Nước đi mới của Masan |
Thứ sáu, 26/07/2013, 08:37 GMT+7 |
Chiến lược thành lập Masan Consumer Ventures cho thấy tham vọng của Tập đoàn Masan thống lĩnh toàn bộ thị trường tiêu dùng là rất lớn.
Theo một nguồn tin thân cận với Masan, doanh nghiệp này đang có kế hoạch tái cơ cấu để phục vụ cho một giai đoạn phát triển mới. Trọng tâm của nỗ lực tái cơ cấu này là trong lĩnh vực liên quan đến hàng tiêu dùng – lĩnh vực xương sống tạo nên giá trị cho Masan trong nhiều năm trở lại đây. Nguồn tin này cho biết lĩnh vực hàng tiêu dùng sẽ được cơ cấu lại thành hai mảng chính đặt dưới một pháp nhân gọi là Masan Consumer Holdings (MCH – Tập đoàn hàng tiêu dùng Masan). Một mảng sẽ bao gồm lĩnh vực truyền thống của Masan Consumer là các loại nước tương, nước mắm, mì ăn liền và hai lĩnh vực mới được tích hợp vào Masan Consumer trong thời gian gần đây là cà phê (thông qua việc mua lại VinaCafe Biên Hòa) và nước khoáng đóng chai (thông qua việc mua lại Nước khoáng Vĩnh Hảo). Mảng còn lại sẽ mang tên Masan Consumer Ventures (MCV). Đây chính là nhân tố mới của Masan. Masan Consumer Ventures trước mắt sẽ bao gồm 51% của Masan Agriculture (công ty hiện đang sở hữu 40% Proconco) và 100% của Masan Beer (thông qua việc mua lại Bia Phú Yên). Theo nguồn tin này, Masan Consumer sẽ chỉ tập trung vào các ngành lõi truyền thống là thực phẩm và đồ uống. Trong khi đó, nhân tố mới Masan Consumer Ventures sẽ mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến thị trường tiêu dùng, nơi mà thương hiệu và phân phối đóng vai trò cốt yếu trong việc thắng bại trong kinh doanh, chẳng hạn như bán lẻ. Chuyên môn quốc tế kết hợp với tri thức bản địa Tuy mới khởi đầu, nhưng Masan Consumer Ventures đã nắm trong tay hai tài sản quan trọng là 51% Masan Agriculture và 100% Masan Beer. Hơn thế, mũi nhọn mới này của Masan mới đây đã được tiếp sức bởi Texas Pacific Group (TPG) – một tập đoàn đầu tư toàn cầu. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, TPG, thông qua TPG Growth, đã đầu tư 50 triệu USD để mua 49% cổ phần của Masan Agriculture – công ty tới đây sẽ trở thành một công ty thành viên của Masan Consumer Ventures. Cũng theo nguồn tin trên, mô hình mà Masan dự kiến triển khai ở Masan Consumer Ventures vẫn là một mô hình quen thuộc. Đó là kết hợp chuyên môn và cách quản trị quốc tế với tri thức và kinh nghiệm địa phương. Với mô hình này, Masan đã thành công trong tất cả các hướng đầu tư trước đây của mình, từ Masan Consumer, Masan Resources (công ty triển khai dự án mỏ đa kim Núi Pháo), đến VinaCafe Biên Hòa. Với mô hình kết hợp này, dự kiến Masan sẽ song hành với các đối tác tài chính chiến lược và dài hạn để đẩy nhanh quá trình xây dựng Masan Consumer Ventures thành một trụ cột thứ hai trong Masan Consumer Holdings, xứng tầm với cột trụ thứ nhất đang tồn tại là Masan Consumer. Nói cách khác, nhiều khả năng sẽ có các đối tác tài chính chiến lược khác ngoài TPG tham gia vào Masan Consumer Ventures. Tuy nhiên chi tiết về các đối tác này chưa được tiết lộ. Vì sao thành lập Masan Consumer Ventures? Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn với gần 90 triệu dân. Theo ông Norman Lim, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Singapore ở Việt Nam: “Điều này dẫn tới nhu cầu ngày càng tăng đối với hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là với các loại chất lượng cao hơn và sản phẩm tốt hơn.” Chính tiềm năng này là nền tảng cho sự thành công nhiều khi là thần kỳ của nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng như Masan (mì gói và nước tương), Vinamilk (sữa), Tân Hiệp Phát (đồ uống), Saigon Beer (bia), Kinh Đô (bánh, kẹo, kem), Hoàn Mỹ (chăm sóc y tế), Dược Hậu Giang (dược), Saigon Co.op (bán lẻ), Megastar (rạp chiếu phim)… Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực này, cuộc chơi trong thị trường tiêu dùng ở Việt Nam nói chung vẫn còn rất nhiều đất cho các doanh nghiệp có tầm cỡ thi thố. Theo như số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tốc độ tăng trưởng của thị trường các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam tính đến quý 3 năm 2012 là 23% và được đánh giá là cao nhất, vượt trên cả các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ. Hơn nữa, GDP của Việt Nam cũng được dự đoán là sẽ tăng trưởng liên tục và đạt mức 7,2% vào năm 2017 theo ước tính của Economist Intelligence. Đây được coi là điều kiện lý tưởng cho các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào lĩnh vực này. Masan có thể coi là một doanh nghiệp đầy kinh nghiệm trên thị trường tiêu dùng ở Việt Nam. Với nền tảng là Masan Consumer, đơn vị có hệ thống quản trị, phân phối và thương hiệu thuộc loại số 1 ở Việt Nam, Masan Consumer Holdings có thể khai thác thế mạnh của Masan Consumer để phục vụ cho việc tạo giá trị gia tăng trong các mảng mà Masan Consumer Ventures đầu tư. Bên cạnh đó, Masan Consumer Ventures còn được thừa hưởng kinh nghiệm quản trị tài chính hàng đầu cũng như năng lực huy động vốn quốc tế của Masan Group. Đây là những lợi thế ban đầu có thể nói là lý tưởng cho “cuộc phiêu lưu” mới của Masan. Dù tiềm năng như vậy, Masan vẫn tỏ ra vẫn hết sức thận trọng bằng việc không “bỏ hết trứng vào một rỏ”. Việc cơ cấu Masan Consumer Holdings thành một đơn vị “đi bằng hai chân” rõ ràng là một chiến lược thận trọng và thông minh. Một bên, Masan Consumer Holdings có Masan Consumer với đặc trưng là ổn định, trưởng thành, và vì thế ít rủi ro hơn. Bên còn lại, Masan Consumer Ventures là “sân” Masan dành cho các cuộc chơi mới mẻ hơn cũng trong lĩnh vực thị trường tiêu dùng. Cuộc chơi mới này là một cuộc chơi đầy hứa hẹn nhưng không ít rủi ro. Nhìn theo một góc độ khác, việc tạo ra nhiều sân chơi khác nhau trong mái nhà Masan cũng có thêm một tác dụng nữa là đáp ứng được thị hiếu khác nhau của các đối tác quốc tế mà doanh nghiệp này đang hoặc sẽ nhắm đến. Các chuyên gia dự báo những nhà đầu tư rủi ro sẽ ưa chuộng Masan Consumer Ventures hơn, trong khi nhà đầu tư cẩn trọng sẽ ưa chuộng Masan Consumer vì tính trưởng thành và ổn định của nó. Còn các nhà đầu tư muốn cân bằng cả hai cuộc chơi này có thể sẽ lựa chọn Masan Consumer Holdings hoặc Masan Group làm đầu tư. Theo dddn
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|