top-banner-2

Thứ tư, 30/12/2015, 15:40 GMT+7

Câu chuyện về món sushi và cuộc đấu tranh nữ quyền thầm lặng ở Nhật Bản

Viết bởi An An   
Thứ tư, 30/12/2015, 15:40 GMT+7

Không phải ai yêu thích món sushi của Nhật đều biết một sự thật rằng, chỉ có nam giới mới được phép chế biến sushi phục vụ khách.

Tại sao chế biến sushi không dành cho nữ giới?

Ở xứ sở hoa anh đào, theo truyền thống phụ nữ không được dạy trở thành đầu bếp làm sushi. Có nhiều câu chuyện giải thích nguyên nhân cho phong tục kỳ lạ này. Phổ biến nhất là quan niệm cho rằng bàn tay phụ nữ quá nhỏ và ấm nên sẽ làm ảnh hưởng đến hương vị của những miếng cá tươi. Ngoài ra do mùi hương từ các loại mỹ phẩm trên người họ có thể làm ảnh hưởng đến sự nhanh nhạy của khứu giác.

Nhiều người cho rằng tay phụ nữ quá nhỏ và ấm để làm sushi. (ảnh: mix7777/iStock)

Yoshikazu Ono, con trai và người thừa kế của bậc thầy nổi danh thế giới Jiro Ono, cho biết: “Để trở thành đầu bếp sushi chuyên nghiệp, một người phải có vị giác ổn định. Do chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, phụ nữ sẽ bị mất cân bằng vị giác, đó là lý do họ không thể làm nghề này”.

Một vấn đề khác cản trở những người phụ nữ tham gia vào công việc chế biến sushi đó chính là việc tham gia vào các chợ nguyên liệu cá tươi truyền thống. Như tại khu chợ cá nổi tiếng Tsukiji ở Tokyo, nơi đây chủ yếu do nam giới giao dịch và quản lý. Do đó những người phụ nữ không có tiếng nói trong lĩnh vực này sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi mua hàng từ những người đàn ông.

Tuy nhiên, đối với nhiều người phụ nữ Nhật, những lý do trên cũng không thể ngăn cản đam mê của họ với công việc tạo ra những miếng sushi tươi ngon, đẹp mắt. 

Truyền thống đã thay đổi 

Dừng chân tại một góc phố đông đúc của quận Akihabara, Tokyo, giữa một chuỗi cửa hàng sushi của các đầu bếp nam giới có một quán ăn đặc biệt mang tên Nadeshico Sushi, nơi toàn bộ đầu bếp sushi đều là nữ. Sự xuất hiện của nhà hàng đặc biệt này đã làm thay đổi toàn bộ lịch sử món sushi trên xứ sở mặt trời mọc.

Nadeshico Sushi nằm trên một con phố đông đúc thuộc quận Akihabara. (ảnh: Urbanmyth/Alamy) 

Quản lý nhà hàng, cô Yuki Chizui, đã ấp ủ niềm đam mê cháy bỏng với món ăn này từ lâu. Khi còn là sinh viên, Chizui làm công việc chào và xếp chỗ cho khách ở nhà hàng, nhưng mơ ước của cô là trở thành đầu bếp sushi. Phải mất 6 năm quan sát những nam đầu bếp chuyên nghiệp khác, cô mới có thể chính thức biến giấc mơ của mình thành hiện thực.

 Yiki Chizui, cô gái 28 tuổi theo đuổi đam mê trở thành nữ đầu bếp sushi chuyên nghiệp ở Nhật Bản, bất chấp những định kiến về sự phân biệt giới tính trong nghề này. (ảnh: AP Photo/Koji Sasahara)

Năm 2010, Chizui thấy quảng cáo tuyển dụng ở Nadeshico ở quận Akihabara, nơi nổi tiếng những cửa hàng cafe với những nữ bồi bàn hoá trang độc đáo. Chủ nhà hàng, ông Kazuya Nishikiori mong muốn các cô gái cũng sẽ có cơ hội bình đẳng với nam giới bằng cách tạo cho họ chỗ đứng trong nghề đầu bếp sushi.

Chizu đã hết sức bất ngờ và hào hứng khi biết rằng có một nơi như vậy đang tồn tại trên đất nước Nhật Bản rất coi trọng truyền thống này. Cô ngay lập tức nắm bắt cơ hội để trở thành quản lý nhà hàng và chính thức được đào tạo về nghệ thuật làm sushi.

Thông thường, để trở thành một đầu bếp sushi chuyên nghiệp, một người phải trải qua quá trình đào tạo rất dài trong suốt 10 năm. Tuy nhiên, đối với Chizui, cô chỉ có thời gian 2 tuần để học những kỹ năng của một đầu bếp chuyên nghiệp từ việc chế biến cá như thế nào cho đến việc thêm các loại gia vị ra sao bởi thầy của cô chỉ đồng ý dậy trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó. Tất cả những thứ còn lại, Chizui đều phải tự học.

Một người hải mất ít nhất 10 năm học nghề mới được công nhận là đầu bếp chuyên nghiệp. (ảnh: whitewish/iStock)

Chizui sau đó đã tuyển và đào tạo nhiều cô gái làm sushi. Làm việc trong thế giới chủ yếu là những người đàn ông, họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chizui thừa nhận: "Rất khó để thu hút khách hàng người Nhật, đặc biệt là những người lớn tuổi, thế hệ rất cứng nhắc trong suy nghĩ. Thay vào đó, chúng tôi chủ yếu tập trung vào đối tượng khách nước ngoài và thậm chí còn mở những lớp học cách làm sushi cho họ."

Những ngày tháng 8/2010, trước khi nhà hàng chính thức được mở cửa, Chizui phải đối mặt với một thử thách lớn trên con đường thực hiện mơ ước trở thành đầu bếp sushi đó chính là tìm nguồn nguyên liệu cá. Tại khu chợ cá Tsukiji rộng lớn với hầu hết chủ hàng và người mua đều là nam giới thì sự xuất hiện của cô gái trẻ Chizui không phải là điều thường thấy. Măn mắn cho Chizui là cô đã nhanh chóng tìm được tàu cá do một phụ nữ là chủ và có nguồn cung cấp cá ổn định cho nhà hàng.

Chợ cá nổi tiếng ở Tokyo hầu như không có bóng dáng của người phụ nữ. (ảnh: Sean Pavone/Alamy)

Thế hệ những người phụ nữ mới ở Nhật Bản

Nadeshico Sushi còn mới mẻ ở Nhật và những phụ nữ ở đây đang làm việc rất nghiêm túc. Cho dù con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn luôn cố gắng để chứng minh bản thân với thông điệp "Tất nhiên, phụ nữ cũng có thể làm được." Những đầu bếp sushi nữ đầu tiền ở Nhật Bản vẫn luôn giữ niềm tin về việc rút ngắn khoảng cách giới rất lớn vẫn còn đang tồn tại trong nghề. 

Những người phụ nữ bước chân vào sự nghiệp đầu bếp sushi đang dần làm thay đổi những quan niệm cũ về giới tính của xã hội Nhật Bản (ảnh: Dondi Tawatao/Getty Images)

Văn hoá xứ phù tang vốn nổi tiếng với sự khắt khe, đặc biệt là lễ giáo đối với phụ nữ. Nhưng câu chuyện của nữ đầu bếp sushi Chizui đã trở thành một ví dụ điển hình cho sự thay đổi vị thế của nữ giới trong xã hội Nhật Bản. Cánh cửa của nữ quyền đang mở rộng hơn đối với thế hệ những người phụ nữ trẻ năng động và quyết tâm như Chizui.

Link nguồn: http://depplus.vn/tin-tuc/26-12-2015/cau-chuyen-ve-mon-sushi-va-nu-quyen-o-nhat-ban/229/37564/

Tên bài đã được thay đổi bởi Ban biên tập của Vanhoadoanhnhan.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Câu chuyện về món sushi và cuộc đấu tranh nữ quyền thầm lặng ở Nhật Bản

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc