4 điều cần lưu ý khi tiếp thị qua mạng xã hội |
Thứ bảy, 13/07/2013, 00:27 GMT+7 |
Đến nay, truyền thông xã hội là thứ công cụ tiếp thị duy nhất có thể san bằng khoảng cách giữa những nhân vật đi tiên phong trong một lĩnh vực với những người mới chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực đó, giữa các nhà quản trị của một doanh nghiệp đa quốc gia với chủ một doanh nghiệp nhỏ.
Nghĩa là mọi người khi tham gia vào truyền thông xã hội thì có vai trò và sức ảnh hưởng ngang nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số ít tỏ ra vượt trội hơn trong đám đông. Nếu để ý, chúng ta thấy một nhân vật nào đó được yêu mến trên mạng xã hội thường có cách xây dựng nền tảng fan hâm mộ một cách rất tự nhiên, rất đáng để học hỏi. Dưới đây là bốn điều cốt lõi được đúc kết giúp các doanh nhân dần gia tăng ảnh hưởng của mình trên cộng đồng trực tuyến nhằm tạo ra bước đột phá mới trong chiến lược kinh doanh. 1.Cung cấp nội dung có chất lượng Nếu muốn tạo được dấu ấn trên truyền thông xã hội, điều trước tiên và quan trọng nhất là bạn cung cấp được nội dung thật sự có chất lượng. Bằng tư duy đột phá và kiến thức sâu rộng của mình, bạn hoàn toàn có thể tạo ra nội dung đủ hấp dẫn để chia sẻ với cộng đồng trên mạng xã hội, đồng thời khuyến khích những người khác đóng góp nội dung của họ. Người được xem là thành công nhất trong việc này chính là doanh nhân – nhà đầu tư Guy Kawasaki, cánh tay trái của Apple. Là bậc thầy về sử dụng nội dung để tiếp thị, ông sở hữu một nghệ thuật tạo dựng sự kết hợp tài tình giữa nội dung của người khác với ý kiến và cách suy nghĩ của mình và bằng cách lặp lại mỗi dòng đăng tải của mình hai, ba lần trên Twitter để thông tin đó đến với mọi người ở mọi múi giờ khác nhau trên thế giới. Điều đáng chú ý là Kawasaki chia sẻ hoặc đưa ra những ý tưởng để từ đó chúng ta có thể thu được những điều mới mỗi ngày và chia sẻ chúng với người có cùng mối quan tâm trên mạng xã hội. 2. Luôn rộng mở và gắn kết Trên mạng xã hội, việc hiện diện trước người khác là rất quan trọng, nhưng lại được rất ít người quan tâm. Những gì bạn cần làm là hồi âm cho người theo dõi thật nhanh và đối xử với mọi người một cách bình đẳng. Theo thời gian, nhiều người sẽ yêu mến bạn vì bạn đã tỏ ra thật sự nhiệt tình. Cũng nên ưu tiên tập trung cho một phân khúc nhất định. Tất nhiên, bạn có thể trở thành một nhân vật chung, tạo ra một nhóm nội dung hỗn hợp liên quan đến nhiều lĩnh vực, hoặc chuyên sâu chỉ trong một lĩnh vực. Thông thường, ý kiến của chuyên gia có sức thuyết phục hơn ý kiến của nhà tổng hợp. Vì lẽ đó, để nổi bật lên trên truyền thông xã hội, bạn nên sở hữu một đề tài riêng biệt, tạo được sức hấp dẫn với một nhóm người nhất định. 3. Sử dụng truyền thông xã hội để tiếp thị Đối với các doanh nhân, khoảng thời gian dành cho truyền thông xã hội thường không nhiều. Để không bị tiêu tốn nhiều thời gian, bạn nên hướng dẫn nhân viên đầu tư công sức và thời gian để chứng minh ích lợi và giá trị các sản phẩm (hoặc dịch vụ) mà bạn cung cấp thông qua việc viết blog, sử dụng nền tảng xã hội để đăng tải và tiếp thị cho sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Thông qua những video clip hấp dẫn và những câu chuyện kể sinh động, bạn sẽ tăng được sự theo dõi và quan tâm của cộng đồng trực tuyến. 4. Tuân theo nền văn hóa độc đáo của từng mạng xã hội cụ thể Mỗi một trang cộng đồng sở hữu một nền văn hóa riêng và người sử dụng thành công nhất biết cách tận dụng nó “tại chỗ” chứ không chia sẻ nội dung trên khắp các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau. Chẳng hạn, trên Twitter bạn có thể đăng tải thông tin với mức độ tương đối dày để gắn kết với mọi người, sử dụng dấu hiệu hashtag (#), trong khi ở Facebook thì ngược lại, bạn đăng tải ít hơn để tránh tình trạng “dội mail” cho mọi người, nhưng kết nối với cộng đồng theo hướng sáng tạo hơn bằng cách giới thiệu những hình ảnh và video clip chọn lọc. Một số doanh nghiệp quan niệm rằng càng xuất hiện nhiều tại các miền xã hội khác nhau thì càng tốt, từ Google+, Tumblr, Twitter, Facebook, Instagram, Pinterest đến LinkedIn, nhưng đôi khi, chỉ cần hai, ba mạng là đã đủ để bạn tiếp cận được nhóm khách hàng mục tiêu của mình. Theo Entrepreneur/DNSGCT Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|