top-banner-2

Thứ ba, 17/12/2019, 13:01 GMT+7

Nhờ vả là cả một nghệ thuật: Nếu không khéo miệng thì vừa không được việc lại vừa dễ mất bạn

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ ba, 17/12/2019, 13:01 GMT+7

Đi nhờ với giọng điệu mình là kẻ ban ơn, đánh giá thấp thời gian và công sức đối phương phải bỏ ra để giúp mình… là hai trong số những sai lầm phổ biến nhiều người dễ mắc phải khi đi nhờ cậy người khác. Nếu bạn không tinh tế, bạn không chỉ mất việc mà còn mất cả bạn nữa đấy.

nho-va

Nhờ vả có thành công hay không không chỉ phụ thuộc vào những gì bạn nói và làm mà còn cả những điều bạn không nói và không làm. Có những lời nói ra rất dễ khiến bạn bị "hớ" khi đi nhờ cậy ai đó. Sau đây là 4 sai lầm phổ biến thường khiến mọi người khó được việc, thậm chí còn làm các mối quan hệ trở nên kỳ cục.

1. Nhấn mạnh rằng đối phương sẽ rất vui vẻ nếu người ta giúp mình

"Cậu sẽ không thiệt đâu! Vui lắm đấy!". Một người bạn của một người bạn của tôi có thói quen nhờ vả như thế này: "Đằng ấy sơn hộ mình cái phòng khách được không? Xong chúng mình sẽ uống bia và quẩy xuyên ngày!"

Hay là: "Cậu qua trường đón tớ được không? Lâu lắm rồi mình không gặp nhau. Tiện thể đi dạo phố luôn." Nếu người được nhờ chấp nhận những lời nhờ vả thế này, tình bạn này phải đậm sâu đáng ghi vào sách đỏ!!!

Đừng bao giờ cố thuyết phục ai đó rằng họ sẽ thấy việc giúp đỡ bạn là có lợi cho họ. Mặc dù đúng là giúp đỡ người khác có thể đem lại niềm vui nhưng việc bạn "nhắc" người ta như thế có thể làm đối phương chưng hửng. Thứ nhất, nó cho thấy bạn đang điều khiển họ, đối phương đang không có quyền tự chủ. Thứ hai, đừng định hướng cảm xúc của người khác, việc đối phương cảm thấy như thế nào sẽ do họ quyết định.

Bạn có thể chỉ ra những lợi ích đối phương có thể nhận lại nếu bạn đủ tinh tế. Tuy nhiên bạn nên cẩn thận để không trở thành kẻ ban ơn trong mắt đối phương, việc này sẽ khiến đối phương nhận ra ý đồ muốn thao túng của bạn.

Nhờ vả là cả một nghệ thuật: Nếu không khéo miệng thì vừa không được việc lại vừa dễ mất bạn - Ảnh 1.

2. Mô tả sự nhờ vả của bạn như một lời thỉnh cầu nhỏ bé

Một sai lầm phổ biến nhiều người mắc phải là mô tả sự nhờ vả của mình như những lời thỉnh cầu nhỏ bé. Bạn có thấy những kiểu tối thiểu hóa sự phiền hà như thế này quen không: "Em đưa hợp đồng này cho khách hộ chị được không? Đằng nào cũng tiện đường em về nhà mà." Hay là nhấn mạnh rằng việc này không tốn nhiều thời gian: "Em cập nhật dữ liệu lên hệ thống hộ chị nhé! Mất không đến năm phút đâu."

Khi bạn tối thiểu hóa lời nhờ vả của mình, bạn đang tổi thiểu luôn sự giúp đỡ của người khác – "xem nhẹ" lòng tốt mà đối phương có lẽ đã muốn dành cho bạn. Cũng có trường hợp chúng ta tính toán lầm lời nhờ vả do người được nhờ làm trong những lĩnh vực mà chúng ta không hiểu rõ. Cô bạn tôi quen làm biên tập sách từng nhận được email từ một người bạn học cũ nhờ xem qua bản thảo của anh ấy với nội dung như sau: "Tớ nghĩ tớ viết khá rõ ràng rồi, chắc cậu đọc qua cũng nhanh thôi nhỉ? Không mất nhiều thời gian của cậu đâu!". Khi bạn tôi mở tệp đính kèm ra thì hiện trước mắt là một bài viết học thuật cỡ 6000 chữ.

Nếu bạn thấy chột dạ vì hình như mình cũng từng có kiểu nhờ vả tương tự, tôi không nghĩ đó là vì bạn ích kỷ. Chỉ là bạn hơi vô tâm. Bạn không ý thức được tầm quan trọng của khoảng thời gian bạn đang "xin" từ người khác. Những điều bạn vô tình làm phản ánh suy nghĩ: những việc người khác đang làm là dễ dàng, nhanh chóng, tầm thường và miễn phí. Tất nhiên đây không phải là suy nghĩ một người đang cần sự giúp đỡ nên có.

Bạn tiếp xúc hằng ngày với những người làm từ nhiều lĩnh vực bạn không hiểu hết như IT, HR, sales hay marketing. Nếu bạn không nắm được đặc thù công việc của đối phương, đừng kết luận rằng sự giúp đỡ của họ sẽ không mất nhiều thời gian nếu lần sau bạn còn muốn nhờ vả.

Nhờ vả là cả một nghệ thuật: Nếu không khéo miệng thì vừa không được việc lại vừa dễ mất bạn - Ảnh 2.

3. Nhắc đối phương rằng họ từng nợ bạn một ân huệ

"Nhớ ngày xưa anh phụ trách hộ em một ca khách hàng khó tính không?"

"Nhớ lần trước chị trông con hộ em không?"

"Nhớ ngày xưa mày toàn quên chìa khóa nhà, tao phải bỏ đi chơi về mở cửa cho mày không?"

Vì việc nhờ vả khiến chúng ta không thoải mái, chúng ta có xu hướng nhắc lại cho đối phương nhớ về những lần chúng ta từng giúp đỡ họ. Việc này dễ khiến câu chuyện trở nên khó xử. Quay lại với ví dụ cô bạn làm biên tập sách của tôi, khi nhận được bản thảo 6000 chữ trong hộp thư, cô ấy rất muốn từ chối. Nhưng vì nói "không" có vẻ phũ phàng quá nên cứ dùng dằng.

Sau cùng bạn tôi đã gửi lại một email rằng bản thảo anh bạn kia gửi sẽ ngốn mất của cô ấy 40 giờ đồng hồ, liệu có một chương cụ thể nào anh bạn đang còn phân vân không. Khi trả lời thư, anh bạn kia đã nhắc bạn tôi rằng anh ấy từng biên tập bài của cô ấy hồi cô còn làm cộng tác viên cho một tờ báo địa phương. Về mặt lý thuyết thì phải có đi có lại. Anh ấy từng giúp đỡ bạn tôi và cả hai cũng là bạn học cũ, cô bạn tôi cũng nên làm gì đó để báo đáp lại ân nghĩa ngày xưa chứ?

Ý thức về sự có đi có lại khiến chúng ta dễ nói đồng ý trước một lời nhờ cậy hơn nhưng cùng lúc nó khiến chúng ta có cảm giác mình đang bị điều khiển, thế là việc giúp người cũng bớt vui đi. Có đi có lại sẽ đúng tinh thần nhất nếu việc hai bên giúp nhau có sự cân bằng. Trong trường hợp của bạn tôi, bản tin 500 chữ không thể ngang với bài nghiên cứu lịch sử 50,000 chữ được. Thêm vào đó, hai sự việc nên có sự tương đồng về thời gian. Trừ khi bạn nợ ai đó một ân tình lớn như ơn cứu mạng, không ai có thể bắt bạn trả nợ suốt hàng chục năm được.

Điểm mấu chốt của có qua có lại là: Khi bạn gợi nhắc cho ai đó rằng họ mắc nợ bạn, nhiều khả năng họ sẽ không nghĩ như vậy. Việc đó dễ khiến đối phương nghĩ rằng bạn đang cố điều khiển họ, mà nói thật lòng thì đó cũng là ý định của bạn đúng không! Trong mắt đối phương bạn có thể hơi hẹp hòi và hảo cảm cũng sẽ bị mai một. Như kiểu hai người đi ăn pizza và một người nói với người kia rằng anh ta nên trả nhiều tiền hơn vì anh này ăn 6 miếng. Tính toán quá chi li đặc biệt gây tổn hại cho các mối quan hệ.

Nhờ vả là cả một nghệ thuật: Nếu không khéo miệng thì vừa không được việc lại vừa dễ mất bạn - Ảnh 3.

4. Nói về cách sự giúp đỡ của đối phương sẽ khiến bạn hạnh phúc như thế nào

Chúng ta đều ý thức được việc mình cần thể hiện sự biết ơn và trân trọng với sự giúp đỡ của người khác. Thế nhưng rất nhiều người mắc phải sai lầm này: Tập trung vào cảm xúc của chính mình – hạnh phúc, vui vẻ khi được người khác giúp đỡ thay vì tập trung vào người giúp đỡ.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Bắc Carolina, Hoa Kỳ chia cách một người thể hiện sự biết ơn thành 2 dạng: "khen ngợi đối phương" – công nhận và tán dương những nét tính cách của người giúp đỡ và "lợi cho mình" – mô tả cách người được nhận sự giúp đỡ hưởng lợi. Nhóm nghiên cứu tiến hành quan sát cách các cặp đôi thể hiện sự biết ơn trước một điều đối phương làm cho mình và chúng cũng được chia thành 2 nhóm với các ví dụ như sau:

Khen ngợi đối phương

"Anh rất trách nhiệm…"

"Em đã cố gắng rất nhiều…"

"Anh thấy em làm rất tốt…"

Lợi cho mình

"Nhờ anh mà em được thư giãn."

"Em có cái để khoe với đồng nghiệp rồi."

"Em hạnh phúc lắm."

Phía người giúp đỡ được yêu cầu đánh giá những phản hồi biết ơn họ nhận được, về sự hạnh phúc, tình yêu họ cảm nhận được từ đối phương. Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng những lời "khen ngợi đối phương" sẽ khơi gợi những cảm xúc tích cực, yêu thương hơn là kiểu biết ơn vì "lợi cho mình".

Con người nói chung thích nói về bản thân mình, ngay cả khi đó là lúc chúng ta nên suy nghĩ và nói về người khác. Một cách tự nhiên, khi chúng ta được nhận những sự hỗ trợ chất lượng, chúng ta muốn nói về cách chúng khiến chúng ta thấy hạnh phúc. Thế là chúng ta cũng quy kết rằng đó cũng là điều người giúp chúng ta muốn nghe. Nhưng sự thật không hẳn như vậy.

Đúng là người giúp bạn muốn bạn được vui vẻ nhưng động cơ của họ lại phụ thuộc vào cách người đó muốn khẳng định và cả lòng tự tôn của chính họ. 

Chúng ta giúp đỡ người khác vì chúng ta muốn trở thành người tốt, sống theo những lý tưởng mình đề cao và muốn được ngưỡng mộ. Người giúp đỡ bạn muốn nhìn vào khía cạnh tích cực của bản thân và việc này trở nên khó khăn nếu bạn cứ không ngừng kể lể về chính mình. Bạn đang biến mình thành ngôi sao của câu chuyện mà đó lẽ ra là vị trí của người đã giúp đỡ bạn.

Theo Phương Thảo/Cafebiz.vn - 17/12/2019

Link nguồn: http://ttvn.vn/kinh-doanh/nho-va-la-ca-mot-nghe-thuat-neu-khong-kheo-mieng-thi-vua-khong-duoc-viec-lai-vua-de-mat-ban-52019171281322491.htm


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nhờ vả là cả một nghệ thuật: Nếu không khéo miệng thì vừa không được việc lại vừa dễ mất bạn

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc