top-banner-2

Thứ ba, 25/12/2012, 14:00 GMT+7

Để doanh nhân không phải là "con buôn"

Thứ ba, 25/12/2012, 14:00 GMT+7

Yếu tố bền vững nhất là mỗi con người phải ý thức được trách nhiệm xã hội, nhưng đó là chuyện lâu dài, còn trước mắt chúng ta phải hoàn thiện hệ thống “luật chơi”. "Hạ cánh vàng” hay lo lót, hối lộ nhằm tạo công ăn việc làm... chung quy lại vẫn là do “luật chơi” còn sơ hở.

Ảnh minh họa

Doanh nhân, nhà quản lý kinh tế và con buôn

Theo từ điển “Bách khoa toàn thư” của Việt Nam: Doanh nhân là người làm nghề tổ chức sản xuất kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho thị trường, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Theo từ điển Cambridge của Anh: Businessman is someone who works in business, usually in a high position in a company (Doanh nhân là người làm trong doanh nghiệp, thường có vị trí cao trong một công ty).

Vậy rõ ràng, dù với ý nghĩa “tổ chức” hay “vị trí cao” thì doanh nhân không nhất thiết phải là người đứng đầu doanh nghiệp hay công ty (giám đốc, chủ tịch HĐQT,…) mà nói chung cho những ai điều hành một nhóm nhân công ở vị trí thấp hơn mình trong doanh nghiệp hay công ty ấy.

Nhưng nếu định nghĩa như vậy thì có vẻ rộng quá và dễ gây “bão hòa” các doanh nhân. Trong thực tế, ai đủ tư cách pháp nhân đại diện, ai được tôn vinh hoặc chịu trách nhiệm về thành tựu lớn hoặc hoặc sai phạm của doanh nghiệp hay công ty thì đó là những người mà chúng ta vẫn gọi là doanh nhân.

Nền kinh tế thị trường và luật chơi của nó cũng cho chúng ta thấy rằng: doanh nhân là một cá nhân hoặc nằm trong một nhóm các cá nhân trực tiếp điều hành và có toàn quyền quyết định số phận của cả doanh nghiệp hay công ty, và vốn đầu tư ban đầu để xây dựng doanh nghiệp hay công ty là do họ bỏ tiền túi ra.

Như vậy, không thể có khái niệm “doanh nhân” trong những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vì: bản thân từ “nhân” trong “doanh nhân” đã bao hàm ý “cá thể, cá nhân” rồi, không có sự “toàn quyền” ở đây, đồng thời những “lãnh đạo” DNNN cũng không tự bỏ tiền túi của mình ra để thành lập DNNN.

Những lãnh đạo ấy được nhân dân trao quyền một cách gián tiếp thông qua nhà nước để sử dụng “tiền của dân” một cách có hiệu quả. Chính vì vậy mà trước đây chúng ta đâu có khái niệm “doanh nhân”, chúng ta chỉ quen với “công, nông, trí, sĩ”.

Thực chất của việc thành lập ngày “doanh nhân Việt Nam 13/10” là thể hiện sự coi trọng theo “quy luật khách quan tất yếu” của Nhà nước cũng như nhân dân đối với những đóng góp tích cực không thể thiếu của các doanh nhân và doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong giai đoạn quá độ lên CNXH, là một sự giã từ với cách gọi “con buôn” rất quan liêu và tiêu cực trước đây.

Một lần nữa, tác giả bài viết xin nhấn mạnh: không có khái niệm “doanh nhân” đối với các DNNN, thay vào đó, chúng ta nên dùng khái niệm “nhà quản lý kinh tế”.

Trách nhiệm xã hội của doanh nhân

Cách phân biệt về “doanh nhân” và “nhà quản lý kinh tế trong DNNN” như trên cũng đã cho thấy luôn trách nhiệm xã hội của từng bộ phận rồi.

DNNN hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà nước vì thế họ đương nhiên phải có trách nhiệm xã hội mà nhân dân (hay xã hội) giao phó chọ họ thông qua Nhà nước. Nếu không hoàn thành, họ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân.

Còn doanh nhân, với nét đặc thù “cá nhân” của nó, chúng ta cần đi sâu vào trách nhiệm xã hội ở bộ phận này.

a. Nhà kinh tế được giải Nobel, giáo sư Milton Friedman phát biểu “Có một và chỉ duy nhất một trách nhiệm của doanh nghiệp: sử dụng các nguồn lực, để tham gia các hoạt động đề ra nhằm tăng cường lợi nhuận, trong phạm vi luật chơi”.

Chính câu nói này đã góp phần tạo ra những khủng hoảng tài chính và môi trường toàn cầu trong thời gian gần đây. Nó chỉ nhắm đến một cái đích duy nhất là “lợi nhuận”. Nếu mang giai đoạn khốn khó này mà đối chiếu với câu nói ấy thì có lẽ bản thân Milton Friedman cũng phải suy nghĩ lại học thuyết kinh tế của mình.

Con người hơn các loài động vật khác ở chỗ biết tái sản xuất ra toàn bộ giới tự nhiên. K.Mark đã cảnh báo chúng ta: không được đối xử với giới tự nhiên như những kẻ xâm lược thô bạo, vì chính chúng ta cũng là một phần của giới tự nhiên ấy. Nếu đối xử thô bạo thì hậu quả tất yếu sẽ đến là ô nhiễm môi trường, thiên tai bão lũ, hạn hán, cạn kiệt tài nguyên, chiến tranh giành giật,… và chúng ta đã tự hại mình.

