Vì sao Mỹ không ưu tiên đầu tư vào châu Mỹ Latin và châu Phi? |
Viết bởi ducanh |
Thứ ba, 17/03/2020, 15:42 GMT+7 |
Mỹ từng có nhiều động thái cạnh tranh với Trung Quốc ở cả châu Mỹ Latin và châu Phi. Nhưng sự đầu tư hiện tại của Mỹ ở đây có vẻ chưa phải là ưu tiên. Theo giới quan sát, chính sách đối ngoại của Mỹ từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền ở Nhà Trắng có sự thay đổi đáng kể. Theo đó, các trọng tâm chiến lược đã được điều chỉnh cho phù hợp với thời đại mới – “thời đại cạnh tranh nước lớn”. Khu vực Mỹ Latin và châu Phi không còn nhận được sự ưu tiên của Washington như các chính quyền tiền nhiệm. Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. Điều chỉnh chính sách Theo đánh giá của các chiến lược gia Mỹ, sau nhiều thập niên tập trung không cân xứng vào Trung Đông, giờ đây chính sách của Tổng thống D. Trump đã khắc phục điều đó, bằng việc rút quân khỏi khu vực và đàm phán với Taliban... đồng thời xác định châu Âu và châu Á là trọng tâm chiến lược của Mỹ. Trong các Chiến lược An ninh quốc gia (2017), Chiến lược Quốc phòng (2018)... Mỹ đã coi quan hệ với Trung Quốc, Nga là mang tính cạnh tranh và Washington sẽ phải tập trung mọi nỗ lực vào việc duy trì lợi thế với cả hai đối thủ này. Theo giới chuyên gia Mỹ, châu Âu và châu Á hiện là nơi có những mối đe dọa lớn nhất đối với sức mạnh Mỹ và cũng là mục tiêu trung tâm của Mỹ, nên việc ngăn cản các nước lớn ở cả hai khu vực này là cần thiết. Vì thế, sự điều chỉnh nêu trên là đáng hoan nghênh so với các Chiến lược An ninh trước đây. Mục đích sự điều chỉnh của Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump là duy trì mục tiêu của chính sách đối ngoại của Mỹ trở lại như thời kỳ sau Thế chiến II. Theo đó, Washington phải có ưu thế về sức mạnh và tiềm lực kinh tế, để bảo đảm rằng, quyền tự do của các quốc gia, trong đó có các đồng minh của Mỹ phải được bảo đảm. Vì thế, “Cạnh tranh nước lớn sẽ trở thành trọng tâm chính trong an ninh quốc gia Mỹ” trong tương lai gần. Điều đó, đã được ghi rõ trong Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2018, rằng sự quan tâm hàng đầu của Lầu Năm Góc là bảo vệ hiệu quả các vùng lãnh thổ như Đài Loan, các nước vùng Baltic trước một cuộc tấn công tiềm tàng của các nước lớn, nhất là một cuộc tấn công dựa trên “sự đã rồi”... Vì thế, nguyên cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng Mỹ, ông Henry Kissinger đã viết trên tờ Financial Times năm 2018 rằng: Ông “Trump có thể là một trong những nhân vật trong lịch sử đôi khi xuất hiện để đánh dấu sự kết thúc một thời đại và buộc nó phải từ bỏ những kỳ vọng trước đây”. Chính ông ấy đã tạo ra cơ hội để đưa ra một chiến lược lớn và mới. Hạn chế đầu tư Đối với châu Mỹ Latin, năm 2017 Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có chuyến thăm một số quốc gia trong khu vực, ông cũng tuyên bố: “Mỹ sẽ luôn đặt an ninh và thịnh vượng của châu Mỹ Latin lên trên hết. Không có châu Mỹ Latin thì không có Mỹ”. Tuy nhiên, cho đến nay Mỹ đã không làm bất kỳ điều gì, ngoài việc tìm cách trừng phạt những quốc gia đối nghịch tại khu vực. Ngay từ năm 2017, The Global American, trang tin chuyên về chính sách đối ngoại của Mỹ đã cho rằng, chính sách của Mỹ đối với sân sau là không rõ ràng; rằng Chính quyền của Tổng thống D. Trump không chỉ thiếu quan tâm, mà còn có thể tuyệt giao với khu vực. Về quan hệ kinh tế, sau hơn 14 tháng đàm phán gay gắt, cuối cùng Mỹ cũng đạt được thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico (USMCA), thay thế NAFTA có lợi hơn cho Mỹ. Việc đàm phán và ký kết nêu trên cho thấy chính quyền Mỹ của Tổng thống Trump đã không còn ưu đãi các đồng minh khu vực này. Đối với châu Phi, mặc dù Mỹ đã có sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” nhưng cho đến nay, chính quyền của ông D. Trump chỉ đưa ra một vài tuyên bố về châu Phi. Giới phân tích cho rằng, chiến lược mới của Mỹ quá tập trung vào việc ngăn chặn ảnh hưởng về thương mại, an ninh và chính trị của Nga và Trung Quốc, bằng chứng là họ đã không có một kế hoạch nào để mở rộng các nguồn lực tại châu Phi. Tuy nhiên, ngày 15-19/2 vừa qua Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm 3 nước Senegal, Angola và Ethiopia trong nỗ lực khởi động lại Chiến lược châu Phi của Mỹ. Trước đó, năm 2018 với việc công bố sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” người ta tưởng rằng Tổng thống D. Trump đã làm nên lịch sử riêng, nhưng thực ra chỉ là tạo đối trọng với Trung Quốc. Hệ lụy không mong muốn Tại châu Mỹ Latin, những khó khăn về kinh tế, khủng hoảng về chính trị; tình trạng bất bình đẳng xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định chính trị-xã hội... Cùng với đó, là nạn tham nhũng, ma túy và tội phạm tràn lan, làm kiệt quệ các nguồn tài nguyên và nghèo hóa một bộ phận dân cư. Sự đối kháng giữa cánh tả và cánh hữu vẫn diễn ra quyết liệt. Tình trạng chia rẽ, phân hóa của các nước Mỹ Latin làm suy yếu khả năng giải quyết thách thức của mỗi quốc gia và ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ khu vực. Sự can thiệp từ bên ngoài, trong đó có Mỹ đã khiến cho tình hình tại khu vực Mỹ Latin thêm căng thẳng, đặc biệt là ở Venezuela. Mỹ quyết tâm lật đổ Tổng thống Maduro, tố cáo Nga thuyết phục ông Maduro đeo bám lấy quyền lực, thậm chí còn đe dọa sử dụng hành động can thiệp quân sự. Tình hình có lúc đứng trước nguy cơ đối đầu vượt tầm kiểm soát. Theo đó, Mỹ đã có phương án đưa quân đội can thiệp vào Venezuela. Đối với khu vực châu Phi hiện vẫn đang đứng trước các thách thức về an ninh, với hàng loạt các điểm nóng ở các nước như: Nam Sudan, Ethiopia, Eritrea, Cameroon, Libya, Zimbabwe, Cộng hòa Congo, Cộng hòa Trung Phi, Somalia... vẫn chưa có hồi kết. Phóng viên Nicolas Haque của tờ Al Jazeera cho rằng, Mỹ đang “gửi các tín hiệu mâu thuẫn nhau”, trong khi khuyến khích thương mại và đầu tư với khu vực, nhưng lại mở rộng lệnh cấm đi lại và xem xét giảm bớt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đây, trong bối cảnh các quốc gia tại khu vực đang vật lộn để bảo vệ người dân trước các nhóm vũ trang có liên hệ với al-Qaeda và IS. Điều đáng chú ý là, Mỹ muốn khôi phục lại sự ổn định khu vực, nhưng Lầu Năm Góc lại tuyên bố bắt đầu điều chỉnh thu hẹp hiện diện quân sự tại châu Phi và chuyển nguồn lực sang đối phó với Trung Quốc, Nga và Iran. Hãng AFP dẫn lời một nhà ngoại giao cho biết: “Hiện vẫn chưa rõ tại sao ông Pompeo lại công du vào thời điểm này và liệu đây có phải một phần của chiến lược lớn hơn của Mỹ tại châu Phi hay không, đặc biệt khi chính quyền Mỹ trong vài tuần qua đã cho thấy dấu hiệu rằng họ có ý định cắt giảm hiện diện quân sự và đầu tư viện trợ”. Như vậy, trong hơn 3 năm cầm quyền ở Nhà Trắng, với chủ thuyết “nước Mỹ trước tiên”, cùng với cách tiếp cận khác nhau, đôi khi trái ngược nhau, rất khó đoán định. Tuy nghiên, cho đến nay những chính sách mạng tầm chiến lược toàn cầu của Mỹ cũng đã dần hé lộ. Theo đó, khu vực Mỹ Latin và châu Phi không thuộc trọng điểm chiến lược, có thể là câu trả lời cho chủ đề nêu trên. theo CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN - 17/03/2020 link nguồn: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-my-khong-uu-tien-dau-tu-vao-chau-my-latin-va-chau-phi-1023050.vov Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|