Ironman và câu chuyện văn hóa doanh nghiệp của CMC Telecom |
Viết bởi Mai Ngọc |
Thứ sáu, 14/09/2018, 17:01 GMT+7 |
Ironman được xem là môn thể thao thuộc hàng khó khăn nhất trên thế giới hiện nay. Song khi luyện tập bộ môn này, sếp và nhân viên ở CMC Telecom “nghiện” và tìm thấy triết lý làm việc ý nghĩa. Cuộc thi Ironman yêu cầu vận động viên hoàn thành 3 môn phối hợp đường dài gồm bơi, đạp xe, chạy bộ. Ironman 70.3 là phiên bản gồm bơi 1,9 km, đạp xe 90 km và chạy half marathon 21,1 km trong 8,5 giờ. Do tính khắc nghiệt quá cao, trên thế giới hiện nay chỉ có khoảng 0,01% dân số hoàn thành. Bất cứ vận động viên nào hoàn thành cuộc thi đều được công nhận là “Ironman” (Người sắt) để chứng thực cho sự chiến thắng bản thân, chứ chưa nói đến việc đứng trên bục quán quân. Tạp chí Forbes nhấn mạnh trong bài báo “Tại sao Ironman tạo ra những lãnh đạo tuyệt vời nhất?”: Ba môn phối hợp đã rèn luyện và phát triển các tố chất của một lãnh đạo gồm khả năng lập kế hoạch, tính kỷ luật và cam kết, tập trung cũng như khả năng cân bằng. Môn Ironman mới gia nhập vào Việt Nam từ năm 2015, và phong trào thể thao trong các công ty, tập đoàn cũng bắt đầu nhen nhóm từ chính các vị lãnh đạo công ty, có thể kể đến như CEO Microsoft Việt Nam, VNG, Momo, Topica… Những nhóm VĐV nghiệp dư đến từ các doanh nghiệp này cũng xuất hiện tràn ngập trong giải thể thao sức bền khắc nghiệt nhất Việt Nam. Dễ thấy rằng phong trào thể thao trong các doanh nghiệp được khởi nguồn từ chính các lãnh đạo cao nhất, và đang lan tỏa với tốc độ đáng ngưỡng mộ nhờ sự hưởng ứng mạnh mẽ của đội ngũ nhân viên. Anh Phó Đức Kiên – Phó Tổng giám đốc CMC Telecom là một trong số ít lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam được chứng thực là “Ironman” sau khi hoàn thành 2 mùa giải Ironman 70.3 tại Đà Nẵng năm 2017, 2018. Nói về bộ môn thể thao này, anh Phó Đức Kiên khẳng định: “Ironman rèn tư duy tích cực, khả năng lập kế hoạch và tuân thủ nghiêm ngặt nếu không muốn thất bại. Đó cũng là hai yếu tố quan trọng nhất để thành công trong công việc”. Từ chuyện chạy bộ… Thời điểm 2015, CMC Telecom được một doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đầu tư với số vốn chiếm tới 45% cổ phần. Kỳ vọng phát triển doanh số và thị phần rất lớn đặt sức ép lớn lên vai những lãnh đạo chủ chốt. Anh Kiên đến với chạy bộ như một mối duyên qua lời rủ của một người bạn để cân bằng và xả stress bởi tính linh hoạt và đơn giản – anh có thể chạy bộ khi tranh thủ thời gian rảnh, không cần lập đội nhóm hay mất công đi đến phòng tập. Vừa luyện tập, anh vừa thành lập câu lạc bộ chạy bộ mang tên CFR (CMC & Friend Runners) để hô hào, “bắt ép” mọi người trong công ty tham gia. Trong khoảng 2 năm, từ một người chưa từng chạy, anh Kiên đã vượt qua những chặng đường chạy cự ly 21, 42 km. Sau lưng chiếc áo chạy của anh có in dòng chữ “Winners never quit, Quitters never win” để thể hiện tinh thần không bao giờ bỏ cuộc của vị sếp CMC Telecom. Cũng trong khoảng thời gian này, câu lạc bộ CFR do anh khởi xướng từ vài chục lên đến hàng trăm thành viên. Sau 2 năm thành lập CFR, năm 2018, gần 1.500 cán bộ nhân viên CMC đã cùng tham gia chạy half marathon trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Tập đoàn. Quá trình luyện tập giúp anh Kiên nhận ra những triết lý quản trị mục tiêu, nguồn lực phù hợp với doanh nghiệp của mình. “Sau quá trình luyện tập, triết lý “tư duy tích cực, làm việc có kế hoạch” ngấm vào con người và hành động của tôi. Qua nhóm chạy CFR và quá trình luyện tập cùng anh em, tôi dễ dàng chia sẻ với mọi người những triết lý này”, anh Kiên cho biết. Đến nay CMC Telecom đã xây dựng được phong trào tập chạy bộ hiệu quả, đóng góp một phần vào xây dựng phong trào gắn kết nhân viên. Nhiều nhân viên mới của CMC Telecom ban đầu tham gia giải chạy chỉ vì tò mò, muốn có ảnh đẹp đăng Facebook hay cảm nhận không khí một buổi luyện tập như thế nào. Sau khi tham gia đều thấy lợi ích của môn thể thao này. Lãnh đạo công ty cũng thường xuyên tài trợ để nhân viên có động lực tham gia các giải thể dục thể thao, nâng cao sức khoẻ và tinh thần làm việc. … Đến triết lý Ironman Khởi xướng phong trào chạy bộ, anh Kiên cũng là nhân tố đầu tiên tập luyện Ironman ở Tập đoàn Công nghệ CMC. Là người thích thử thách, ngại thất bại anh tìm đến với Ironman sau khi xem một bộ phim cảm động về môn thể thao này. Anh Kiên cũng muốn làm gương cho nhân viên khi tự ép bản thân vào quá trình luyện tập gian khổ. Phó Tổng giám đốc CMC lý giải: “Có nhiều nhân viên tham gia câu lạc bộ chạy bộ nhưng không thực sự thích và nghiêm túc. Họ thấy chạy bộ đơn giản nên không hiểu triết lý: Phải thử thách bản thân đừng sợ thất bại, ý nghĩa nằm ở hành trình nhiều hơn đích đến. Tôi muốn chinh phục cuộc đua khắc nghiệt này để làm gương cho nhân viên”. “Ironman là một lối sống, nó rèn giũa cho con người sức mạnh thể chất và ý chí”. Nguồn: Ironman 70.3 Vietnam Năm 2017, khi giải Ironman 70.3 Việt Nam lần thứ hai được tổ chức tại Đà Nẵng, anh Phó Đức Kiên mạnh dạn đăng ký tham gia dù mới chỉ tập chạy bộ, “hơi” biết bơi và chưa đạp xe bao giờ. “Đã đăng ký là không sợ, phải tập kiên trì theo kế hoạch và quyết tâm đạt mục tiêu” - anh Kiên là một trong số ít lãnh đạo tại doanh nghiệp Việt hoàn thành đường đua vất vả ấy. Là “Ironman” đầu tiên của CMC Telecom, anh Kiên đã lan toả tinh thần Ironman với triết lý không ngại thử thách với tư duy tích cực, phong cách làm việc có kế hoạch. Thành công của anh khiến những anh chàng công nghệ CMC vốn chỉ quen với việc bàn giấy có động lực luyện tập thể thao. Và tinh thần Ironman trở thành một nét văn hoá trong CMC Telecom. Dùng thể thao để phát triển văn hóa doanh nghiệp Đã đi qua hai mùa Ironman và vận động được thêm nhiều người luyện tập cùng mình, anh Kiên cũng dần trở thành người bạn của nhân viên. Nhờ câu lạc bộ chạy bộ CFR, ngày cuối tuần của tháng Lãnh đạo công ty cùng tập với nhân viên ở bờ Hồ Gươm và chia sẻ với nhau nhiều câu chuyện thú vị. Ở CMC Telecom, khi chạy sếp cũng chỉ là một vận động viên như mọi người. Ở Tập đoàn CMC, Chủ tịch hay Tổng giám đốc cũng sẵn sàng chạy, chụp ảnh cùng nhân viên như những người bạn. Từ việc chia sẻ triết lý của chạy bộ và tinh thần Ironman, đội ngũ nhân viên, lãnh đạo CMC Telecom đã chung giá trị cốt lõi là “Nhanh – Chuyên nghiệp – Hướng khách hàng”. Trong bất cứ trường hợp nào, nhân viên đều chuyên nghiệp, đúng giờ, đúng kế hoạch. Khi chạy cũng đúng giờ, mặc đồng phục của CMC, luyện tập theo kế hoạch và thi các giải thể thao rất nghiêm túc. Anh Kiên chia sẻ: “Chúng tôi đã tạo ra phong trào luyện tập thể thao mạnh mẽ trong công ty và tập đoàn. Những triết lý trong thể thao được chúng tôi triệt để áp dụng trong công việc như: Tư duy tích cực, kiên trì đến cùng với mục tiêu của mình và làm việc có kế hoạch. Qua đó lan tỏa văn hoá doanh nghiệp.” DCEO CMC Telecom Phó Đức Kiên: “Phải thử thách bản thân đừng sợ thất bại, ý nghĩa nằm ở hành trình nhiều hơn đích đến. Tôi muốn chinh phục cuộc đua khắc nghiệt này để làm gương cho nhân viên.” Nhiều nhân viên CMC Telecom có chung nhận định, cá tính của công ty là linh hoạt. CMC Telecom là doanh nghiệp trẻ - vừa tròn 10 tuổi nên phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn. Vì vậy nhân viên phải làm việc chuyên nghiệp trong điều kiện khó khăn nhất. Điều này cũng giống như triết lý của việc chạy bộ hay thi đấu Ironman. Linh hoạt vì không ngày nào sức khỏe như nhau, không đường chạy nào bằng phẳng. Cần linh hoạt trong điều phối sức lực luyện tập, khi gặp đoạn đường khó thì giữ sức thế nào để vượt qua… Quan trọng hơn cả là chỉ đứng nhìn sẽ thấy luyện tập rất khổ sở. Nhưng khi tập sẽ thấy thư giãn và hạnh phúc vì hoàn thành mục tiêu. Theo Ánh Dương (Nhịp Sống Kinh Tế)/Cafebiz.vn - 14/9/2018 Link nguồn: http://cafebiz.vn/ironman-va-cau-chuyen-van-hoa-doanh-nghiep-cua-cmc-telecom-20180914114605895.chn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|