Đây chẳng phải chính là những vấn đề mà nhân loại đang gặp phải hay sao ?

Cái Milton Friedman còn thiếu, chính là “ý thức tự giác” của con người.

Con người thường có xu hướng muốn hưởng thụ hơn cống hiến, ích kỷ hơn tập thể, lách luật hơn chấp hành luật,…nôm na là “bóc ngắn cắn dài”. Quá trình khai thác giới tự nhiên nhanh và dễ dàng hơn gấp bội quá trình tái sản xuất và làm giàu giới tự nhiên. Chúng ta cứ tham lam tiêu xài mà không quan tâm đến “vốn” đã sắp hết. Vậy thì con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu một tương lai ảm đạm và nghèo nàn.

Chính vì chạy theo lợi nhuận mà chúng ta bất chấp thủ đoạn, chà đạp không thương xót lẫn nhau, biến thương trường thành chiến trường: một mất một còn chứ không có chuyện cả hai cùng sống và cùng hưởng lợi. Chúng ta đang tự rời xa phần “người” và trở lại với phần “con”.

b. Nhà quản trị học nổi tiếng là Peter Drucker nói: “Một công ty thua lỗ là công ty thiếu trách nhiệm xã hội”. Câu này hơi vô lý vì thua lỗ do nhiều nguyên nhân. Nhưng dựa vào tình hình thế giới hiện nay, có thể nói: một công ty thiếu trách nhiệm xã hội thì sẽ thua lỗ hoặc gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội.

c. Có một câu phát biểu khác của Henry Ford: “Một doanh nghiệp chẳng làm ra gì khác ngoài tiền, thì đó là loại doanh nghiệp nghèo nàn”. Tất nhiên rồi, chúng ta không thể gặm nhấm tiền mà sống được. Và các phân tích ở trên cũng đã cho thấy chúng ta đang “nghèo” thế nào.

Việc hô hào trách nhiệm xã hội hay “đạo đức” ở hầu hết doanh nhân, doanh nghiệp là điều viển vông.

Việc ca tụng, tôn vinh họ chỉ dựa trên lợi nhuận hay số lượng công ăn việc làm tạo ra mà không tính đến họ đã “trả lại” cho tự nhiên, cho xã hội, cho con người bao nhiêu tấn rác, bao nhiêu khối khí độc hại, bao nhiêu mét-khối nước ô nhiễm,…cũng góp phần “vẽ đường cho hươu chạy”, tạo ra một sự phát triển méo mó tiềm ẩn rất nhiều xung đột. Nói không ngoa, đó là một cuộc chạy đua đến chỗ diệt vong !

Vậy thì, yếu tố bền vững nhất là mỗi con người phải ý thức được trách nhiệm xã hội đã. Nhưng đó là chuyện lâu dài, còn trước mắt chúng ta phải hoàn thiện hệ thống “luật chơi” để bảo đảm cân đối giữa sản xuất và tái sản xuất, giữa khai thác tài nguyên và bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Doanh nhân hay doanh nghiệp cần nhận thấy rằng: họ là một bộ phận của xã hội, vì thế trách nhiệm xã hội cũng có phần trách nhiệm với chính bản thân họ, họ không thể tồn tại nếu tách biệt với xã hội.

3. Đặt vấn đề: “một ông chủ khi đem tặng tài sản được tôn vinh. Còn người làm thuê lại không được hưởng như vậy. Đây là điều đáng làm rõ” thực chất là đi tìm câu trả lời cho sự “công bằng”. Hình như chẳng có cái gì khó hơn là đi “làm rõ” sự công bằng trong các mối quan hệ trong xã hội.

Giá trị vật chất thì còn có thể ước lượng gần chính xác, nhưng còn các giá trị tinh thần thì khó mà cân đo đong đếm. Nhưng có thể thấy rằng: một doanh nhân hay doanh nghiệp chỉ có thể thành đạt khi đời sống của nhân viên không ngừng được cải thiện.

Bill Gates bỏ ra hàng chục tỷ USD làm từ thiện thì song hành với nó là thương hiệu Microsoft nổi tiếng khắp toàn cầu, những nhân viên của ông ta cũng được coi là những chuyên gia hàng đầu trong giới IT đó thôi.

Vả lại, thất bại, thua lỗ hay tai tiếng thì ông chủ cũng gánh gần hết mà, trừ trường hợp “bỏ của chạy lấy người”. Mối quan hệ tương tác biện chứng ở đây, theo tác giả bài viết thì không thể làm rõ nếu không có những khung pháp lý quy định cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ của từng bộ phận.

Ngay cả vấn đề “hạ cánh vàng” hay lo lót, hối lộ nhằm tạo công ăn việc làm... chung quy lại vẫn là do “luật chơi” còn sơ hở. Và trách nhiệm hoàn thiện luật chơi này thuộc về các cơ quan xây dựng luật của mỗi quốc gia nói riêng và liên minh các quốc gia nói chung.

( Theo Tuần Việt Nam)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Để doanh nhân không phải là "con buôn"

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc