt đầu nhìn mọi thứ như một thảm họa.

Chống đối là cách bạn biến mình thành nạn nhân. Vì khi phản kháng lại những gì đang xảy ra, bạn sẽ lệ thuộc vào nó. Càng chống đối cuộc sống, bạn càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Elise MacCormic nói “Khi thôi phảng kháng lại những điều không thể tránh khỏi, ta sẽ tự giải phóng một nguồn năng lượng giúp ta tạo dựng cuộc sống tươi đẹp hơn”.

Với bạn thì sao, khi những điều bất như ý xảy ra, liệu bạn có bình thản chấp nhận và hòa hợp với nó để mọi chuyện nhanh chóng tốt hơn không!?

Chúng ta đến với từ thứ hai nhé! – Không phán xét

Đó là câu chuyện về một người đàn ông thông thái trúng số một chiếc xe, gia đình và bạn bè đến chúc mừng. “Ồ, ông quả là người may mắn!” Ông mỉm cười trả lời “Có lẽ thế”. Trong mấy tuần đó ông rất vui vẻ với chiếc xe mới của mình.
man in car

Một ngày kia, có tay say rượu đụng vào xe của ông ta trên xa lộ, và ông phải vào bệnh viện vì bị thương ở nhiều chỗ. Gia đình và bạn bè chạy đến bảo “ông quả là không may”. Ông lại mỉm cười nói “có lẽ thế”.

Khi ông đang nằm ở bệnh viện, có cơn mưa lớn đổ xuống, đất lở vào ban đêm cuốn theo nhà cửa của ông xuống biển. Bạn bè và gia đình lại tới “Ông thật may mắn khi ở bệnh viện”. Ông lại đáp “có lẽ thế”.

Câu nói Có lẽ thế của người đàn ông thông thái này nói lên thái độ từ chối bình phẩm phán xét những điều đang xảy ra. Thay vì phán xét hoàn cảnh, ông chấp nhận hiện tại đúng như chính nó.
Người Ấn Độ có một quy tắc tâm linh “Bất cứ điều gì xảy ra thì đó chính là điều nên xảy ra”. Không có điều gì tuyệt đối, không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi cả. Thậm chí cả với những điều nhỏ nhặt ít quan trọng nhất. Những gì đã xảy ra chính là những gì nên xảy ra và phải xảy ra giúp chúng ta học ra bài học để tiến về phía trước. Bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều tuyệt đối hoàn hảo, thậm chí cả khi nó thách thức sự hiểu biết và bản ngã của chúng ta.

Tương tự vậy, đừng vội vàng phán xét một việc gì là tốt hay xấu. Thái độ phán xét cuộc sống chỉ khiến bạn thêm gay gắt và khốn khổ hơn mà thôi. Bình tâm đón nhận mọi điều đang xảy ra mới chính là nghệ thuật để có cuộc sống an vui, khoáng đạt. Nhớ điều này bạn nhé!

Đây là từ thứ ba: Không ràng buộc

Ngày xưa ở Trung Đông có một vị vua luôn khổ sở vì những cảm xúc vui buồn thất thường của mình. Một điều nhỏ nhặt nhất cũng làm cho ông cảm thấy kích động, tạo nên những phản ứng mạnh mẽ ở nơi ông. Nhà vua thường rơi vào cảm giác buồn chán thất vọng. Một ngày kia, quá mệt mỏi với cuộc sống chính mình, ông cố tìm cách thoát ra khỏi tình trạng đó. Vua cho mời một nhà thông thái có tiếng đến. Nhà vua nói với ông: “Ông có thể cho ta điều gì đó mang lại cho ta sự quân bình, yên tĩnh và sáng suốt cho cuộc sống của ta không. Ta sẽ trả cho ông với bất cứ giá nào”. Nhà thông thái trả lời: “Thần sẽ tặng cho bệ hạ nếu ngài hứa là sẽ tôn trọng nó”.

Nhà vua hứa sẽ làm theo lời ông dặn. Ông trao cho nhà vua một chiếc vòng bằng vàng nhỏ. Chiếc vòng có khắc dòng chữ “Chuyện này rồi cũng sẽ qua”. Nhà vua thắc mắc hỏi, điều đó có nghĩa là gì? Nhà thông thái không trả lời mà chỉ bảo: “Ngài nhớ luôn mang chiếc vòng này. Dù có chuyện gì xảy ra, trước khi ngài cho rằng chuyện đó là tốt hay xấu, hãy nhớ đưa tay chạm vào chiếc vòng và đọc lên những chữ này. Ngài sẽ luôn được bình yên.”

Chuyện này rồi cũng sẽ qua là câu nói đơn giản mà có sức mạnh. Những chữ khắc trên chiếc vòng này không hẳn là khuyên ta không nên vui mừng vì những điều tốt đẹp. Chúng cũng không có ý tạo ra niềm an ủi cho bạn khi lâm vào tình huống khó khăn. Chúng có một mục đích sâu hơn, giúp bạn nhận thức được tính chất ngắn ngủi tạm thời của mọi tình huống. Bởi dù điều tốt hay xấu đều sẽ không mãi mãi.

Không ràng buộc không có nghĩa là bạn không còn tìm thấy niềm vui với những điều tốt lành trong thế gian này. Mà thái độ này giúp ta cảm nhận niềm vui của mỗi sự việc sâu sắc hơn. Khi hiểu và chấp nhận tính tạm thời của mọi sự, ta có thể cảm thấy niềm vui khi nó thể hiện mà không ràng buộc vào nó, không lo sợ bị mất đi.

Ý nghĩa của câu nói này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi ta nhìn lại bối cảnh của hai câu chuyện trước đây. Câu chuyện thứ nhất về vị thiền sư luôn trả lời những điều mà người ta vu khống cho ngài bằng câu nói “thật thế ư?”; thể hiện thái độ bất phản kháng trong nội tâm của ngài trước mọi tình huống, tức là chấp nhận tất cả những gì đang xảy ra mà không chống đối.

Câu chuyện thứ hai về người đàn ông luôn trả lời gọn lỏn “có lẽ thế”, cho thấy cái khôn ngoan khi trong lòng không có sự phán xét. Còn câu nói “chuyện này rồi cũng sẽ qua” trong câu chuyện này, đề cập đến tính chất tạm thời của mọi chuyện xảy đến cho bạn trong đời sống, để giúp bạn có thái độ không tham đắm.

Không chống đối, không phán xét, và không ràng buộc là ba khía cạnh của thứ tự do chân thật của một lối sống an nhiên tỉnh thức. Trong cuộc sống, những lúc bất tịnh khởi sinh trong tâm khiến bạn không quản lý được cảm xúc của mình, hãy nhớ đến ba từ này, có thể nó sẽ giúp bạn bình tâm sáng suốt hơn để vượt qua.

Theo langnhincuocsong.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

3 cách đối nhân xử thế giúp bạn sống an vui

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc