Bạn có phải là người sếp tốt? |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ tư, 08/10/2014, 10:17 GMT+7 |
Dù có được một công việc tốt với chức vị cao, nhưng một số người lại không thể trở thành một nhà lãnh đạo tốt. Những tính cách như sự hiếu thắng, ích kỷ có thể giúp họ "trèo cao" trên nấc thang sự nghiệp nhưng lại ngăn cản họ xây dựng một đội ngũ nhân viên nhiệt huyết và trung thành. Để không trở thành một vị sếp tồi, hãy lưu ý những điều sau đây: Xây dựng lòng tin Những vị sếp tốt luôn xây dựng lòng tin cho nhân viên bằng việc lắng nghe cẩn thận, gợi mở câu chuyện và khuyến khích mọi người đưa ra những ý kiến mang tính xây dựng. Đồng thời, họ không quên công nhận những thành tích nhân viên đạt được và tạo điều kiện để mọi người cùng phát triển. Ngược lại, một vị sếp tồi khó xây dựng lòng tin cho nhân viên bởi những đặc tính "khó ưa" của mình. Một trong những đặc tính đó là hay tranh giành công trạng. Đồng thời, họ hiếm khi công nhận thành tích của nhân viên, hay mập mờ, thiếu rõ ràng khi trả lời các câu hỏi. Những đặc điểm này của người quản lý sẽ gây ra sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng đối với nhân viên. Nhận thức được nhu cầu của nhân viên Quan sát và hồi đáp những nhu cầu của từng thành viên trong đội ngũ luôn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo giỏi. Họ giao tiếp với từng nhân viên để nắm rõ nhu cầu và nguyện vọng của mỗi người, từ đó tạo ra những chính sách khuyến khích phù hợp. Trong khi đó, khuyến khích, thúc đẩy nhân viên gần như là nhiệm vụ "bất khả thi" đối với các vị sếp tồi. Họ không có ý tưởng gì về việc phát triển đội ngũ và đáp ứng nhu cầu của nhân viên với khả năng giao tiếp kém cỏi của mình. Nhận thức về ảnh hưởng tâm lý tới nhân viên Nhà lãnh đạo tốt nhận thức được rằng, tâm trạng tích cực của họ sẽ giúp các thành viên trong đội ngũ lấy đó làm gương và thậm chí coi đó như một phần cảm xúc của mình. Họ tạo ra môi trường hằng ngày với những cảm xúc đầy tích cực, các thành viên còn lại cũng cảm nhận được điều đó và dành tình cảm tương tự với sếp của mình. Ngoài ra, nó còn thúc đẩy các thành viên muốn được gắn bó nhiều hơn nữa với toàn đội. Ngược lại, nhà lãnh đạo kém không nhận ra điều đó. Họ thường thể hiện rõ những trạng thái cảm xúc tiêu cực và không nhận ra tác động không hay mà nó tạo ra cho người khác. Họ bỏ qua tầm quan trọng của việc luôn duy trì cảm xúc tích cực để mang lại nhiều niềm vui cho người khác. Điều này có thể khiến nhân viên không thoải mái, dè dặt và thậm chí oán trách nếu bị sếp liên tục chỉ trích. Theo DNSG Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|