Trung Quốc và 'quả bom' đang chực chờ nổ tung: Không nhà, ít tiền, người trẻ 'sợ' kết hôn |
Viết bởi ducanh |
Thứ sáu, 23/12/2022, 11:40 GMT+7 |
Hàng triệu thanh niên Trung Quốc lựa chọn không kết hôn, hoặc ít nhất là chưa kết hôn, vì họ thấy đang bị áp lực bởi chi phí của việc lập gia đình đang tăng cao.
Nhân sự ngành truyền thông Liu Maomao có một danh sách liên hệ đặc biệt trên ứng dụng nhắn tin QQ và WeChat của công. Trong đó có một nhóm bao gồm tài khoản của những người mà cô hẹn hò giấu mặt từ năm ngoái. Song, thay vì coi là những “đối tác” tiềm năng, thì với Liu, đó chỉ là những tấm “card visit” bị bỏ quên mà cô không hề cập nhật gì thêm trong suốt 6 năm qua. Liu giải thích rằng chỉ đơn giản là cô không có tâm trạng để yêu đương. Cô nói: “Tôi chẳng có lý do gì cụ thể, có lẽ chỉ vì cảm thấy rất tuyệt sau khi sống một mình trong thời gian dài.” Người trẻ chịu quá nhiều áp lực và không muốn kết hôn Liu là một trong số hàng triệu thanh niên Trung Quốc lựa chọn không kết hôn, hoặc ít nhất là chưa kết hôn, vì họ thấy đang bị áp lực bởi chi phí của việc lập gia đình đang tăng cao. Và cảm giác thờ ơ ngày càng trở nên phổ biến, khiến các nhà hoạch định chính sách nước này lo ngại và chuẩn bị tinh thần cho một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng tồi tệ. Xu hướng này dù không chỉ xảy ra ở Trung Quốc nhưng trở nên căng thẳng hơn tại quốc gia này sau gần 3 năm đại dịch diễn ra. Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, số lượng các cặp vợ chồng mới kết hôn đã giảm trong 8 năm liên tiếp vào năm 2021, còn 7,64 triệu – mức thấp kỷ lục kể từ lần đầu dữ liệu được công bố vào năm 1985. 3 quý đầu năm 2022, số cặp đăng ký kết hôn ở Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong lịch sử là 5,4 triệu. Trong khi đó, số người kết hôn lần đầu cũng giảm xuống mức thấp nhất vào năm 2021 với 11,58 triệu. Con số này chỉ bằng 1 nửa mức cao nhất đạt được vào năm 2013. Theo dữ liệu điều tra dân số của Trung Quốc, độ tuổi kết hôn trung bình đối với cuộc hôn nhân đầu tiên đã tăng lên 28,67 vào năm 2020, tăng từ 24,89 vào năm 2010. Việc trì hoãn kết hôn, đặc biệt là đối với phụ nữ, là một xu hướng tự nhiên trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và ngày càng nhiều người học đại học, cùng các điều kiện vĩ mô khác tác động như giá nhà đất tăng cao và áp lực việc lớn hơn. Với những lý do đó, ngày càng nhiều người không muốn lập gia đình, theo Jiang Quanbao – giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Xian Jiaotong. Jiang cho hay: “Hiện tại, độ tuổi kết hôn lần đầu ở Trung Quốc có thể còn tăng hơn nữa. Quốc gia này có thể đi theo quỹ đạo của một số nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc.” Ông nhận định thêm, dù tỷ lệ người chưa kết hôn trong toàn bộ dân số ở Trung Quốc vẫn còn thấp so với nhiều nền kinh tế phát triển, nhưng đối với phụ nữ có bằng đại học trở lên thì tỷ lệ người chưa kết hôn là khá cao. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm ngoái bởi Trung tâm Nghiên cứu thuộc Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc với 2.905 thanh niên thành thị chưa lập gia đình trong độ tuổi từ 18-26, khoảng 44% phụ nữ cho biết họ không có kế hoạch kết hôn còn nam giới là 25%. Felisa Li – chuyên gia ngành quan hệ công chúng ở Bắc Kinh, người hiện vẫn độc thân, chỉ ra mặt tích cực, xu hướng này có nghĩa là phụ nữ Trung Quốc hiện đại có nhiều lựa chọn hơn là chỉ làm nội trợ. Cô nói: “Trước đây, phụ nữ thường ở nhà để chăm sóc gia đình, nhưng điều này không còn đúng nữa. Họ có thể sống độc lập và làm công việc mình yêu thích.” Dù Trung Quốc đã khởi động các chính sách hỗ trợ việc nuôi dạy trẻ em trong năm qua, từ tối ưu hóa chế độ nghỉ thai sản đến cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc trẻ em hơn, nhưng Li nhận định mọi thứ vẫn “như muối bỏ bể”. Li cho hay: “Nếu bạn sống ở các thành phố hạng 1, bạn sẽ cần ít nhất 1 căn hộ 2 phòng ngủ nếu muốn có 2 con. Và mục tiêu này rất khó để đạt được nếu ở Bắc Kinh. Tôi sở hữu căn hộ 1 phòng ngủ và như thế là đã cố gắng hết sức rồi.” Giá nhà cao chỉ là một phần của nỗi lo Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), dù thị trường bất động sản ảm đạm hơn, nhưng giá nhà tại các thành phố lớn ở Trung Quốc gần như vẫn không bị ảnh hưởng, hay thậm chí là tiếp tục tăng trong năm qua. Nhưng đối với Veronica Qi, 26 tuổi, những rào cản đối về giá nhà lại chẳng là gì so với một tương lai bất ổn. Qi – một freelancer ở Bắc Kinh, chia sẻ: “Vài năm trước, giá nhà cũng cao nhưng người trẻ vẫn muốn kết hôn và sinh con vì họ có hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn. Còn bây giờ nhiều người đang chán nản vì họ nghĩ không có hy vọng gì cho tương lai.” Điều khiến Qi lo lắng là việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách Zero Covid, đã kéo dài suốt 3 năm qua và đột ngột kết thúc. Cô không dám chắc rằng liệu những quy định nghiêm ngặt có được áp dụng trở lại hay không. Yao Yang – hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh, cho biết dịch bệnh đã gây áp lực cho tỷ lệ sinh đang giảm của Trung Quốc. Yao phát biểu trong một hội thảo: “Do dịch bệnh, người dân Bắc Kinh không thể tổ chức tiệc cưới trong gần 1 năm nay. Trong khi đó, với người Trung Quốc, nếu một cặp vợ chồng không tổ chức tiệc cưới thì không thể coi là đã kết hôn. Và nếu chưa kết hôn thì họ không nên có con.” Đối với Charlotte Chen – 27 tuổi, đại dịch đã khiến kế hoạch kết hôn và ổn định cuộc sống với bạn trai ở Thượng Hải của cô bị trì hoãn. Chen nói: “Trước đó, mọi người đều lạc quan và nghĩ rằng rồi sẽ thành công trong tương lai nhưng giờ đây ai cũng lo lắng. Và sau đó chúng tôi cũng thận trọng hơn trong việc đi vay để mua nhà.” Cô nói thêm: “Ở Trung Quốc, ngay cả những người có tư tưởng hiện đại cũng không thể thoát khỏi suy nghĩ rằng mua nhà là điều kiện tiên quyết để kết hôn. Điều này tạo ra gánh nặng lớn cho các cặp vợ chồng, đặc biệt là đàn ông.” Với các cặp đôi Trung Quốc, trách nhiệm mua nhà thường “nghiêng” về phía người chồng. Bởi vậy, với nhiều người, không có nhà đồng nghĩa với việc không cưới được vợ. Ngoài ra, đàn ông cũng phải chịu áp lực về khoản sính lễ cho nhà gái. Dù Bắc Kinh đã nỗ lực trong việc cải cách truyền thống cưới hỏi và khuyến khích xu hướng tiết kiệm trong những năm gần đây, nhưng khoản sính lễ cho nhà gái thường vẫn rất cao. Và thủ tục này càng phức tạp ở các vùng nông thôn, nơi số lượng đàn ông nhiều hơn phụ nữ. Tại một thị trấn nhỏ ở tỉnh Thiểm Tây, nam diễn viên lồng tiếng Liu Fei gần đây đã đến dự đám cưới của bạn mình với tư cách là phù rể. Anh kể lại rằng, gia đình chú rể đã chi hơn 470.000 tệ (gần 1,6 tỷ đồng) làm sính lễ cho nhà gái, tổ chức đám cưới và mua một ngôi nhà trong làng. Theo NBS, năm 2021, thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Trung Quốc chỉ là 18.931 tệ. Liu cho biết: “Nếu 470.000 tệ là số tiền mà một gia đình ở nông thôn cần chi để con trai họ kết hôn, thì điều này thực sự có ý nghĩa gì với vùng nông thôn phía bắc này? Đó có thể là số tiền dành dụm cả đời của cha mẹ chú rể và họ phải sống rất tiết kiệm mới có được.” Đối với Liu – người có cha mẹ là nông dân cũng sống ở Thiểm Tây, thì gia đình anh được “xếp” ở hạng cuối cùng trong “thị trường” kết hôn ở nơi này. Anh chia sẻ: “Tôi không thể nghĩ đến việc lập gia đình. Tôi không biết hôn nhân có thể mang lại cho tôi những lợi ích gì khi phải trả số tiền lớn đến vậy. Chưa kể, việc tìm được ‘ý trung nhân’ cũng rất khó khăn.” Tham khảo SCMP theo Chi Lan / cafebiz.vn - 23/12/2022 link nguồn: https://cafebiz.vn/trung-quoc-va-qua-bom-dang-chuc-cho-no-tung-khong-nha-it-tien-nguoi-tre-so-ket-hon-176221223093923815.chn Tags: Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|