top-banner-2

Thứ năm, 06/06/2024, 10:53 GMT+7

Đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng khi khai thác biển

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 06/06/2024, 10:53 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển.

 danh-gia-tac-dong-moi-truong-ky-luong-khi-khai-thac-bien

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn liên quan đến bảo vệ môi trường biển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuân thủ quy hoạch không gian biển quốc gia

Tại phiên chất vấn ngày 4/6, vấn đề quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia được nhiều đại biểu quan tâm. Lo ngại động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, định hướng và giải pháp khắc phục tình trạng trên?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Bộ trưởng cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, dự kiến khi Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua sẽ có phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển, cần tuân thủ, thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, hoạt động lấn biển đã có từ rất lâu, hoạt động lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội cần được đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước.

Về khai thác cát biển, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu tại tỉnh Sóc Trăng, hiện đã đánh giá tác động khu vực đó và thấy rằng không ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học. Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo chỉ khai thác 2 mét để đảm bảo môi trường và thực hiện xa bờ khoảng 20 km.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) nêu vấn đề, Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu vực bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ có giải pháp như nào để hiện thực hóa mục tiêu trên của Đảng?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lã Thanh Tân, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, mục tiêu đề ra trong nghị quyết 36-NQ/TW về quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo là mục tiêu quan trọng thể hiện sự phát triển của kinh tế biển. Từ Nghị quyết này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ về quy hoạch không gian biển quốc gia. Vừa qua quy hoạch các vùng, quy hoạch các địa phương đã được lồng ghép tổ chức thực hiện.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, chúng ta phải rà soát các khu vực bảo vệ gắn với bảo tồn; rà soát các rừng ngập mặn sử dụng đa mục đích, vừa bảo tồn vừa phát triển. Cùng với đó, phải có hệ thống giám sát, quan trắc, quản lý chặt chẽ hơn và xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến môi trường của biển.

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tăng tỉ trọng nuôi xa biển

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh là việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển đảo, các giải pháp chống đánh bắt thủy hải sản trái phép.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản đã được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phổ biến, tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là vấn đề khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng đánh bắt hải sản. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, công tác phổ biến pháp luật biển và hải đảo cho người dân rất quan trọng. Do đó, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tuyên truyền.

Với nội dung đại biểu nêu về đánh bắt thủy sản trái phép, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua, Ban Bí thư đã giao cho người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm trong việc đánh bắt thủy, hải sản trái phép, không đúng quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tuyên truyền phổ biến cho nhân dân các nội dung liên quan đến việc đánh bắt đúng phép, đúng quy định.

Theo Bộ trưởng, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng ban hành, trong đó tập trung vào quy hoạch không gian biển, định hướng nuôi xa biển, thay vì đánh bắt với sản lượng lớn và hủy diệt như hiện nay. Theo đó, thời gian tới, sẽ cố gắng giảm tỉ trọng đánh bắt và tăng tỉ trọng nuôi xa biển.

Trả lời bổ sung thêm về các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển, nhất là giải pháp về tuyên truyền thực hiện thoạt động đánh bắt đúng quy định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, 3 trụ cột của phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định về quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó có phân ra không gian bảo tồn và không gian để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 

Tuy nhiên, để vận hành được điều này thì cần các giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, liên quan tới nguồn lực và định chế về tổ chức bộ máy. Chúng ta muốn bảo tồn thì chúng ta phải có con người, phải có nguồn lực.

Thứ hai, phải phát huy nguồn lực xã hội. "Tôi muốn nói thiết chế cộng đồng quản lý như Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh vừa nêu ví dụ tại Hòn Yến, Phú Yên. Đây là một trong những mô hình tương đối thành công. Thiết chế cộng đồng quản lý đã có trong Luật Thủy sản chứ không phải là một thiết chế tự phát sinh của địa phương và mong rằng tất cả các địa phương 28 tỉnh ven biển đều có cơ chế cộng đồng để quản lý tốt hơn nguồn lợi thủy sản", Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Bộ trưởng cũng khẳng định, nếu chúng ta không tạo ra được sinh kế cho những người xung quanh vùng bảo tồn hoặc trong vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì công tác bảo tồn sẽ không thành công. 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng khi khai thác biển

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc