top-banner-2

Thứ sáu, 19/08/2016, 15:45 GMT+7

Tại sao giàu nhất nhì thế giới nhưng người Nhật dùng mạng xã hội ít nhất thế giới?

Viết bởi An An   
Thứ sáu, 19/08/2016, 15:45 GMT+7

Nguyên nhân khiến người Nhật hạn chế dùng mạng xã hội nằm ở bản chất khép kín, không muốn chia sẻ về cá nhân với cộng đồng.

1-nguoi-nhat-it-dung-mang

Reika Oozeki và Hokuto Ikura, 9x nổi tiếng trên mạng xã hội ở Nhật Bản.

Ryo Hanami là một thanh niên Nhật, năm nay 34 tuổi. Xuất thân từ một gia đình giàu có, bố mẹ từng làm việc tại nhiều tổ chức quốc tế, bản thân từng được gửi sang Mỹ học tiếng Anh 1 năm và tham gia nhiều chương trình trao đổi sinh viên Nhật – Mỹ và Nhật với một số nước châu Âu nên Ryo Hanami có phần cởi mở hơn rất nhiều so với những người Nhật khác. Thế nhưng ngay cả như vậy thì tài khoản Facebook, Line hay Twitter của anh đều khá im lìm.

Thỉnh thoảng lắm người ta mới thấy anh tranh cãi về đề tài nào đó trên mạng, nhưng cách tranh cãi cũng rất ngoại giao để tránh làm mất lòng người khác. Khi động đất Kumamoto xảy ra, anh chia sẻ một vài đường link bằng tiếng Anh để bạn bè quốc tế của anh biết về những gì đang xảy ra tại Nhật. Và… chỉ có thế.

Người ta không thể mong Ryo Hanami chia sẻ nhiều hơn những bức hình về gia đình, hay anh đi ăn, đi chơi với bạn bè. Và tất nhiên cũng không bao giờ anh kêu than phàn nàn về những vấn đề cá nhân của mình trên mạng xã hội.

Dùng tài khoản mạng xã hội đã 7 năm, anh mới cho lên mạng chưa đến 8 bức hình, bức hình đại diện cho tài khoản mạng xã hội của anh được cập nhật lần gần nhất cách đây đến 2 năm.

Hanami đại diện cho phong cách dùng mạng xã hội phổ biến của hàng triệu người Nhật, dù trên thực tế số lượng người dùng mạng xã hội tại nước này không hề ít. Twitter, Line, Facebook, Instagram là những trang mạng xã hội đang được người Nhật sử dụng phổ biến. Dù số lượng người dùng cao nhưng thời gian họ dành cho mạng xã hội và tần suất chia sẻ thông tin trên mạng xã hội được xếp vào diện thấp nhất thế giới.

Theo số liệu mới được công bố bởi ICT Research and Consulting, tính đến cuối năm 2015, Nhật có 68,72 triệu người dùng dịch vụ mạng xã hội, con số này ước tính sẽ lên mức 74,86 triệu vào cuối năm 2018. Dù phần lớn người dùng hiện đang trong độ tuổi 10-20 nhưng tính toán của các tổ chức nghiên cứu cho thấy số lượng người dùng trong độ tuổi 40-50 ngày một nhiều hơn.

Số liệu thống kê được GlobalWebIndex khảo sát với 34 nước trên thế giới và công bố mới đây cho thấy mỗi ngày người Nhật chỉ dành 19 phút cho mạng xã hội. Trong khi đó đứng đầu thế giới là người Philippines với 3h56 phút mỗi ngày. Đứng thứ 2 là Hàn Quốc với 1 tiếng 3 phút. Như vậy rõ ràng phong cách dùng mạng xã hội của người Nhật khác hơn rất nhiều so với các láng giềng của họ.

“Ở Nhật, người ta chỉ dùng mạng xã hội để giao tiếp và chia sẻ thông tin với một nhóm bạn thân nhất định”, ông Yohei Tsunemi, chuyên gia nghiên cứu về hành vi người dùng trên mạng xã hội tại đại học Chiba, nhận xét.

Người Nhật sử dụng điện thoại di động sớm hơn rất nhiều nước khác trên thế giới, chính vì vậy cách người Nhật dùng mạng xã hội không khỏi khiến nhiều người ngạc nhiên. Tuy nhiên khi mà nước Nhật đang hướng đến Olympic 2020, nhiều người đặt câu hỏi liệu mạng xã hội có giúp khuyến khích người Nhật cởi mở hơn nữa trên internet.

Khi mà mạng xã hội được người trẻ sử dụng nhiều hơn, cách người Nhật dùng mạng xã hội cũng thay đổi dần dần. Ví như trong trận động đất, sóng thần năm 2011, mạng xã hội khi đó đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kết nối mọi người, giúp công tác cứu trợ trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Mạng xã hội được người Nhật sử dụng nhiều nhất hiện nay là Line với hơn 50 triệu người dùng thực tế. Line đã phát triển rất nhanh tại Nhật với nhiều tính năng mới, từ gọi điện video cho đến trò chơi và nhiều phiếu mua hàng giảm giá.

Cũng giống như Line, Twitter tại Nhật cũng nhờ có thảm họa động đất sóng thần năm 2011 mà phát triển nhanh chóng lên 35 triệu người dùng. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã trao đổi một số những thông điệp với không ít nhà lãnh đạo thế giới qua Twitter. Nhiều ngôi sao showbiz của Nhật cũng sử dụng Twitter để trao đổi với người hâm mộ.

Thành công về mặt kinh doanh của Twitter tại Nhật cực kỳ lớn, Ví như nhà phân phối phim Fast & Furious 7 đã sử dụng Twitter để quảng bá cho phim và doanh số phòng vé tăng đến 70% so với lần công chiếu phim phiên bản trước.

Facebook hiện có khoảng 23 triệu người dùng thực tế tại Nhật, nhưng đối tượng dùng nó cũng là điều các nhà quảng cáo phải lưu ý. Bởi phần đông người dùng hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp và có trình độ ít nhất từ trên đại học.

Ban đầu người Nhật cực kỳ sợ Facebook bởi với Facebook, người dùng không thể giấu được danh tính của mình. Thế nhưng sau thảm họa năm 2011, thái độ của người Nhật với Facebook cũng thay đổi hơn,. Họ đánh giá cao những giá trị mà trang mạng xã hội này mang lại. Các nhà quảng bá cho Olympic 2020 trong thời gian gần đây đã sử dụng Facebook như một công cụ rất hữu hiệu để quảng bá cho sự kiện này.

Sự trỗi dậy của các mạng xã hội do phương Tây sản xuất đã khiến mạng xã hội Mixi của Nhật trước đây từng rất thịnh hành nhưng nay đang giảm dần về “độ phủ sóng” với người Nhật. Ưu điểm lớn nhất của Mixi so với các trang mạng xã hội phương Tây, đó là nó cho phép người dùng hoàn toàn ẩn danh để nói về những gì họ thích, đúng với nguyên tắc kín đáo của người Nhật.

Theo Tri Thức Trẻ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Tại sao giàu nhất nhì thế giới nhưng người Nhật dùng mạng xã hội ít nhất thế giới?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc