Bác sĩ Võ Xuân Sơn đã trả lời được câu hỏi của MC Tạ Bích Loan |
Viết bởi An An |
Thứ năm, 09/06/2016, 14:54 GMT+7 |
Dù những câu hỏi dồn dập của nhà báo Tạ Bích Loan "Để làm gì? Để làm gì?" nghe rất bức xúc, nhưng tôi cũng phải giật mình nghĩ đến những việc từ thiện mà mình đã và đang làm. LTS: Đúng theo tinh thần "mở" mà chương trình "60 phút mở" đề ra, đã có rất nhiều tranh luận đa chiều về chương trình: Làm từ thiện để làm gì? Chúng tôi xin giới thiệu một góc nhìn khác của bác sĩ Võ Xuân Sơn. Không ít lần tôi quyết định rất nhanh mà không cần suy nghĩ, khi nhận được những lời kêu gọi giúp đỡ, đóng góp tiền, vật dụng cho những người đang cần sự giúp đỡ. Nhiều lần, tôi mua vé số của những người tàn tật, và bỏ vào ngăn bàn, có khi cả vài tháng sau mới nhìn thấy. Về quê, thấy quê nghèo quá, nhiều em thi đậu đại học nhưng gia đình lo lắng vì tiền đóng học phí là một khoản quá lớn đối với họ. Tôi quyết định cung cấp một số học bổng cho các em trúng tuyển đại học. Chưa bao giờ tôi suy nghĩ, làm như vậy để làm gì? Người ta thường hành động bởi sự dẫn dắt của lí trí, nhưng cũng có lúc, con người ta hành động theo tiếng gọi của trái tim. Nếu lúc nào cũng phải suy xét, xem ta có lợi gì, được gì, mất gì khi hành động, ta có còn biết rung động với cuộc sống này hay không? Có còn xứng đáng với trái tim đang đập trong lồng ngực của mình hay không? Bác sĩ Võ Xuân Sơn Khi đọc bài báo của nhà báo Đức Hoàng nói về những khó khăn của các bác sĩ ở Tây Nguyên, tôi quyết định sẽ giúp đỡ họ, những thầy thuốc, những đồng nghiệp kém may mắn hơn tôi. Đó là một quyết định từ trái tim. Tôi được biết nhiều câu chuyện, cho thấy một số đồng bào Tây Nguyên chưa coi trọng sự giúp đỡ vật chất, không sử dụng nó để vươn lên vượt nghèo khó, mà dùng những món quà nhận được để tiêu xài. Tôi không có ý định giúp đỡ họ. Tuy nhiên, khi lên tới Tây Nguyên, được nghe các bác sĩ nói về mô hình bệnh tật và những khó khăn trong hành nghề, được nhìn thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị... và đặc biệt, nghĩ đến những khó khăn mà các thầy thuốc có thể sẽ gặp phải sau khi nhận sự giúp đỡ vật chất, tôi quyết định một hình thức giúp cho bệnh nhân, nhưng vẫn giúp được cho thầy thuốc. Như vậy, số tiền sẽ được dùng để chi cho các dịch vụ cho người bệnh, và các thầy thuốc được hưởng phần tiền công từ đó. Đó là một quyết định xuất phát từ trái tim, nhưng khi thực hiện lại có phần đóng góp của lý trí. Các bác sĩ sẽ không phải giải trình về việc nhận tiền từ một cá nhân hay tổ chức, bản thân họ cũng sẽ không phải mặc cảm vì nhận tiền "cứu trợ". Bệnh nhân cũng được hưởng lợi từ đó. Từ khi thành lập công ty, chúng tôi rất chú trọng về việc tăng cường ý thức cho nhân viên. Hoạt động trong ngành y tế, khả năng rung động, tình thương giữa con người với con người của nhân viên là vô cùng quan trọng. Muốn cho nhân viên của mình có khả năng rung động, có tình thương, không gì tốt hơn là làm từ thiện. Khi đó, từ thiện là một phương tiện để huấn luyện nhân viên. Chúng tôi tổ chức những buổi đi từ thiện tại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, người già neo đơn, hoặc đến các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, những nơi chúng tôi đến, hoặc là có quá nhiều đoàn đến, hoặc họ không thực sự khó khăn, hiệu quả đối với nhân viên không cao. Những buổi từ thiện cứ mang dáng dấp của những chuyến dã ngoại. Căn tin Bệnh viện Nhi đồng 2 - nơi đặt dĩa cơm trên tường. Ảnh: Khương Quỳnh. Đúng lúc đó thì chúng tôi nhận được ý tưởng về "Dĩa cơm trên tường". Còn gì hay hơn, khi nhân viên của chúng tôi vừa góp của, vừa góp công, và họ được gặp ngay những mảnh đời khó khăn, ngay vào lúc khó khăn nhất của họ. Chúng tôi tập trung vào các bệnh viện, nơi có nhiều người nghèo, có những hoàn cảnh éo le. Lúc này thì tôi có thể trả lời nhà báo Tạ Bích Loan, làm từ thiện để làm gì. Nhưng như Newton đã từng phát hiện về hiện tượng phản lực, làm từ thiện cũng vậy. Cho dù những tính toán ban đầu của chúng tôi chỉ là do lí trí, mục tiêu ban đầu của chúng tôi là nhân viên, nhưng sau một thời gian ngắn, những nhân viên của chúng tôi cảm thấy xót xa trước những gì họ chứng kiến, và đã chủ động đề nghị mở rộng, tìm cách kêu gọi quyên góp để nhiều người nghèo được hưởng sự giúp đỡ hơn. Từ những tính toán lí trí ban đầu, chương trình "Dĩa cơm trên tường" đã thực sự là sự rung động của những con tim, mục tiêu của chương trình đã thực sự là người nghèo.
"Dĩa cơm trên tường " là gì? Trong một quán cà phê bồng bềnh tại Venice thơ mộng, một người đàn ông gọi cho mình một ly cà phê, và một ly cà phê trên tường. Người phục vụ mang cho ông ta một ly cà phê thơm phức, và dán một tờ giấy nhỏ lên tường, nơi đã có mấy tờ giấy khác được dán lên. Người đàn ông uống ly cà phê của mình, tính tiền hai ly và đi ra. Một lát sau, một cặp tình nhân nắm tay nhau đi vô, họ kêu hai ly và một ly trên tường. Giống như lần trước, cô phục vụ lại mang một tờ giấy nhỏ dán lên bức tường. Cặp tình nhân vui vẻ bước xuống chiếc ca nô đang chờ sẵn sau khi thanh toán tiền của ba ly cà phê. Một cụ già chống ba toong chầm chậm bước vô quán. Cụ tiến đến bức tường, gỡ một tờ giấy nhỏ dán sẵn trên đó và đưa cho cô phục vụ. Cô phục cầm tờ giấy đi vào, lát sau mang ra cho cụ một ly cà phê. Cụ già ngồi quay mặt ra kênh, ngắm nhìn dòng nước và những chiếc thuyền chở du khách qua lại. Thưởng thức xong ly cà phê, cụ chống ba toong đi ra mà không kêu tính tiền. Câu chuyện lan truyền trên mạng. Đến một ngày kia, cách Venice thơ mộng hơn 13.000 cây số, tại một quán cà phê bên dòng kênh Nhiêu Lộc ở Sài Gòn, một nhóm gồm các bác sĩ, doanh nhân và nhân viên văn phòng, ngồi lại với nhau. Họ cùng nhau ngắm nhìn dòng nước đen của kênh Nhiêu Lộc đang lững lờ trôi, và cùng nhau bắt tay vào một dự án mang tên DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG. Võ Xuân Sơn - Giám đốc Phòng khám quốc tế EXSON (TP HCM) Link nguồn: http://ttvn.vn/doi-song/bac-si-vo-xuan-son-da-tra-loi-duoc-cau-hoi-cua-mc-ta-bich-loan-tu-thien-de-lam-gi--8201696886632.htm
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|