top-banner-2

Thứ năm, 30/05/2019, 11:48 GMT+7

TP.HCM đổi cách làm dự án giao thông

Viết bởi Mai Ngọc   
Thứ năm, 30/05/2019, 11:48 GMT+7

UBND TP lập quỹ với kinh phí ban đầu khoảng 1.000 tỉ đồng để phục vụ công tác nghiên cứu triển khai các dự án giao thông thay vì giao trực tiếp cho các nhà đầu tư như thời gian qua

Ngày 29-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP và các sở, ngành liên quan về một số dự án giao thông cần tập trung đẩy nhanh tiến độ. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP cùng với các sở, ngành đã mổ xẻ vướng mắc ở các tuyến đường vành đai, cửa ngõ, cao tốc để đẩy nhanh tiến độ thi công, triển khai thực hiện.

doi-cach-lam-du-an-giao-thong

Đề xuất chuyển hình thức đầu tư nhiều dự án

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết thời gian qua, công tác huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các tuyến đường vành đai, các tuyến quốc lộ, các nút giao thông quan trọng, các tuyến đường trục chính nội đô… Điển hình như tuyến Vành đai 2. Tuyến này có chiều dài 64 km với quy mô 6-10 làn xe, hiện còn 11 km dự kiến khép kín vào năm 2022.

Theo Sở GTVT, chi phí bồi thường đoạn 1 và 2 (từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) ước khoảng 5.100 tỉ đồng, còn chi phí xây lắp khoảng 2.700 tỉ đồng. Để gỡ "điểm nghẽn" này, Sở GTVT cùng các sở, ngành chuyên môn kiến nghị nên chuyển dự án theo hình thức đầu tư công và trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư. Ông Lâm cho rằng nếu được chấp thuận đầu tư theo hình thức này, toàn bộ dự án đường Vành đai 2 sẽ được khép kín vào năm 2022.

Không chỉ dự án đường Vành đai 2, hàng loạt dự án giao thông ở các cửa ngõ như dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50…, được đầu tư theo hình thức BOT, BT cũng được Sở GTVT đề xuất chuyển sang hình thức đầu tư công. Sở GTVT nhìn nhận do các dự án nêu trên đầu tư mở rộng, nâng cấp trên các tuyến đường hiện hữu, theo Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải tạm dừng hình thức BOT trên đường hiện hữu. Riêng đối với các dự án theo hình thức BT thì hiện nay Chính phủ chưa có các quy định hình thức đầu tư và xác định quỹ đất BT. Do đó, ông Lâm xin UBND TP chuyển đổi hình thức đầu tư sang sử dụng vốn ngân sách.

Không giao trực tiếp cho nhà đầu tư nghiên cứu

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cơ bản đồng ý với những đề xuất liên quan đến đường Vành đai 2 và yêu cầu các sở, ngành liên quan gấp rút thực hiện ngay. Ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo: "Trong tháng 7-2019, Sở GTVT phải hoàn chỉnh các thủ tục, báo cáo UBND TP để UBND TP trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công đoạn 1 và đoạn 2 tuyến Vành đai 2". Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ phê duyệt tách dự án bồi thường ra thực hiện theo hình thức đầu tư công, đối với dự án xây lắp có thể vẫn triển khai hình thức PPP. Đối với đoạn 4 của tuyến đường Vành đai 2, Chủ tịch UBND TP cũng đưa ra yêu cầu tương tự nhưng thời gian được lùi đến cuối năm 2019.

Đối với những đề xuất khác, Chủ tịch UBND TP lưu ý Sở GTVT và các đơn vị liên quan có rất nhiều dự án hạ tầng giao thông đang trong quá trình đầu tư, vì vậy cần tập trung ưu tiên cho những dự án bức bách, giải tỏa ùn tắc. Rà soát từng dự án một để xác định cụ thể hình thức đầu tư, thời gian tiến độ cụ thể bởi vốn ngân sách chỉ có thể đáp ứng được hơn 20% nhu cầu. Ông Nguyễn Thành Phong cũng đồng ý chủ trương thành lập quỹ với kinh phí ban đầu khoảng 1.000 tỉ đồng để phục vụ công tác nghiên cứu triển khai các dự án thay vì giao trực tiếp cho các nhà đầu tư như thời gian qua.

Đặc biệt, đối với những dự án BT, Chủ tịch UBND TP lưu ý hướng sắp tới chỉ thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư khi dự án đã triển khai thi công hoàn thành, không giao trước như thời gian qua. Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định: "Một khi đã dùng tiền ngân sách để giải phóng mặt bằng, có đất sạch thì phải đấu thầu chọn nhà đầu tư và không giao cho bất kỳ ai". Ông cũng thông tin trước đây TP giao một nhà đầu tư nghiên cứu dự án cầu Thủ Thiêm 4 chứ TP chưa hề giao cho đơn vị cụ thể nào thực hiện dự án. Chủ tịch UBND TP còn nhấn mạnh không "tư duy nhiệm kỳ" nhưng cần lấy nhiệm kỳ làm mốc để đánh giá việc thực hiện 7 chương trình đột phá của TP nên ông yêu cầu từng dự án phải được báo cáo cụ thể hình thức đầu tư, thời gian triển khai, tiến độ thực hiện, vướng mắc tồn tại.

Tập trung khai thác quỹ đất

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tuần sau UBND TP sẽ nghe báo cáo cụ thể và đề nghị các sở, ngành nghiên cứu khai thác quỹ đất dọc theo tuyến đường sắt đô thị, cũng như các đường cao tốc, vành đai. Việc này phải do các sở chuyên ngành chủ trì, quận - huyện phối hợp rà soát thực trạng thì mới hiệu quả và không thể giao cho quận - huyện nghiên cứu. "Việc nghiên cứu khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường sắt đô thị và đường cao tốc, vành đai, các sở - ngành phải báo cáo vào cuối quý III/2019" - ông Nguyễn Thành Phong đề nghị.

  Theo Phan Anh (Người Lao Động)/Khampha.vn - 30/5/2019

Link nguồn: http://khampha.vn/tin-nhanh/tphcm-doi-cach-lam-du-an-giao-thong-c4a719563.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

TP.HCM đổi cách làm dự án giao thông

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc